Nhận diện vai trò
Đánh giá về vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (Liên hiệp) cho biết: "Công tác đối ngoại Nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân tạo thành 3 trụ cột trong mặt trận đối ngoại chung của đất nước ta nói chung của Hà Nội nói riêng.
Hoạt động đối ngoại Nhân dân có tính linh hoạt cao, có nội dung và hình thức hết sức đa dạng, không bị giới hạn, ràng buộc bởi các quy ước của ngoại giao chính thức. Đối ngoại Nhân dân có khả năng đề cập tất cả các vấn đề "chính đáng" để thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân.
Trên nên tảng lý luận đó, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong công tác đối ngoại Nhân dân, qua đó đạt được những thành tích đáng kể. Để đánh giá công tác đối ngoại Nhân dân của Hà Nội, vừa qua, tổ chức hữu nghị TP Hà Nội đã khảo sát Đề án "Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030".
Khảo sát được thực hiện nhằm đánh giá về các yếu tố đảm bảo chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 8 công tác đối ngoại nhân dân bao gồm: Hoạt động của các tổ chức đa phương; hoạt động thông tin đối ngoại; hoạt động tham gia lễ tân ngoại giao; hoạt động xúc tiến, vận động viện trợ; hoạt động nhân đạo, từ thiện; hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, phong trào, tuyên truyền; giao lưu nhân dân, trao đổi đoàn với các nước và cuối cùng là hoạt động đào tạo bồi dưỡng. Qua quá trình khảo sát, chỉ số trung bình của Hà Nội đạt mức cao với 80,77 điểm.
Nhiều giải pháp
Với vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, nhiều chuyên gia khuyến nghị các giải pháp nhằm nâng cao đối ngoại Nhân dân trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết, đối ngoại Nhân dân cần phát huy thế mạnh đặc thù của mình, khẳng định được "vai trò trụ cột" thông qua những đóng góp cụ thể đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ tổ quốc và tạo được "vị thế" xứng đáng trên trường quốc tế; đóng góp vào việc nâng cao vị thế chung của đất nước và phải củng cố, xây dựng tổ chức để đáp ứng yêu cầu của nền ngoại giao "toàn diện" và "hiện đại"..
PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân trong bối cảnh mới, TP Hà Nội cần tập trung vào 5 nhiệm vụ định hướng, chiến lược và 3 giải pháp đột phá. Trong đó, Thành ủy cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hoạt động đối ngoại nhân dân bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh tăng cường thế chủ động để chủ động, tích cực, hội nhập để thu hút, phát huy các nguồn lực quốc tế.
Ngoài ra, cần đổi mới hình thức và nội dung các hoạt động đối ngoại Nhân dân trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế trong thời kỳ kiểm soát COVID-19 và tình hình mới của khu vực và thế giới; tăng cường ứng dụng CNTT và nền tảng số, trực tuyến trong các hoạt động đối ngoại; đa dạng hóa các hình thức, nội dung của các hoạt động đối ngoại….
Còn ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hà Nội nhận định, giai đoạn tới có ý nghĩa quan trọng, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng có những điểm mới, tập trung vào việc tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển; đổi mới sáng tạo, xác định hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển Thủ đô.
Theo đó, cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại nhân dân theo hướng cụ thể và triển khai có hiệu quả hơn nữa trong mọi lĩnh vực, gắn với lợi ích kinh tế-xã hội của TP; đồng thời đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân với các cơ quan, đơn vị T.Ư và TP.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đưa ra giải pháp, thời gian tới, Hà Nội cần phải làm tốt công tác tuyên truyền và đối ngoại với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về công tác đối ngoại nhân dân; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của T.Ư và TP về công tác đối ngoại nhân dân. Đồng thời, mở rộng phạm vi, quy mô và lực lượng tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân trong, ngoài TP và các địa phương khác…/.