Hà Nội: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm

Đỗ Thêu| 30/09/2022 14:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Xác định rõ việc xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ vướng mắc.

Nhiệm vụ trọng tâm

Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Để Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Hà Nội: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

Hà Nội xác định việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm

Trong quá trình xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, thành phố Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư. Nhiều mô hình xây dựng văn minh đô thị được triển khai, duy trì hiệu quả. Bộ mặt các phường, thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại. Những giá trị văn hóa truyền thống, nét thanh lịch của người Hà Nội được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

Tại quận Ba Đình, các phường: Giảng Võ, Cống Vị, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Kim Mã… đã tổ chức hoạt động "Sân chơi cuối tuần" cho thanh, thiếu nhi. Qua mô hình này, tổ chức Đoàn Thanh niên đã đồng hành và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Quận Ba Đình chọn phường Điện Biên trở thành phường điểm để xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Để thực hiện mục tiêu xây dựng phường điểm về kỷ cương, văn minh đô thị, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND phường đã thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Bố trí lực lượng tuần tra, cắm chốt đối với các điểm thường xuyên diễn ra vi phạm, có phản ánh, kiến nghị từ cử tri, nhân dân. Xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những tổ chức, cá nhân vì mục đích kinh doanh mà cố tình vi phạm nhiều lần.

Cùng với đó, phường cũng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Thông qua các ý kiến đóng góp, phường kịp thời tiếp thu, có biện pháp kiểm tra, xử lý và không để vi phạm tái diễn. Định kì vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần, Hội Phụ nữ phường thường xuyên duy trì tổng vệ sinh môi trường, góp phần tạo cảnh quan môi trường luôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Quận Hà Đông, Tây Hồ cũng được đánh giá là các địa bàn triển khai khẩn trương, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng phường văn minh đô thị.

Tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh các địa phương tích cực triển khai, thì vẫn còn nhiều địa bàn "kêu khó". Với một số phường, khó nhất vẫn là tiêu chí văn hoá, thể thao như: 90% tổ dân phố thuộc phường có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích. Đây là điều bất khả thi với hầu hết các phường thuộc các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa… do không có quỹ đất xây dựng.

Để tháo gỡ vướng mắc này, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa. Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, có tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Nội dung này sẽ tạo điều kiện cho các phường, xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn văn minh đô thị.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên (tính trên tổng số phường, thị trấn trên địa bàn thành phố), đảm bảo các tiêu chí chung sau: 100% tổ dân phố trên địa bàn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. 100% tổ dân phố trên địa bàn được công nhận đạt danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" theo quy định. 70% cơ quan, đơn vị trên địa bàn đạt danh hiệu văn hóa theo quy định./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO