Theo Giám đốc phụ trách tin tức và xuất bản của Google, Sulina Connal, tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã có thỏa thuận được quyền tiếp cận các nguồn nội dung của hơn 300 tổ chức cung cấp tin tức quốc gia, địa phương ở Đức, Hungary, Pháp, Áo, Hà Lan và Ireland.
Khoảng 2/3 trong số các đơn vị này là các tờ báo của Đức như Der Spiegel, Die Zeit và Frankfurter Allgemeine Zeitung.
Theo Reuters, Google hiện đang đàm phán thêm với các nhà sản xuất tin tức ở những quốc gia khác nhưng không tiết lộ số tiền chi ra là bao nhiêu và số tiền mỗi bên được nhận.
Bà Sulina Connal cho biết, Google cũng đang phát triển một công cụ cho phép các nhà sản xuất tin tức ở nhiều quốc gia khác có thể kiếm tiền từ các nội dung mà Google sử dụng. Công cụ này trước tiên sẽ được thử nghiệm tại Đức và Hungary, sau đó là các nước thành viên của Liên minh châu Âu khác trong những tháng tới.
Động thái này của Google được thực hiện sau gần 3 năm khi Liên minh châu Âu thông qua đạo luật bản quyền mang tính bước ngoặt yêu cầu Google và các nền tảng trực tuyến khác phải trả tiền cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà xuất bản tin tức và nhà báo... nếu sử dụng những tác phẩm của họ.
Các nhà sản xuất tin tức là những đối tượng chỉ trích Google mạnh mẽ nhất vì đã sử dụng miễn phí nội dung của họ trong nhiều năm.
Từ lâu, các tổ chức xuất bản tin tức trên thế giới đã có những động thái thúc giục các chính phủ yêu cầu những nền tảng trực tuyến trả phí bản quyền công bằng cho việc tiếp cận các nguồn nội dung của họ.
Năm ngoái, Australia đã thông qua luật yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng truyền thông, báo chí địa phương khi sử dụng, tìm kiếm hay chia sẻ các bài viết mà các tổ chức này sản xuất. Một đạo luật tương tự cũng đã được Canada ban hành vào tháng 4 vừa qua./.