Cuốn sách kể về câu chuyện và hành trình của một cô bé tuổi "teen" người Thụy Điển bắt đầu nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu khi mới 8 tuổi. Trong một tiết học, cô giáo cho cả lớp Greta xem một bộ phim về ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương. Trong phim, những chú gấu Bắc cực đang chết đói còn những động vật khác lâm vào cảnh khốn cùng.
Greta đã khóc trong suốt quá trình xem bộ phim, những hình ảnh hành tinh chìm trong rác thải nhựa đã ghim chặt vào đầu cô bé. Và cô bé đã bắt đầu suy nghĩ và hành động.
Cô bé đã thuyết phục cha mẹ mình điều chỉnh mạnh mẽ lối sống của họ để giảm lượng khí thải các-bon. Và cô nhận ra cần phải có hành động khi nghỉ học trong những ngày để đứng biểu tình trước cửa toà nhà quốc hội với tấm biển: Bãi khóa vì khí hậu. Từ hoạt động biểu tình chỉ có một mình mà sau một thời gian ngắn, cô bé đã đưa cuộc biểu tình của mình ở Thụy Điển đến căn phòng của những nhà lãnh đạo quốc tế tụ họp.
Cô bé đã đến Katowice ở Ba Lan để tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc vào tháng 12/2018 và đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vào tháng 1/2019. Tại đây, cô bé đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng: “Cháu không cần hy vọng, cháu cần mọi người hoảng sợ”.
Năm 2019, cô bé hoàn toàn không đi học để tiếp tục chiến dịch của mình, tham dự các hội nghị quan trọng, tham gia các cuộc biểu tình của học sinh trên toàn thế giới, và đi thuyền từ châu Âu đến New York để diễn thuyết tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu của Liên hợp quốc. Vì không muốn gây ô nhiễm môi trường, Greta không dùng máy bay mà luôn đi lại bằng tàu hỏa hoặc thuyền.
Cô bé đã nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới và là người truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên thế giới với thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường “Bạn có thể tạo nên sự khác biệt dù bạn nhỏ bé đến thế nào.”
Phong trào vì môi trường cũng bắt đầu cùng thời điểm này. Thụy Điển cũng đã thành lập cơ quan bảo vệ môi trường đầu tiên trên thế giới vào năm 1967 và tổ chức hội nghị quốc tế Liên Hợp quốc đầu tiên về môi trường vào năm 1972. Từ năm 2018, Đạo luật về Khí hậu của Thụy Điển chính thức có hiệu lực .
Đại sứ Thụy Điển Ann Măwe bày tỏ mong muốn, bạn đọc và đặc là các bạn trẻ, thông qua cảm hứng từ Greta khi đọc cuốn sách này, sẽ có những hành động góp phần tạo ra sự thay đổi cẩn thiết trong việc bảo vệ môi trường, chống lại sự biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên môi trường cho biết “Thanh thiếu niên không chỉ là nhân tố tích cực để triển khai các hoạt động ứng phó đối với biến đổi khí hậu của Việt Nam mà còn là những đối tượng trực tiếp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vài chục năm tới khi nó diễn ra, nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ ngay từ bây giờ".
TS Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Thái Hà Books cho biết: "Chúng tôi muốn xuất bản cuốn sách này với mong muốn để thế giới biết, không chỉ Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang làm những việc cụ thể, chung tay với thế giới bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu".
Theo công ty Thái Hà Books, sau khi phát hành, sách sẽ được gửi tặng đến Thư viện Quốc gia Việt Nam và một số thư viện tại các trường học cũng như bệnh viên Nhi Trung ương tại Hà Nội nhằm truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Việt Nam dấn thân trong các hoạt động môi trường và đối mặt với các thách thức từ khí hậu.