Truyền thông

Hà Nội chuyển đổi số thành công thích ứng với xu thế phát triển

Trung Quân 14/11/2024 14:43

Để xây dựng một Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030: "Xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới". Hà Nội cũng đang quyết liệt triển khai các mục tiêu đăt ra và bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực mang lại những kết quả.

Sáng 14/11, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chủ trì Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) các bộ, ngành, địa phương năm 2024.

Quyết tâm mạnh mẽ của Hà Nội trong việc chuyển đổi số

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh: "Sự kiện này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của quý vị đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ trên môi trường mạng mà còn khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của chúng ta trong việc chuyển đổi số và cải cách hành chính một vấn đề trọng yếu của các địa phương hiện nay".

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Hà Nội là Thủ đô trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, là đô thị đặc biệt và đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Hà Nội có diện tích hơn 3.300km2 và là một trong 20 Thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới, với số dân hơn 8,5 triệu người. Quy mô kinh tế của thành phố năm 2023 khoảng 55 tỷ USD, chiếm khoảng gần 13% quy mô nền kinh tế cả nước. Thu ngân sách chiếm khoảng 23% cả nước, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 26%.

Kinh tế thành phố trong 10 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, GRDP 9 tháng của Thành phố tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%); Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 10 tháng đầu năm 2024 là trên 425.000 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán, tăng 21,8% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm Thành phố đã thu hút trên 1,6 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 233 dự án đăng ký mới.

Đồng chí Hà Minh Hải cũng chia sẻ trong quá trình phát triển, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dân số đông, mật độ dân cư không đều tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành 9.343người/km2, ngoại thành 1.394 người/km2. Vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đang nổi lên là điểm nghẽn cần được khơi thông để bứt phá phát triển.

Xây dựng thành phố thông minh bền vững

Để xây dựng thành phố xanh, bền vững, bao trùm thì bên cạnh việc phát triển hạ tầng đồng bộ hiện đại kết nối thông suốt, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cải cách hành chính, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực là giải pháp đột phá quan trọng mà thành phố Hà Nội đang thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030: "Xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới".

Nhận thấy Hà Nội đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tổ chức triển khai và bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực thể hiện ở một số kết quả. Nổi bật như về cơ chế chính sách, Thành phố đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), rà soát xây dựng quy hoạch, quy chế và hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng "không" áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến.

Thành phố đầu tư phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng quan trọng, các ứng dụng công nghệ số như: Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp, xây dựng phòng họp thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai đồng bộ toàn Thành phố.

Các ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, phát triển xã hội số được thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt, đặc biệt là ứng dụng "Công dân Thủ đô số" (iHanoi) là nơi người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực. Trong đó hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố - quản lý khám chữa bệnh đã được kết nối với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; 3,5 triệu sổ sức khỏe của người dân Thủ đô được sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID); Cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụngVNeID;

Việc ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng. Theo đó thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Chuyển đổi số giúp Hà Nội chuyển mình thành công

Công tác chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc (từ năm 2020 đến năm 2022). Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Hà Nội đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.

Cũng trong báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 cho thấy Hà Nội cũng là đơn vị đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử.

Dẫn chứng trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/9/2024 đã khẳng định: "Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ... Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", "là nguồn lực, động lực thúc đẩy sự chuyển mình của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số và khoa học công nghệ".

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho rằng, Hà Nội nhận thức và xác định điều này không chỉ mang tính cách mạng trong việc áp dụng công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng trong nhận thức, tư duy, văn hóa và cấu trúc xã hội.

Hà Nội đề ra phương châm hành động "1 mục tiêu - 3 nguyên tắc - 6 phấn đấu": 1 mục tiêu là phát triển Thủ đô Hà Nội: Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, xanh , thông minh; thanh bình, thịnh vượng, Thành phố kết nối toàn cầu; với các giá trị cốt lõi "Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc". Trong đó 3 Nguyên tắc: Thượng tôn pháp luật - Luôn luôn lắng nghe - Thái độ phục vụ; 6 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ - Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh - Hành động quyết liệt - Kết quả sản phẩm thực chất.

Quang cảnh Hội nghị

Thời gian tới Hà Nội quyết tâm phấn đấu xây dựng phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng: "Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chuyển đổi số thành công thích ứng với xu thế phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO