Hà Nội nhân rộng các mô hình an toàn PCCC
Việc thực hiện các mô hình PCCC như “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã được các xã phường, quận huyện của Hà Nội thực hiện nghiêm túc và được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Phát huy vai trò của các mô hình chữa cháy
Phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) tới nay đã hoàn tất 100% hai mô hình này và được ghi nhận là một trong những phường đầu tiên cán đích mục tiêu này tại quận Hoàng Mai.
Về hiệu quả của mô hình này, đại diện phường Thịnh Liệt cho biết, ngay từ khi mới đi vào hoạt động nhưng “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã phần nào cho thấy hiệu quả.
Ở Thịnh Liệt từng xảy ra vụ cháy tại một ngôi nhà vắng chủ trên địa bàn, các đội viên đã chủ động, khẩn trương sử dụng các phương tiện chữa cháy kịp thời trước khi lực lượng cứu hỏa tới chi viện, qua đó, giảm tối đa thiệt hại của vụ cháy.
Qua triển khai thực hiện, trong năm 2023 tại quận Hai Bà Trưng đã thành lập 442 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 636 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.
Tại phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), UBND phường cũng thường xuyên kiểm tra, bổ sung lực lượng, phương tiện bảo đảm hoạt động của các “Điểm chữa cháy công cộng” tại ngõ sâu xe chữa cháy không tiếp cận được, góp phần thực hiện hiệu quả việc xử lý cháy ngay từ ban đầu.
Phường Hàng Trống đã triển khai xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động 3 mô hình về PCCC và CNCH gồm: “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ”; “Tổ liên gia an toàn PCCC” (thành lập 33 tổ), “Điểm chữa cháy công cộng” (có 62 điểm). Đã có 1.060 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay các loại; vận động được 100% hộ gia đình tạo lối thoát nạn, cửa dự phòng tại ban công, lồng sắt, chuồng cọp và hướng dẫn lập phương án chữa cháy và thoát nạn tại hộ gia đình.
Đối với phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), năm 2023 đã đặt ra mục tiêu 100% hộ gia đình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 100% ngõ, hẻm tập trung đông dân cư, có chiều dài 50m trở lên, mà xe chữa cháy không tiếp cận được, phải bố trí “Điểm chữa cháy công cộng”; vận động mỗi hộ gia đình trên địa bàn phường trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. Sau khi ra mắt, mô hình đi vào hoạt động và được duy trì thường xuyên, định kỳ 6 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình.
Ông Nguyễn Đình Hùng Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Yên Phụ, cho biết: “Các điểm chữa cháy công cộng được bố trí tại những nơi xe chữa cháy không vào được, đảm bảo tính mạng, của cải cho người dân, kịp thời dập tắt những đám cháy có thể xảy ra. Đây là điều cực kì thiết thực với cuộc sống của mọi người nơi đây. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong sẽ có thêm nhiều điểm được lắp đặt hơn nữa và chắc chắn tất cả đều đồng tình, ủng hộ vì đó là quyền, lợi ích của chính người dân”.
Theo ông Trần Văn Bình, người dân tổ dân phố số 13 phường Yên Phụ thì mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC hiệu quả thiết thực, không những chỉ đảm bảo công tác PCCC mà 5 gia đình còn thống nhất với nhau rằng, nhà nào có chuông, nếu có trộm cướp hay nhiều vấn đề khác thì đều có thể xử lý được, chẳng hạn như đêm hôm có chuông, 5 hộ đều biết, cùng giúp nhau, cứu người, cứu tài sản.
Hà Nội triển khai 6 mô hình PCCC trong năm 2023
Với đặc thù đa dạng các khu vực sinh sống của người dân Thủ đô, trong năm 2023, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ nhiều mô hình PCCC, phù hợp với đặc điểm của từng khu dân cư. Trong đó có thể kể đến 6 mô hình sau:
Tổ liên gia an toàn PCCC:
Kể từ tháng 5/2023, UBND TP đã có nhiều biện pháp, kế hoạch cho ra mắt, tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Để hưởng ứng, nhiều quận, huyện đã cho ra mắt mô hình này.
Đây là một trong những mô hình vô cùng thiết thực, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân nên được người dân ủng hộ. Kể từ khi ra mắt cho tới nay, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã cho thấy những hiệu quả lớn trong công tác PCCC tại các khu dân cư, đặc biệt là những “điểm nóng” thường xuyên xảy ra cháy nổ hoặc nguy cơ cháy nổ cao.
Với sự quyết tâm cao, tổ liên gia đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện các buổi hướng dẫn, nâng cao nhận thức PCCC cho người dân, qua đó thuyết phục các hộ dân ký cam kết thực hiện mô hình.
Đặc biệt, các buổi tập huấn, thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã thu hút nhiều tầng lớp người dân tham gia, ủng hộ.
Qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức về công tác PCCC&CNCH, phát huy hiệu quả công tác PCCC tại địa phương.
Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” chính là một trong những giải pháp củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, đảm bảo phương châm lấy phòng ngừa là chính.
Mô hình này được triển khai với người dân thường sinh sống, làm việc tại nhà, các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh và các khu dân cư với quy chế hoạt động rõ ràng như phân công nhiệm vụ tổ trưởng, tổ viên, chủ hộ…
Cùng với đó, mỗi hộ gia đình cũng cần phải có ít nhất một người được tham gia vào các lớp tuyên truyền, phố biến kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về PCCC&CNCH.
Mô hình này cũng vận động các hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy và một dụng cụ phá dỡ, cùng với đó là các dụng cụ hỗ trợ thoát nạn như đèn pin, mặt nạ phòng độc…
Các hộ gia đình cũng cần trang bị hệ thống báo cháy bằng âm thanh hoặc ánh sáng.
Điểm chữa cháy công cộng:
Kể từ đầu năm 2023, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng".
Với đặc trưng của một đô thị lớn đông dân cư, nhiều ngõ nhỏ sâu hẹp, nhà cửa san sát, việc triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” là điểm sáng trong công tác PCCC.
Trên thực tế, Hà Nội có rất nhiều các khu vực ngõ hẹp, sâu, nơi các phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận được, khiến công tác triển khai chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Do đó, mô hình điểm chữa cháy công cộng được phát triển để phù hợp với những ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 50m để đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC.
Do đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, đảm bảo thực hiện 100% các ngõ nhỏ, hẹp có chiều sâu từ 50m trở lên phải được bố trí “Điểm chữa cháy công cộng". Đây được xem là một trong những khu vực “nhạy cảm” đối với công tác PCCC khi xe chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường, khiến việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ bị hạn chế.
Các phương tiện PCCC được bố trí tại mỗi điểm gồm hai bình bột chữa cháy, nội quy quản lý và sử dụng phương tiện PCCC&CNCH, cùng với đó là các thiết bị hỗ trợ phá dỡ như kìm cộng lực và xà beng.
Bên cạnh đó, các điểm chữa cháy công cộng này phải được lắp đặt ở những nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận lợi cho việc sử dụng để khi có sự cố xảy ra, người dân có thể nhanh chóng triển khai.
Dựa vào điều kiện thực tế của khu vực mà điểm chữa cháy có thể được trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ chữa cháy khác như lăng, đầu nối, vòi… Với những khu vực có ao hồ, bể nước thì có thể được trang bị thêm cả máy bơm chữa cháy.
Mô hình khu chung cư, tập thể an toàn PCCC:
Đây là một mô hình thiết thực, được triển khai ở những hộ gia đình đang sinh sống và làm việc tại các tòa nhà chung cư, nhà tập thể hoặc nhà ở có nhiều hộ trên địa bàn. Mô hình này sẽ xây dựng đội PCCC cơ sở với các phương tiện, dụng cụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định.
Mô hình cụm liên kết làng nghề an toàn PCCC:
Đây là mô hình được triển khai áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong các khu dân cư hoặc các khu vực được công nhận là làng nghề.
Khu vực được áp dụng mô hình này có tính chất nhiều ngõ nhỏ, xe chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận được hiện trường khi xảy ra sự cố cháy nổ. Cơ cấu của mô hình sẽ bao gồm từ 5-10 cơ sở sản xuất, hộ gia đình liền kề nhau trong làng nghề.
Mô hình cụm liên kết an toàn PCCC trong khu, cụm công nghiệp:
Mô hình này sẽ bao gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Mỗi một cụm liên kết sẽ có sự tham gia của 5-10 cơ sở cùng nằm trên tuyến đường nội bộ của khu, cụm công nghiệp.
Mô hình cụm liên kết an toàn PCCC rừng:
Mô hình này được triển khai tại các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, các địa phương này cần phải trang bị các phương thiết, thiết bị PCCC phù hợp với đặc điểm của từng khu vực rừng để có thể đảm bảo hiệu quả chữa cháy.
Để nâng cao hiệu quả PCCC tại các địa phương, hiện nay 100% các thôn, tổ dân phố của TP Hà Nội đã thành lập đội dân phòng. Tuy nhiên, nhiều đội dân phòng khi thành lập chưa được bố trí địa điểm và các điều kiện khác (sân bãi tập luyện, kho để phương tiện,…); chủ yếu hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, độ tuổi, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc; chế độ bồi dưỡng thường xuyên còn hạn chế; chưa thu hút được các cá nhân tình nguyện đăng ký tham gia.
UBND TP Hà Nội đề xuất 100% thôn, xóm, tổ dân phố phải được bảo đảm về quân số, biên chế, được bố trí địa điểm và các điều kiện để làm việc. 100% thành viên các đội dân phòng phải được huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định và hằng năm được tập huấn, bồi dưỡng định kỳ. Đội trưởng, đội phó đội dân phòng được chi trả mức hỗ trợ thường xuyên định kỳ hằng tháng./.