Truyền thông

Hà Nội thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Trần Đình Hoạch 11/11/2024 14:35

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội đã nhận thức rõ chuyển đổi số (CĐS) không còn là một xu hướng mà là yếu tố then chốt giúp duy trì và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Cơ hội để DN giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ

Nhằm quảng bá hình ảnh thành phố Hà Nội cũng như thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ cao, Hà Nội đã tổ chức chương trình "Link to Grow". Sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số và công nghệ cao. Đây cũng là dịp để các DN kinh doanh sản phẩm thuộc hệ sinh thái công nghệ số, công nghệ cao tại Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng giới thiệu các công nghệ mới, tiên tiến.

Theo đó, thực hiện Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 19/02/2024 của UBND thành phố Hà Nội về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã tổ chức sự kiện "Hanoi DigiTech 2024." Chương trình diễn ra từ ngày 06/11 đến ngày 08/11/2024 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đây là cơ hội để các DN giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ đến cộng đồng DN. Đồng thời, sự kiện giúp DN tiếp cận các đối tác chiến lược trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số, với nhiều hoạt động hấp dẫn.

hanoi-1.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Triển lãm kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm công nghệ số thành phố Hà Nội 2024.

Tại Triển lãm kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm công nghệ số thành phố Hà Nội 2024, với quy mô không gian rộng khoảng 2.500 m² và 60 gian hàng, bao gồm các khu vực trưng bày đa dạng. Trong đó, khu không gian quảng bá đã giới thiệu những thành tựu, tiềm năng và môi trường đầu tư của Hà Nội, cùng với đó là các sản phẩm công nghệ số của thành phố và các khu vực lân cận, cũng như các tỉnh, thành trên cả nước. Tiếp đến, khu triển lãm trưng bày cũng đã giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp số, bao gồm các sản phẩm trong hệ sinh thái ngành công nghiệp số, linh kiện điện tử và công nghệ cao. Khu giao dịch được bố trí dành cho các nhà đầu tư và DN quan tâm, tạo cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu và kết nối với các đơn vị sản xuất, cung cấp công nghệ, hệ thống phân phối và kinh doanh các sản phẩm công nghiệp số, linh kiện điện tử, công nghệ cao.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), cho biết Hà Nội có riêng một kế hoạch cho nội dung về CĐS, phát triển DN công nghệ số trong thời gian tới. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu hình thành 10.000 DN công nghệ số và 10 nhóm sản phẩm công nghệ số chủ lực. Đây là nền tảng để thành phố Hà Nội phát triển vượt bậc và đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như công nghệ số.

Doanh nghiệp Hà Nội nhận thức rõ CĐS không còn là xu hướng mà là yếu tố then chốt

Hội nghị Hanoi Digitech 2024 với chủ đề "Công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kép, phát triển bền vững" cũng đã với quy mô khoảng 200 - 250 đại biểu, bao gồm đại diện từ các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan, các hội và hiệp hội cùng với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, cũng như đại diện từ các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội nghị thảo luận về các cơ hội và thách thức mà DN công nghệ số Việt Nam đối mặt khi tham gia vào thị trường quốc tế, cũng như cách thức để thúc đẩy CĐS, phát triển kinh tế số và xã hội số trong nước. Một chủ đề quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực trong quá trình CĐS, một yếu tố then chốt để duy trì sự tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, vai trò của các DN công nghệ số trong việc hỗ trợ DN tại Hà Nội CĐS cũng sẽ được nhấn mạnh, nhằm mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế địa phương và cả nước.

Trong khi đó, tọa đàm về CĐS cho các DN nhỏ và vừa tại Hà Nội có quy mô khoảng 100 đại biểu, đại diện từ các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành và đơn vị liên quan. Đồng thời, tọa đàm còn có mặt của các hội, hiệp hội ngành công nghiệp số, công nghệ cao tại Hà Nội và trên cả nước, cùng với các tổ chức, hiệp hội, và DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ cao, cùng đại diện các trung tâm nghiên cứu, trường đại học liên quan.

hanoi-2.jpg
Tọa đàm về CĐS cho các DN nhỏ và vừa tại Hà Nội.

Tọa đàm đã tập trung vào những khó khăn, vướng mắc mà các DN nhỏ và vừa gặp phải trong quá trình CĐS, đồng thời thảo luận về các chương trình hỗ trợ CĐS trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025. Các nội dung bao gồm việc áp dụng CĐS vào hoạt động marketing, chăm sóc khách hàng và bảo vệ thương hiệu thông qua tổng đài đa kênh. Sự kiện đã đánh giá mức độ sẵn sàng của các DN vừa và nhỏ trong CĐS, và đề xuất các giải pháp công nghệ theo lộ trình. Ngoài ra, tọa đàm đưa ra những đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CĐS và phát triển DN số, hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh công nghệ cao bền vững và hiệu quả.

Theo ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc HPA, Thủ đô Hà Nội, với vị trí chiến lược và vai trò là trung tâm của cả nước, có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư vào công nghệ số và công nghệ cao.

“Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng điểm, trong đó nổi bật là thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh tế mới nhằm phục vụ đa dạng ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ”, Phó Giám đốc HPA cho biết.

Đối với CĐS, lãnh đạo HPA cho biết hiện nay CĐS không chỉ mở ra cơ hội kết nối mạng lưới, thu hẹp khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản trị DN, tối ưu năng suất làm việc và cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh. Để duy trì và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các DN phải thích ứng với sự thay đổi và ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất, chất lượng, và tạo ra giá trị mới cho khách hàng. CĐS đóng vai trò trọng yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt quan trọng đối với các DN nhỏ và vừa.

“Trong những năm gần đây, các DN tại Hà Nội đã nhận thức rõ CĐS không còn là một xu hướng mà là yếu tố then chốt giúp duy trì và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số”, ông Lê Tự Lực nói.

“Nhằm hỗ trợ các DN địa phương vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh và phát triển mạnh mẽ, Thành phố đã xây dựng chiến lược cùng các kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô mà còn góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số quốc gia một cách nhanh chóng và bền vững”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO