Chính phủ số

Hà Nội tái cấu trúc TTHC theo nguyên tắc "Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần"

Anh Minh 09:02 12/10/2024

Một phần mục đích của Kế hoạch tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính của TP. Hà Nội là nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa và thúc đẩy kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Những vấn đề còn tồn tại trong triển khai DVCTT

Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại TP. Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, gắn kết với quá trình chuyển đổi số (CĐS), lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ.

Hiện tại, Thành phố đã triển khai DVCTT cho 1.191 trong tổng số 1.885 TTHC trên địa bàn. Trong số đó, có 318 DVCTT toàn trình và 872 DVCTT một phần. Đặc biệt, 165 DVCTT toàn trình và 727 DVCTT một phần đã được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia.

21_10_8.jpg
Việc thực hiện TTHC và cung cấp DVCTT tại TP. Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn những hạn chế. (Ảnh: Internet)

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, việc triển khai DVCTT vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều DVCTT có số lượng đối tượng thực hiện và tần suất lớn, nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh vẫn thấp. Cán bộ, công chức thường phải hỗ trợ hoặc thậm chí làm thay người dân, làm giảm hiệu quả tự động hóa của hệ thống.

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và việc khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trên địa bàn Thành phố còn hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ thanh toán trực tuyến chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra, gây khó khăn trong việc thúc đẩy CĐS toàn diện.

Việc phê duyệt phương án tái cấu trúc TTHC cũng chưa đạt kết quả cao. Hiện mới chỉ có 627/1.185 TTHC, chiếm 53%, được Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt phương án tái cấu trúc để cung cấp DVCTT. Còn 539 TTHC vẫn chưa được tái cấu trúc quy trình.

Đối với những TTHC đã được phê duyệt, quy trình vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Các quy trình chưa được cắt giảm, đơn giản hóa để giảm thiểu các khâu thực hiện, chưa kế thừa dữ liệu và kết quả từ các TTHC trước đó, và chưa có sơ đồ tổng thể để đánh giá hiệu quả của việc tái cấu trúc.

Ngoài ra, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống của các Bộ, ngành chưa được đồng bộ. Điều này dẫn đến tình trạng chênh lệch số liệu khi đồng bộ hồ sơ giải quyết TTHC của Thành phố với Cổng DVC quốc gia.

Chất lượng DVC chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và tổ chức. Quá trình khai báo, thực hiện TTHC, điền các mẫu đơn, tờ khai còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cũng chưa tối ưu cho cán bộ, công chức trong việc xử lý và thao tác nghiệp vụ. Việc liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu vẫn còn rất thấp, chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi.

Sự kết nối, chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa các hệ thống chưa đầy đủ và đồng bộ

Điều này cho thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa và tái cấu trúc TTHC trên môi trường điện tử chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp DVCTT, dẫn đến thiếu trách nhiệm và sự quyết liệt trong chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai. Việc phối hợp giữa các cơ quan trong Thành phố và với các Bộ, ngành còn hạn chế, thiếu tính chủ động và chặt chẽ trong xây dựng phương án tái cấu trúc.

Ngoài ra, sự kết nối, chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa các hệ thống chuyên ngành còn chưa đầy đủ và đồng bộ, khiến cho việc nghiên cứu và thực hiện tái cấu trúc gặp nhiều khó khăn. Các quy định pháp luật chuyên ngành cũng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời về thành phần hồ sơ và yêu cầu điều kiện để triển khai tái cấu trúc. Hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết TTHC khi vận hành còn chưa ổn định, giao diện DVC chưa thân thiện và chưa đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Hơn nữa, việc phối hợp giữa các bộ phận khi chuyển từ quy trình nội bộ sang quy trình điện tử chưa chặt chẽ và chưa tối ưu. Quá trình kiểm thử các DVCTT chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến hiệu quả triển khai không cao. Bên cạnh đó, việc xác định lộ trình triển khai DVCTT còn dàn trải, thiếu sự tập trung vào các TTHC thiết yếu, có tần suất lớn hoặc nhận được nhiều phản ánh từ người dân, doanh nghiệp.

Cuối cùng, tinh thần đổi mới và CĐS gắn với việc thực hiện TTHC chưa được phát huy đầy đủ, dẫn đến việc cải thiện chất lượng DVC chưa đạt kỳ vọng.

Ban hành Kế hoạch hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC giai đoạn năm 2024 - 2025

Từ những nhận định trên, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tái cấu trúc quy trình TTHC phục vụ cung cấp DVCTT, giải quyết TTHC và đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS của Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện HTTT giải quyết TTHC TP. Hà Nội giai đoạn năm 2024 - 2025.

a1c2370b-e981-4e5a-a76c-ee450d846d46.jpeg
Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện HTTT giải quyết TTHC thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2024-2025 nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ. (Ảnh: Internet)

Kế hoạch này nhằm mục đích đẩy mạnh tái cấu trúc TTHC, đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa và thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu theo nguyên tắc "Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần".

Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi thực hiện DVCTT trong giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, kế hoạch cũng hướng tới việc nâng cao tính minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC, cải thiện chất lượng và hiệu quả phục vụ cho người dân và DN khi tiếp cận và thực hiện TTHC.

Một mục tiêu quan trọng khác là xác định rõ ràng lộ trình, nội dung công việc, tiến độ thực hiện, cơ quan phụ trách và phương thức tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tái cấu trúc quy trình TTHC. Kế hoạch cũng đặt ra sự phối hợp hoàn thiện HTTT giải quyết TTHC của TP. Hà Nội, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong thực hiện.

Ngoài ra, kế hoạch cũng tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức tái cấu trúc quy trình TTHC và cung cấp DVCTT một cách thực chất, hiệu quả nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như người đứng đầu luôn được nhấn mạnh trong công tác triển khai, thực hiện toàn bộ các nội dung của Kế hoạch, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và mục tiêu đề ra.

Việc tái cấu trúc TTHC cùng với việc hoàn thiện và nâng cấp HTTT giải quyết TTHC của Thành phố phải đảm bảo tính thực tiễn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các DVCTT sau khi tái cấu trúc cần phải hợp lý, khoa học và đơn giản, đảm bảo quy trình giải quyết thuận tiện cho người dân, DN, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Quá trình thực hiện kế hoạch phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố. Ngoài ra, cần tuân thủ hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như các văn bản quy định danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện DVCTT toàn trình của các Bộ ngành. Đây là cơ sở để triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch.

Tinh thần chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ là vô cùng quan trọng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố về việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến CĐS trong năm 2024 và 2025; đồng thời, phải đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ trong việc thực hiện TTHC và cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN.

Việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về tái cấu trúc TTHC và cung cấp dịch vụ công sẽ là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cơ quan, đơn vị hàng tháng và hàng năm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tái cấu trúc TTHC theo nguyên tắc "Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO