Google cho phép người dùng xác minh hình ảnh và video AI trong kết quả tìm kiếm
Google đã thông báo sẽ ra mắt tính năng mới giúp người dùng xác định nguồn gốc và phương thức tạo ra hình ảnh, video.
Với tính năng mới, Google sẽ giúp người dùng dễ dàng kiểm tra xem hình ảnh và video hiển thị trong kết quả tìm kiếm có được tạo ra hoặc chỉnh sửa bằng AI hay không.
Động thái này diễn ra sau khi Google tham gia Liên minh về Nguồn gốc và Tính xác thực của nội dung (C2PA - Coalition for Content Provenance and Authenticity). Đây là nỗ lực chung của các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Microsoft, Meta, OpenAI và các công ty khác để phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm xác định và xác thực nội dung do AI tạo ra.
Theo thông báo của Google, công ty rằng sẽ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật Content Credentials, tiêu chuẩn cung cấp thông tin về nguồn gốc của nội dung được hiển thị, cho các sản phẩm chính của mình.
Công nghệ nguồn gốc có thể giúp giải thích liệu một bức ảnh được chụp bằng máy ảnh, được chỉnh sửa bằng phần mềm hay được tạo ra bởi AI. Google cho biết trong bài đăng trên blog được công bố vào ngày 17/9 rằng: "Loại thông tin này giúp người dùng của chúng tôi đưa ra quyết định sáng suốt hơn về nội dung họ đang tương tác - bao gồm ảnh, video và âm thanh - và xây dựng sự hiểu biết về phương tiện truyền thông và niềm tin".
Google cho biết họ sẽ sử dụng các hướng dẫn về Content Credentials hiện tại trong các tham số Tìm kiếm của mình để thêm nhãn vào các hình ảnh, video do AI tạo hoặc chỉnh sửa, mang lại sự minh bạch hơn cho người dùng. Điều này có nghĩa là các hình ảnh hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Google Search được nhúng siêu dữ liệu C2PA, người dùng sẽ có thể nhấp vào "Giới thiệu về hình ảnh này" để biết thông tin chi tiết về cách hình ảnh được tạo ra. Siêu dữ liệu này bao gồm thông tin như nguồn gốc của hình ảnh cũng như thời gian, địa điểm và cách tạo ra chúng.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn C2PA, cho phép người dùng có thể truy xuất nguồn gốc của các loại phương tiện truyền thông khác nhau, đã bị nhiều nhà phát triển AI từ chối áp dụng như Black Forrest Labs - công ty phát triển mô hình Flux mà Grok của mạng xã hội X (trước đây là Twitter) sử dụng để tạo hình ảnh.
Theo một nghiên cứu của Đại học Waterloo, chỉ có 61% số người có thể phân biệt được sự khác nhau giữa hình ảnh do AI tạo ra và hình ảnh thực. Tuy nhiên, việc người dùng phải thực hiện nhiều thao tác mới có thể xác định nguồn gốc hình ảnh có thể gây khó khăn cho những ai không quen thuộc với tính năng này. Điều này đặt ra câu hỏi liệu công cụ của Google có đủ mạnh để bảo vệ người dùng khỏi các thông tin sai lệch được lan truyền thông qua hình ảnh AI. Nhưng dù gì đây vẫn là một bước tiến tích cực của Google trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch trực tuyến./.