Diễn đàn

Bộ trưởng Bộ KH&CN "bật mí" cách thu hút nhân tài toàn cầu về Việt Nam

Ánh Dương 16/07/2025 09:23

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, yếu tố đầu tiên để hút nhân tài về Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung là phải có "việc lớn". “Viettel muốn thu hút nhân tài thì phải có việc lớn, lớn đến mức mà bản thân Viettel cũng không làm được, Việt Nam cũng không thể tự làm. Khi đó, bài toán toàn cầu sẽ xuất hiện và xuất hiện nhân tài toàn cầu”.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới, lấy đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) làm nền tảng. Một trong những trọng tâm là tạo đột phá trong việc phát triển và làm chủ các công nghệ chiến lược, nhằm nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu, Viettel đã chủ động tham gia phát triển 9 trên tổng số 11 nhóm công nghệ chiến lược quy định tại Quyết định số 1311/QĐ-TTg.

Chia sẻ về những mục tiêu và quyết tâm của Viettel trong việc nghiên cứu, làm chủ các công nghệ chiến lược tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày 14/7, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất 3 giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình ĐMST quốc gia.

Ông Tào Đức Thắng cho biết, Viettel đang tập trung nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực trọng tâm như trí tuệ nhân tạo (AI), bản sao số (digital twin), thực tế ảo, thực tế tăng cường (VR/AR), điện toán đám mây, lượng tử, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain), công nghệ mạng di động 5G/6G, công nghệ robot và tự động hóa, an ninh mạng, công nghệ bán dẫn, robot tự hành, hàng không vũ trụ, năng lượng vật liệu tiên tiến...

“9/11 công nghệ chiến lược, có những lĩnh vực mà Viettel mới bắt đầu nghiên cứu, nhưng vẫn mạnh dạn, dù biết đường đi có thể dài hơn. Ban đầu có thể chưa được như mong đợi nhưng nếu không làm, không đi thì chắc chắn là không thành công”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.

Đặc biệt, với vai trò nhà mạng viễn thông lớn có thị trường hàng trăm triệu dân tại nhiều quốc gia, Viettel xác định đột phá vào các lĩnh vực về thiết bị viễn thông 5G, 6G là một trong những vai trò quan trọng; làm chủ công nghệ 5G, 6G là yếu tố chiến lược để đảm bảo tiến độ triển khai hạ tầng, tự chủ thiết kế, sản xuất, dịch vụ và từ đó lan tỏa sang các lĩnh vực khác.

6ea85c855969ef37b678.jpg
Thiếu tướng Tào Đức Thắng: Doanh nghiệp triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng.

Để đẩy nhanh tiến trình phát triển KHCN, ĐMST, Chủ tịch Tập đoàn Viettel đã đề xuất 3 giải pháp trọng tâm.

Đề cập đến chủ trương thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, ông Tào Đức Thắng cho rằng đây là một chương trình có ý nghĩa rất lớn, tạo nguồn lực để phát triển KHCN một cách đột phá, bền vững, là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho rằng cần có thêm những cơ chế, đồng bộ chính sách, hiệu quả. Do đó, Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế; được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp (DN) hình thành từ kết quả nghiên cứu,…

“Viettel được tạp chí uy tín quốc tế đánh giá là một trong những DN có môi trường làm việc tốt nhất châu Á. Đây là lợi thế để Viettel thu hút các nhân tài về làm việc. Trong thời gian tới, Viettel sẽ đóng góp cụ thể bằng việc thu hút thêm 50 nhân tài về làm việc tại tập đoàn”, ông Tào Đức Thắng chia sẻ.

Về việc đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, Viettel đề xuất Nhà nước áp dụng cơ chế: Nhà nước đầu tư, DN vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế Viettel đang đề xuất trong Đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn để báo cáo Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.

Về cơ chế kết hợp 3 nhà (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp), ông Tào Đức Thắng cho rằng DN triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng. Trong 5 năm qua, Viettel đã thực hiện chương trình Viettel Digital Talent, mỗi năm tuyển chọn khoảng 500 sinh viên đến thực tập tại Viettel, trong đó nhiều sinh viên đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.

“Để gắn kết chặt chẽ giữa DN và nhà trường, đồng thời mở rộng kiến thức và tăng tính thực tiễn cho sinh viên, Viettel mong muốn có cơ chế công nhận quá trình sinh viên thực tập tại DN như một tín chỉ trong chương trình đào tạo”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel đề xuất.

Thu hút nhân tài toàn cầu từ những bài toán lớn

Trước ba kiến nghị của Viettel, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang triển khai nhiều đề án thu hút nhân tài.

Theo Bộ trưởng, yếu tố đầu tiên để hút nhân tài là phải có "việc lớn". Đây là "thỏi nam châm" mang tính quyết định. Nếu chúng ta có việc lớn, thậm chí là bài toán mang tính toàn cầu, chúng ta có thể thu hút được nhân tài của cả thế giới về đây để giải quyết bài toán của Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển và thông qua đó, họ cũng có thể thành danh và giàu có.

bo-truong-14072025.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp các đề xuất của Viettel.

Theo Bộ trưởng, chúng ta có bài toán, có ngân sách, nhưng thực sự chưa đủ nguồn lực để nghiên cứu những bài toán lớn. Về thu hút tinh hoa nhân loại, không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới cũng gặp bài toán là những nhà nghiên cứu đứng khá xa DN. Cho nên các nguồn lực về nghiên cứu ở các quốc gia đã phát triển cũng chưa được dùng hết.

“Viettel muốn thu hút nhân tài thì phải có việc lớn, lớn đến mức mà bản thân Viettel cũng không làm được, Việt Nam cũng không thể tự làm. Khi đó, bài toán toàn cầu sẽ xuất hiện và xuất hiện nhân tài toàn cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Yếu tố thứ hai, phải có điều kiện làm việc tốt, tức là phòng lab hiện đại. Bộ KH&CN ý thức rất mạnh mẽ điều này. Vì vậy, trong phân bổ ngân sách, hiện nay mỗi năm sẽ dành cố định ít nhất 20% tổng ngân sách KHCN, ĐMST cho việc xây dựng phòng thí nghiệm, tức là ít nhất 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Những phòng thí nghiệm này phải là đẳng cấp quốc tế. Muốn thu hút những nhà khoa học thế giới thì phòng thí nghiệm phải đạt tầm cỡ đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Thứ ba, là vấn đề thu nhập. Thay vì cấp nhà khi chưa có kết quả, chúng ta cần hướng đến việc thu nhập dựa trên kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, và người nghiên cứu được hưởng một phần thành quả đó. Tiền phải từ kết quả thực sự tạo ra.

Luật KHCN và ĐMST vừa được Quốc hội thông qua đã quy định: Ngân sách Nhà nước (NSNN) chi cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu thuộc tổ chức KHCN, không phải nộp lại cho Nhà nước. Khi thương mại hóa, tổ chức được giữ toàn bộ lợi nhuận nhưng bắt buộc phải chia ít nhất 30% cho người trực tiếp nghiên cứu. 70% còn lại, viện, trường hoặc DN được giữ.

Với nghiên cứu do DN tự đầu tư, việc chia sẻ lợi nhuận theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận, khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu, DN vẫn phải chi từ 10 - 15% cho nhóm nghiên cứu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, cả nguồn NSNN và nguồn từ DN tự bỏ tiền ra nghiên cứu đều có cơ chế để người trực tiếp làm nghiên cứu có thu nhập.

Về phòng lab quốc gia, Bộ trưởng cho biết, trong tuần này sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để định hướng xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Ngân sách đủ lớn để xây dựng những phòng thí nghiệm trọng điểm, làm những việc lớn, tập trung vào các công nghệ chiến lược.

Sau khi Nhà nước đầu tư, việc vận hành sẽ giao cho viện, trường và DN, vì Nhà nước không đủ nguồn lực và không phải là các tổ chức nghiên cứu. Nhà nước không chỉ chi tiền đầu tư mà còn chi thêm một khoản thường xuyên để vận hành phòng thí nghiệm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, nhiều phòng thí nghiệm chỉ có tiền đầu tư mà thiếu tiền vận hành, dẫn đến hư hỏng. Bây giờ, chúng ta có thêm tiền vận hành và sau đó khuyến khích các phòng thí nghiệm cung cấp dịch vụ để tự bù đắp chi phí, tức là vận hành theo hướng dịch vụ thị trường.

Nhà nước cũng có một cơ chế khác: Nếu một DN đầu tư một phòng thí nghiệm lớn nhưng không dùng hết công suất, Nhà nước có thể mua lại một phần để biến nó thành phòng thí nghiệm quốc gia. Điều này rất hay vì DN đầu tư không dùng hết sẽ có người mua lại (thậm chí 70%), sau đó Nhà nước sẽ dùng tài sản đó cho các DN, các viện, trường khác đến nghiên cứu. Đây là một cơ chế rất hay.

Bộ trưởng cho biết, nhiều DN băn khoăn về việc đáng lẽ Nhà nước phải đầu tư vào phòng thí nghiệm, hạ tầng nghiên cứu, nhưng lại để DN tự đầu tư. Về cơ bản, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu quốc gia sẽ được Nhà nước đầu tư. Các DN cũng có thể tự đầu tư theo nhu cầu của mình. Hạ tầng nghiên cứu, đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm, là một nội dung rất quan trọng và đang được quan tâm.

Hiện nay, 20% tổng ngân sách KHCN, ĐMST được dành cho việc này. Nhưng trong giai đoạn đầu, có thể nâng lên 30%, tương đương 15.000 tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị các DN nếu đầu tư những phòng thí nghiệm lớn mà chưa dùng hết công suất và thuộc danh mục trọng điểm, danh mục chiến lược quốc gia đề xuất, Nhà nước có thể mua lại để phục vụ nghiên cứu.

Cuối cùng, liên quan đến việc sinh viên và nghiên cứu sinh đi thực tập tại DN, Bộ trưởng cho biết, trong tháng 7, Bộ sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về chủ đề này, để đưa sinh viên về các DN, đồng thời xem xét việc cấp chứng chỉ và tín chỉ.

Việc này rất cần thiết và quan trọng để các em học sinh, sinh viên khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động. "Điều này tốt cho đất nước, cho tất cả các bên, cho cả sinh viên, DN, và xã hội".

Văn phòng Bộ KH&CN sẽ làm việc với Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo để lên lịch buổi làm việc giữa hai Bộ trưởng. Tôi cũng rất mong muốn các DN trong ngành chủ động đón các sinh viên và nghiên cứu sinh về làm việc, thực tập tại DN”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ./.

Bài liên quan
  • Thu hút nhân tài công nghệ cao phục vụ Nhà nước
    Nhà nước có cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao trong các nhóm ngành công nghệ thông tin, an ninh mạng, khoa học dữ liệu và AI về làm việc cho cơ quan Nhà nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ KH&CN "bật mí" cách thu hút nhân tài toàn cầu về Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO