Hà Nội mở rộng thị trường khoa học và công nghệ

Đỗ Thêu| 24/10/2022 10:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN của TP. Hà Nội đến năm 2030 (Quyết định số 154/QĐ-UBND). Theo đó, chương trình kỳ vọng mở ra thị trường rộng lớn thu hút sự tham gia đông đảo các DN trong nước và quốc tế.

Tập trung 6 giải pháp

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám Đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Chương trình phát triển thị trường KH&CN của TP. Hà Nội đến năm 2030 tập trung vào 6 giải pháp quan trọng. Đó là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN Thủ đô; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, KH&CN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN.

Với định hướng phát triển thị trường KH&CN theo hướng hội nhập, TP. Hà Nội xây dựng Chương trình phát triển thị trường KH&CN gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) về KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) kết nối toàn quốc và quốc tế; Hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ…

Song song, Hà Nội xây dựng Sàn giao dịch công nghệ thành phố tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của khu vực và thế giới; Tổ chức điều tra thống kê về nguồn lực công nghệ, ĐMST trong DN; xây dựng bản đồ, lộ trình đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp theo, thành phố mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN và ĐMST; chú trọng xúc tiến, trao đổi, kết nối với các đối tác quốc tế đến từ các quốc gia phát triển có nền KH&CN tiên tiến, hiện đại; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài; Tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế về KH&CN và ĐMST.

Riêng trong giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ hình thành và phát triển từ 3 - 5 tổ chức trung gian trên địa bàn và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian KH&CN quốc gia; Hình thành được CSDL về trình độ công nghệ sản xuất của 3 ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Tổ chức ít nhất từ 3 - 4 sự kiện kết nối cung cầu phát triển thị trường KH&CN quy mô thành phố và cấp vùng.

Từ chính sách tới thực tiễn

Để hiện thực chủ trương trên, Sở KH&CN Hà Nội đã bố trí nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn tốt, am hiểu thị trường KH&CN. Cùng với đó, bố trí đội ngũ nhân sự chuyên trách từ quản lý đến tổ chức thực hiện, triển khai. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quản lý và phát triển thị trường KH&CN trên nhiều lĩnh vực công nghệ.

Mặt khác, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý công nghệ, phát triển thị trường và DN KH&CN. Hàng năm, Sở xây dựng có kế hoạch, phối hợp triển khai hiệu quả các sự kiện kết nối cung - cầu, như Techmart, Techdemo, Techfest... Hoạt động ươm tạo công nghệ từ các đề tài nghiên cứu các cấp cũng được triển khai với nhiều kết quả, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa và xuất khẩu; Liên kết vùng, miền được tạo ra, thông tin được kết nối thông suốt.

Với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, thời điểm này, thị trường KH&CN của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các DN đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Hà Nội phát triển. Đặc biệt, Thành phố đã chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các DN KH&CN.

PGS. TS Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, trong những năm qua, thị trường KH&CN Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã gia tăng cả về quy mô lẫn tốc độ phát triển. Loại hình hàng hóa trên thị trường KH&CN ngày càng đa dạng và phong phú. Các hình thức giao dịch trên thị trường KH&CN theo đó cũng đa dạng hơn, gồm có các hình thức như: Giao dịch mua, bản quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, giao dịch chuyển giao công nghệ là các thiết bị, máy móc, công nghệ thuần tuý giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Tuy vậy, theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, với tiềm năng và lợi thế hiện có, thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn Hà Nội chưa phát triển tương xứng. Thị trường KH&CN Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao; nguồn cung còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ.

Để giải quyết các vấn đề trên PGS.TS Phạm Thị Huyền khuyến nghị, Hà Nội cần phải phát huy vai trò dẫn dắt thị trường. Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển thị trường KH&CN, Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện 4 mắt xích. Đó là: Người bán - bên cung; người mua - bên cầu; tổ chức trung gian; mắt xích cuối cùng là thể chế - yếu tố pháp lý./.

Bài liên quan
  • Hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN: Cơ hội và kỳ vọng
    Cùng với một số Bộ ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với mục tiêu chính của sự hợp nhất này là giảm bớt một số chức năng và nhiệm vụ chung, tiết kiệm, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), phát triển khoa học công nghệ và quản lý báo chí số tốt hơn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội mở rộng thị trường khoa học và công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO