Báo chí

Hà Nội đóng vai trò then chốt trong định hình hạ tầng số tại Việt Nam

Trung Quân 18/08/2024 10:13

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nhanh nhất tại ASEAN. Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất cả nước đóng vai trò then chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, nhờ vào nền tảng hạ tầng phát triển vượt bậc và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trung tâm thu hút các nhà đầu tư

Trong bối cảnh cuộc cách mạng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ đám mây và lưu trữ dữ liệu ngày càng gia tăng đáng kể. Theo dự báo, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt mốc 1,03 tỷ USD vào năm 2028. Mặc dù là một trong những thị trường mới nổi trong khu vực Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình như một điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động trung tâm dữ liệu.

Khẳng định về vấn đề này tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit “Phát triển tương lai số bền vững” tổ chức tại Hà Nội, Giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc cho biết: Tổng dung lượng thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ đạt khoảng 321 tỷ USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7,3%. Trong đó, châu Á- Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực năng động, có tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác.

Quy mô của APAC đạt giá trị khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép đạt 18,9% tới năm 2028. Đây là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Sự phát triển này diễn ra đồng đều ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã chứng kiến sự dịch chuyển từ thị trường sơ cấp (các nước phát triển) sang các thị trường thứ cấp (các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam). Dự báo trong những năm tới, thị trường Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan sẽ có sự bùng nổ về trung tâm dữ liệu.

trung-tam-du-lieu.jpg
Hà Nội không chỉ trở thành trung tâm dữ liệu của Việt Nam mà còn của toàn Đông Nam Á.

Nhằm khẳng định vị thế Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động trung tâm dữ liệu. Trong đó Hà Nội, thủ đô và là một trong hai thành phố lớn nhất cả nước, đóng vai trò then chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, nhờ vào nền tảng hạ tầng phát triển vượt bậc và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với tiềm năng to lớn đó các chuyên gia trong ngành tin rằng Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu đến xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu. Dự đoán Hà Nội sẽ phát triển thành một trong những “công viên công nghệ” trung tâm dữ liệu, không chỉ của Việt Nam còn của toàn Đông Nam Á.

Điểm đến của thị trường công nghệ toàn cầu

Hiện nay cùng sự phát triển bùng nổ của hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT. Điện toán đám mây (Cloud) và trung tâm dữ liệu (Data Center-DC) cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình hạ tầng số. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nhanh nhất tại ASEAN.

Tại sự kiện Hanoi Cloud and Datacenter Convention diễn ra ngày 15/8 tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc kinh doanh quốc tế Viettel IDC cho rằng: Thị trường trung tâm dữ liệu thế giới hiện có sự chuyển dịch từ các nước sơ cấp như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc sang các nước thứ cấp như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, đứng dưới góc độ doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu, ông cho biết các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận, đánh giá một thị trường, cụ thể là Hà Nội, dựa trên nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Hà Nội có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt và thiên tai. Đây là một điểm rất thuận lợi mà các nhà đầu tư sẽ ưu tiên xem xét khi xây dựng bất kỳ trung tâm dữ liệu nào.

Thứ hai, xét về vị thế, Hà Nội với vai trò là thủ đô của Việt Nam hiện là trung tâm kinh tế, chính trị , văn hóa, xã hội của cả nước.

Thứ ba, Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 10.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và 170.000 nhân sự trong ngành được đào tạo rất bài bản. “Đây chắc chắn là một điểm thu hút với bất kỳ doanh nghiệp nào”, ông Nguyễn Việt Anh nói.

Thứ tư, tỷ lệ tăng trưởng của điện toán đám mây tại Hà Nội trong 3 năm qua luôn trên 30 %, đóng góp đến 36% vào GDP kinh tế số ở Hà Nội. Điều này cho thấy tiềm năng lưu trữ dữ liệu của thị trường là rất lớn.

Thứ năm, xét ở góc độ chi phí xây dựng. Chi phí của Hà Nội khá cạnh tranh khi so sánh với các thành phố lớn khác của Việt Nam hay các nước khác trong khu vực. Giá đất để xây trung tâm dữ liệu của Hà Nội rơi vào khoảng 120 USD/m2, bằng một nửa so với TP.HCM, bằng khoảng 1/10 chi phí trung bình các nước xung quanh trong khu vực, cá biệt Singapore có giá đất xây dựng trung tâm dữ liệu lên đến 11.500 USD/m2.

Thứ sáu, mức lương cho đội ngũ kỹ sư vận hành và quản lý hệ thống của các trung tâm dữ liệu nếu đặt tại Hà Nội về cơ bản sẽ rẻ hơn rất nhiều so với khu vực, chỉ bằng 40-50% so với các nước khối ASEAN.

Ngoài ra, kết hợp với dân số hơn 10 triệu người và diện tích rộng lớn cùng năng lực đóng góp GDP khoảng 13%/năm, ông Nguyễn Việt Anh khẳng định: “Hà Nội sớm muộn sẽ trở thành trung tâm dữ liệu mới của ASEAN”. Bên cạnh đó, giá điện của Hà Nội đang là khoảng là 0,1 USD, tương đương với các nước xung quanh trong khu vực song vẫn có phần rẻ hơn.

Khắc phục trở ngại để thành điểm đến thu hút

Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nhưng theo bà Quỳnh Phạm, Trưởng ban Trung tâm Dữ liệu và Điện toán Đám mây của Hội Truyền thông số Việt Nam, cũng chỉ ra những thách thức có thể khiến Hà Nội gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng các trung tâm dữ liệu.

Yếu tố quan trọng điều kiện tự nhiên, khí hậu của Hà Nội là khí hậu nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình rất cao, dẫn đến các trung tâm dữ liệu cần chú trọng, triển khai cũng như vận hành những hệ thống làm mát, giải nhiệt. Điều này dẫn đến gia tăng chi phí trong quá trình thiết kế cũng như triển khai vận hành các trung tâm.

Tiếp đến, về mặt hạ tầng viễn thông, cáp quang trên bờ của Việt Nam đang tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, cụ thể là Đà Nẵng, Quy Nhơn và ở khu vực phía Nam nhiều hơn. Trong khi đó, số lượng cáp khu vực miền Bắc lại hạn chế.

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2023, chi phí sinh hoạt trên diện tích của Hà Nội đang là cao nhất Việt Nam. Từ đó kéo theo việc các công ty sẽ phải gia tăng chi phí phúc lợi cho nhân viên. Điều này cũng có thể khiến các doanh nghiệp cân nhắc.

Bên cạnh những khó khăn bà Quỳnh cũng khẳng định nếu nhìn nhận khách quan, Hà Nội hoàn toàn có thể khắc phục những trở ngại này trong thời gian tới để thực sự trở thành điểm đến thu hút đầu tư nhằm sớm trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu của Việt Nam và khu vực./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đóng vai trò then chốt trong định hình hạ tầng số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO