Góp ý về Giải thưởng Sách quốc gia

28/04/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ nhiều năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia là hoạt động văn hóa thường niên thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà xuất bản (NXB), người làm sách, độc giả cũng như dư luận xã hội.

Trên nhiều phương diện, giải thưởng rất có ý nghĩa ở một đất nước vốn giàu truyền thống văn hiến, coi trọng thi thư, lễ nhạc; góp phần nâng cao văn hóa đọc, ghi nhận - tôn vinh cố gắng của các NXB, các công ty truyền thông, các tác giả đã cho ra mắt những cuốn sách (bộ sách) tốt về nội dung, đẹp về hình thức. Ấy thế nhưng, theo chúng tôi, không phải không có những điểm mà ban tổ chức cần lưu ý rút kinh nghiệm hoặc sửa đổi, bổ sung để giải thưởng ngày càng có giá trị và toàn diện. 

Một vài góp ý dưới đây, chúng tôi đưa ra từ thực tiễn Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 (năm 2021).

Tỷ lệ giải bất hợp lý giữa sách dịch/sách nước ngoài và sách trong nước 

Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2021 được trao ngày 12/11/2021 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) với sự tham gia của 47/59 NXB, 284 bộ sách và tên sách gồm 365 cuốn. 24 tác phẩm đã được vinh danh gồm: 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C. Trong 24 tác phẩm này, có tới 7 tác phẩm là sách dịch. 

Cụ thể: "Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người" (tác giả Jared Diamond, NXB Thế giới, giải A); bộ sách 2 cuốn "Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam" (tập 1), "Thánh mẫu linh tiêm" (tập 2) do Olivier Tessier tổ chức biên soạn (NXB  Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, giải B); "Nghệ thuật Huế"  (tác giả Léopold Cadière - Edmon Gras, NXB Thế giới, giải B); "Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI - Những thách thức mới và những mô hình nổi trội" (tác giả Adam Szirmai - Wim Naudé - Ludovico Alcorta (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, giải C); "Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn" (tác giả Stephen Hawking, NXB  Trẻ, giải C); "Cuốn sách về quyền lực: Nó là cái gì, ai có nó, và tại sao?" (tác giả Claire Saunder - Hazel Songhurst - Georgia Amson Bradshaw - Minna Salami - Mik Scarlet, NXB Kim Đồng, giải C); "Nâu Nâu thị thành - Xanh Xanh đồng quê" (tác giả Mo Willems, NXB Hà Nội, giải C)… 

Chuyện ban tổ chức một giải thưởng nào đó trao giải hay tôn vinh cho một tác phẩm không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa hay quốc tịch người viết, xưa nay không phải không có tiền lệ. Chẳng hạn giải Nobel Văn học danh giá (Nobelpriset I litteratur) hàng năm vẫn được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố vào đầu tháng 10, trao cho một tác giả không phân biệt quốc gia có tác phẩm xuất sắc nhất theo khuynh hướng duy tâm (dĩ nhiên, tùy theo cách đánh giá của hội đồng). 

Tính từ năm 1901 (năm đầu trao giải) đến hết năm 2021, đã có 118 tác giả được vinh danh giải Nobel Văn học (một số năm, ban tổ chức không trao giải, như các năm: 1914, 1918, 1935, 1940-1943) không phân biệt châu lục, lứa tuổi, màu da, nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo… 

Song Nobel Văn học là giải thưởng quốc tế, có uy tín toàn cầu; còn giải thưởng của chúng ta là giải thưởng Sách Quốc gia. Có thể chúng ta không hoàn toàn “quay lưng” với các tác phẩm của người ngoại quốc (đã được chuyển ngữ) nhưng chúng ta cũng nên đặt ra những tiêu chí chính đáng như: tỷ lệ sách dịch được giải khoảng 10-15%, phải là tác phẩm mới được dịch (bản dịch chất lượng tốt) và viết về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (có rất nhiều tác phẩm thuộc loại xuất sắc của các nhà Đông phương học Pháp viết về Việt Nam thời Pháp thuộc)… 

Quay trở lại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 năm 2021, rõ ràng, không ai phủ nhận "Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người" là tác phẩm hay nhưng nó không hề mới, vì trước khi "Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người" được NXB Thế giới phát hành, người ta đã thấy công trình của Jared Diamond được công bố ở Việt Nam từ năm 1998, nghĩa là trước đó hơn 20 năm. 

Đâu là tính thời sự của một giải thưởng đối với một tác phẩm đã có tuổi đời hơn 20 năm, qua rất nhiều lần tái bản? Ở phương diện khác, thật không có nhiều ý nghĩa khi chúng ta trao Giải thưởng Sách quốc gia cho một tác phẩm từng được dịch ra 33 thứ tiếng, từng nhận nhiều giải thưởng quốc tế như giải Pulitzer rất uy tín của Hoa Kỳ; giải thưởng Sách Khoa học Aventis… vì giá trị của sách đã được khẳng định khắp năm châu)!

Góp ý về Giải thưởng Sách quốc gia - Ảnh 1.

Chuyện chấm giải và những điều chỉnh cần thiết 

Trong số các tác giả được trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 năm 2021, có tác phẩm của nhà văn nọ. Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là nhà văn có tác phẩm được vinh danh cũng có chân trong hội đồng chấm giải sách. Trong buổi họp báo cung cấp thông tin cho các ký giả trước lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4 năm 2021 ít ngày, ban tổ chức đã có lời giải thích rằng: dù nhà văn có tham gia chấm thì tác phẩm của ông đã được thẩm định kỹ càng để đảm bảo chất lượng giải. 

Có thể đây là lời nói thật và muốn hay không, nhà văn cũng chỉ có 1 phiếu trong tay, không thể chi phối được cả hội đồng song nó vẫn để lại vết gợn đáng tiếc vì về nguyên tắc, ở những cuộc thi, giải thưởng có uy tín, nhất là tầm cỡ quốc gia, bất kỳ thành viên nào của ban tổ chức, ban giám khảo cũng không được tham dự, nếu không sẽ dẫn tới xung đột lợi ích (conflict).

Còn nhớ, ở lần trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018, đã tồn tại chuyện tương tự như một tiền lệ: Họa sĩ Trần Khánh Chương - lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - vừa là thành viên hội đồng chấm giải, vừa có tác phẩm được trao giải B hạng mục Sách Đẹp: cuốn Tranh tượng chân dung Lê Ngọc Bích (NXB Mỹ thuật)… 

Ngoài việc dứt khoát không để tái diễn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đối với một (vài) thành viên nào đó được mời chấm giải ở những lần kế tiếp thì thiết tưởng, ban tổ chức cũng nên cân nhắc về cơ cấu các hạng mục sách sao cho tương đối toàn diện.

Hiện tại, tất cả các loại sách gửi tham dự giải được chia làm 5 mảng: Chính trị - Kinh tế; Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Khoa học Xã hội và Nhân văn; Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật; Thiếu nhi. Phân chia (dù tương đối) như vậy, theo chúng tôi, vừa thừa vừa thiếu. 

Thừa bởi các loại sách Chính trị - Kinh tế hay Văn hóa đều có thể xếp vào mảng Khoa học Xã hội và Nhân văn; còn thiếu vì nên gom tất cả các tác phẩm của người nước ngoài đã chuyển sang Việt ngữ, được các NXB gửi dự thi vào một lĩnh vực/thể loại chung gọi là Sách dịch. Như vậy, tất cả các loại sách có thể chia thành 5 lĩnh vực/thể loại mang tính khát quát cao hơn: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Khoa học Xã hội và Nhân văn; Văn học nghệ thuật; Thiếu nhi; Sách dịch. Với lĩnh vực/thể loại Sách dịch, ngoài chất lượng tác phẩm, cần ưu tiên chất lượng bản dịch và có thể chấp nhận nhiều bản dịch cho một tác phẩm, nhất là sách Văn học nghệ thuật. 

Ở phương diện khác, từ năm 2020 trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu như tất cả các ngành nghề, cơ quan trong xã hội đều phải có những điều chỉnh, thay đổi nhất định để thích nghi với tình hình mới. Trong đó, rõ nhất là chuyển đổi số, tức ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data)… vào mọi hoạt động - cán bộ công chức, viên chức, người lao động có thể chuyển chế độ làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, họp qua zoom… 

Bên cạnh đó là những thay đổi về tư duy quản lý/kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được ghi nhận. Chính vì vậy, các NXB, ban tổ chức cần có sự quan tâm, ưu tiên nhất định đối với các tác phẩm công nghệ thông tin chuyển đổi số (digital transformation) phục vụ độc giả; các tác phẩm về thích ứng với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới…

Trên đây là một vài góp ý đối với Giải thưởng Sách quốc gia thường niên. Người viết không có mong muốn gì hơn là làm sao để Giải thưởng Sách quốc gia có sự nâng tầm về quy mô và chất lượng từng tác phẩm được giải. Khi có sự nâng tầm về quy mô và chất lượng từng tác phẩm được giải, giải thưởng mới ngày càng thêm uy tín và thương hiệu, đáp ứng được kỳ vọng của các NXB, các công ty truyền thông, những người làm sách, đọc sách và dư luận xã hội!./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Góp ý về Giải thưởng Sách quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO