Góp ý sửa đổi một số bất cập của Luật báo chí 2016

02/08/2022 15:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm qua, sự phát triển bùng nổ của Internet và công nghệ số đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội.

Nhiều khái niệm truyền thống tưởng như vững chắc thì đến nay lại không còn phù hợp, thậm chí đã biến mất và được thay thế bởi những khái niệm mới ra đời trong kỷ nguyên số. Internet và công nghệ số đã tác động và làm thay đổi nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đó, báo chí là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ nhất. Truyền hình truyền thống đang sụt giảm khán giả bởi sự cạnh tranh của các nền tảng khác, hầu hết các tờ báo giấy đều gặp khó khăn và đối mặt với câu hỏi tồn tại hay không khi phần lớn doanh số bị sụt giảm bởi sự tiện lợi và nhanh chóng của báo điện tử. 

Báo chí – một lĩnh vực quan trọng bậc nhất trong bất cứ xã hội nào và ở bất cứ thời kỳ nào đang phải đối mặt với sự thay đổi do những nguyên nhân khách quan. Làm thế nào để tồn tại, để phát triển và để báo chí phát huy được vai trò quan trọng của mình đang là thách thức đặt ra ở nhiều quốc gia hiện nay.

Luật Báo chí 2016 sau khi có hiệu lực đi vào cuộc sống đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, Luật Báo chí 2016 cũng nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, giúp các cơ quan báo chí, các nhà báo hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, Luật Báo chí 2016 đến nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp trong tình hình mới, nhiều vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực báo chí chưa được điều chỉnh. Vì thế, sửa đổi Luật Báo chí để nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí để đóng góp tích cực hơn vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước là yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay.

Một số đóng góp để sửa đổi Luật Báo chí đó là:

Thứ nhất, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa Báo và Tạp chí điện tử, đây cũng là nguyên nhân khách quan bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số dẫn đến ranh giới giữa “Báo” và “Tạp chí” trên nền tảng Internet hiện nay rất mong manh. Tình trạng nhập nhằng giữa Báo và Tạp chí, hay “báo hóa” gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của báo chí. Việc luật quy định không rõ ràng cũng gây lúng túng trong thực hiện hoạt động báo chí. 

Đặc biệt, nhiều tạp chí điện tử đưa thông tin nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội, tin, bài giật tít câu view đã rời xa chức năng nhiệm vụ chính nhưng cơ quan nhà nước vẫn khó xử lý. Luật Báo chí 2016 cũng chưa quy định về Báo in và Tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí.

Thứ hai, tình trạng gỡ, sửa tin bài, cá biệt một số trường hợp việc sửa tin, bài vì động cơ vụ lợi cá nhân trên báo điện tử diễn ra khá phổ biến, nhiều trường hợp bài đăng trước đó là “chê” sau sửa lại thành “khen”, quy định chưa rõ ràng của Luật về vấn đề này và thiếu chế tài xử lý đã dẫn đến tình trạng nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí lợi dụng để tư lợi gây bức xúc của dư luận, làm mất uy tín của báo chí trong suốt một thời gian dài. Vấn đề này cần phải quy định chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn khi sửa Luật Báo chí 2016.

Thứ ba, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Luật Báo chí năm 2016 tuy đã cụ thể hóa quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân trong Điều 10 và Điều 11 Luật Báo chí 2016 nhưng trên thực tế quyền này còn bị nhiều hạn chế do quy định không rõ ràng dẫn đến việc người dân thường lúng túng không hiểu và không biết sử dụng quyền của mình. 

Tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí là quyền cơ bản của con người, việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân không những đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết mà còn là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của đất nước, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân cũng phát huy tốt vai trò giám sát của người dân đối với cán bộ, công chức và các cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Thứ tư, Luật Báo chí đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên trên thực tế, việc tác nghiệp của các nhà báo vẫn còn gặp không ít khó khăn. Luật Báo chí năm 2016 quy định khi phóng viên đến làm việc với cơ quan, chính quyền chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, nhưng một số nơi còn yêu cầu thêm các giấy tờ không cần thiết nhằm cản trở hoạt động của nhà báo như giấy giới thiệu, thậm chí có cơ quan còn điện thoại về tòa soạn xác minh nhân thân, việc này gây phiền hà và là lý do để cản trở hoạt động của báo chí. 

Lợi dụng việc quy định không rõ ràng của pháp luật, nhiều cơ quan báo chí cũng lạm dụng “Giấy giới thiệu” để cho các cộng tác viên không có thẻ nhà báo đến sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức. Vấn đề này cần phải quy định chi tiết hơn để hạn chế việc cản trở hoạt động của báo chí hoặc lợi dụng hoạt động báo chí để tiêu cực.

Thứ năm, tình trạng người có trách nhiệm phát ngôn ở các cơ quan hành chính nhà nước lấy các lý do như đi công tác, đi nước ngoài, bận họp hành.... để trốn tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí cũng diễn ra rất phổ biến. Cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 nhưng trên thực tế việc thực thi còn thiếu hiệu quả cũng bởi chưa có chế tài xử lý những người cố tình vi phạm dẫn đến hoạt động báo chí bị cản trở. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực diễn ra phổ biến. Luật Báo chí sửa đổi cần đưa ra những quy định cụ thể hơn về vấn đề trách nhiệm và các hình thức xử lý vi phạm để khắc phục tình trạng này.

Thứ sáu, việc dẫn nguồn của các trang thông tin, báo dẫn nguồn tin còn nhiều bất cập, thậm chí lộn xộn, nhiều trang thông tin đăng tải hay dẫn nguồn sai sự thật gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân nhưng việc xử lý còn rất hạn chế và không có hiệu quả. Để khắc phục vấn đề này, cần quy định cụ thể hơn về việc chia sẻ, dẫn nguồn tin trong Luật và bổ sung các quy định về chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, đặc biệt đối với các vấn đề khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận.

Thứ bảy, trên thực tế, nhiều phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp và chính quyền, nhiều cơ quan báo chí đăng tải thông tin sai sự thật hoặc không khách quan gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân nhưng quy trình, thủ tục khiếu nại tố cáo đối với cơ quan báo chí còn khó khăn, trách nhiệm chưa cụ thể. Giải quyết khiếu nại và tố cáo trong hoạt động báo chí cũng cần phù hợp với Luật Tố cáo 2018 và Luật Khiếu nại 2011 tuy nhiên báo chí là hoạt động đặc thù nên vấn đề này cũng cần cụ thể hơn trong Luật để hoạt động báo chí có hiệu quả hơn.

Thứ tám, sự tụt hậu về công nghệ, về phương thức làm báo hiện đại trong bối cảnh truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài có bước phát triển vượt bậc về khoa học, ứng dụng công nghệ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thua kém của báo chí chính thống so với mạng xã hội như Facebook, Twitter,... Trong bối cảnh việc kiểm soát các thông tin trên mạng xã hội rất khó thực hiện như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị, công nghệ để các cơ quan báo chí có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường, đồng thời, cũng cần có những quy định riêng kết hợp với Luật An ninh mạng 2018 kiểm soát nguồn thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi là vô cùng cần thiết và cấp bách. Báo chí - với vai trò “quyền lực thứ 4” hoạt động trong khuôn khổ một hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện sẽ phát huy vai trò của mình để đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7 năm 2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Góp ý sửa đổi một số bất cập của Luật báo chí 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO