Hà Nội gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
UBND TP Hà Nội yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị lấy hiệu quả của công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo (KNTC), tiếp công dân làm tiêu chí đánh giá năng lực công tác. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân. Chủ động đối thoại, vận động thuyết phục, giải quyết khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch, giải quyết KNTC theo thẩm quyền thuộc phạm vi, đơn vị, cấp mình quản lý, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian và chất lượng.
Đặc biệt, thủ trưởng các đơn vị lấy hiệu quả của công tác giải quyết các vụ việc KNTC, tiếp công dân làm tiêu chí đánh giá năng lực công tác. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân. Chủ động đối thoại, vận động thuyết phục, giải quyết khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC tại địa phương mình. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tham gia tiếp dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, đảm bảo các quyết định đưa ra phải đúng quy định pháp luật, hợp lý và hợp tình, tạo niềm tin trong nhân dân.
Bên cạnh đó, các sở, ban ngành và đơn vị trên địa bàn thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu rõ, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông của thành phố trong việc thôn tin kịp thời, chính xác các vụ việc KNTC của người dân trên địa bàn, góp phần định hướng dư luận, không để các tổ chức, cá nhân chống đối lợi dụng xuyên tạc, gây phức tạp tình hình trên địa bàn.
Đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có thu hồi đất ở, bố trí tái định cư cho các hộ dân, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát chế độ, chính sách (đặc biệt chính sách về giá đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất), khi phát hiện khó khăn, bất cập cần phản ánh, đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Không để tình trạng các hộ dân khiếu kiện, tập trung đông người mới xem xét, đề xuất. Khi nhận được đề xuất của Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, yêu cầu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ban, ngành thành phố liên quan khẩn trương xem xét, tham mưu, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết KNTC
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 47 vụ việc KNTC theo Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi. Trong đó, có 09 vụ việc khiếu nại đông người phức tạp kéo dài đang tập trung giải quyết, 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo các đơn vị đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố chuyển về Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị ủy tiếp tục theo dõi và 26 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, đông người, phức tạp diện Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi, đôn đốc giải quyết.
Những vụ việc này chủ yếu tập trung tại các địa bàn các quận, huyện: Mê Linh, Thanh Trì, Thanh Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Nam Từ Liêm, Ba Vì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Hoàng Mai, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và thị xã Sơn Tây. UBND TP. Hà Nội yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố (theo phân công của Thành ủy, UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy), Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nêu trên tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, tập trung giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, tham mưu, đề xuất UBND thành phố các nội dung vượt thẩm quyền, không làm phức tạp tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/9/2024 (đồng gửi Thanh tra Thành phố để tổng hợp).
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND thành phố (Ban Tiếp công dân thành phố), Thanh tra thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ thành phố đến các cấp quận, huyện, thị xã. Đảm bảo việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và chỉ đạo giải quyết KNTC được đồng bộ, kịp thời và chính xác.
Về phía Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Thành ủy về công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Thường xuyên tổ chức Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời khiếu kiện đông người.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC.