Hạ tầng số Việt Nam phải phát triển bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn
Internet Việt Nam đã phát triển như vũ bão, lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ. Do vậy, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, hạ tầng số Việt Nam phải phát triển với dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
Với chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới”, sự kiện VNNIC Internet Conference 2024 đã diễn ra trong 4 ngày từ 4 - 7/6/2024 đã được Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội. Phiên toàn thể diễn ra sáng 7/6/2024 với sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia Internet quốc tế, khu vực và trong nước.
Với mục tiêu định hướng xây dựng, phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững, xây dựng cộng đồng chuyên gia Internet Việt Nam, trên nền tảng sự kiện VNIX-NOG theo mô hình NOG quốc tế (Network Operators Group) mà VNNIC đã triển khai thường niên từ năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) xây dựng và triển khai chuỗi sự kiện lớn hơn, chuyên sâu về Internet - VNNIC Internet Conference. Triển khai lần đầu tiên năm 2022 đến 2024 là năm thứ ba, đã trở thành diễn đàn chuyên sâu về công nghệ, tài nguyên, hạ tầng Internet, nhận được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế.
Sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet diễn ra ngày càng mạnh mẽ
Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những quan điểm phát triển: “Hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian so với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tổng quát hóa: “Hạ tầng viễn thông là tầng đáy. Trên hạ tầng viễn thông là hạ tầng Internet. Trên hạ tầng Internet là hạ tầng số. Trên hạ tầng số là hạ tầng CĐS”. Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất của nhân loại thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và CĐS".
Phát biểu tại Hội nghị sáng ngày 7/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet diễn ra ngày càng mạnh mẽ, gắn với các công nghệ mới Internet of Things (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, 5G/6G, dữ liệu lớn (big data)... Internet được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6; Kết nối Internet được thực hiện mọi lúc mọi nơi, trở thành Internet của vạn vật (Internet of Things)".
Từ một mạng độc lập duy nhất, Internet Việt Nam đã phát triển lên tới gần 1.000 mạng có IP và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet mới IPv6 đạt 60%, top 10 quốc gia cao nhất toàn cầu.
Với sự phát triển lớn mạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định: "Kể từ thời điểm chính thức kết nối với Internet toàn cầu cao năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển như vũ bão, trở nên lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ".
4 định hướng để hạ tầng số Việt Nam phát triển dung lượng siêu lớn, phổ cập, xanh, thông minh, mở và an toàn
Để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn, bền vững. Sự phát triển, đảm bảo an toàn bền vững hạ tầng là nền tảng từ gốc của sự phát triển”.
Với chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới”, tại VNNIC Internet Conference 2024, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tin các tổ chức, doanh nghiệp (DN), các chuyên gia quốc tế, trong nước sẽ cùng thảo luận, kết nối, hợp tác, qua đó xác định được các giải pháp hướng tới phát triển hạ tầng Internet Việt Nam hiện đại, thông minh, an toàn, là nền tảng cốt lõi cho Internet Việt Nam phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn; bảo vệ, đem lại các giá trị cho người sử dụng, cho toàn thể xã hội.
Bộ TT&TT mong muốn các tổ chức, DN, đơn vị thảo luận các mục tiêu và định hướng sau đây:
Thứ nhất, về hệ thống Internet Việt Nam: Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng (peering), kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối, trung tâm dữ liệu khu vực.
Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Thúc đẩy việc xây dựng nền tảng giám sát hiệu suất truy cập Internet trong nước và quốc tế và nâng cao khả năng đảm bảo chất lượng mạng Internet Việt Nam.
Thứ hai, phát triển hạ tầng Internet nhanh, mạnh, thông minh; tạo ra, quản lý và khai thác nhiều dữ liệu quá trị; phát triển các công nghệ mới, ứng dụng các giải pháp mới (5G, IoT, Cloud, IPv6+, AI), đảm bảo tài nguyên (IPv6) cho môi trường số …
Thứ ba, hạ tầng quyết định sự phát triển của công nghệ, nền tảng và dịch vụ. Mạng Internet muốn phát triển thông minh, an toàn cần phải giải quyết từ nền tảng lõi. Do vậy, đảm bảo sự an toàn, tin cậy, bền vững cho Internet thông qua các giải pháp, công nghệ phát triển và đảm bảo an toàn cho hạ tầng Internet, an toàn kết nối, an toàn cho các hạ tầng trọng yếu như DNS, VNIX.
Thứ tư, thúc đẩy người sử dụng lên môi trường số, song song với đem lại các giá trị cho người sử dụng và bảo vệ người sử dụng trên môi trường số.
Cùng Việt Nam phát triển Internet an toàn, phổ cập
Theo dự báo của Statista, thế giới sẽ có hơn 7,5 tỷ người dùng Internet và hơn 29 tỷ thiết bị IoT tới năm 2030. Sự bùng nổ về kết nối Internet này đặt ra cũng như thách thức lớn cho hạ tầng Internet - hạ tầng lõi cho các kết nối trong kỷ nguyên số. Để đảm bảo hạ tầng Internet có thể đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, công tác phát triển hạ tầng cần được xây dựng, định hướng một cách bài bản, với mục tiêu an toàn, bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung trao đổi việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới trong quản lý, phát triển hạ tầng Internet; ứng dụng công nghệ trong đánh giá, giám sát, đo lường và khai thác dữ liệu Internet phục vụ việc xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số quốc gia; hạ tầng Internet và các công nghệ mới (IPv6, 5G, 6G, AI,…).
Ông Paul Wilson, Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho biết kỷ nguyên thông minh với sự phát triển của các công nghệ mới dẫn đến sự bùng nổ thiết bị kết nối, truyền tải dữ liệu trong các mọi hoạt động đời sống, đặt ra nhiều thách thức cho hạ tầng Internet.
Internet khu vực hiện kết nối 1 tỷ người và có những thách thức, rủi ro như phân mảnh, manh mún, bảo mật mà theo đó rất cần có sự hợp tác của các bên để đảm bảo không để những rủi ro xảy ra. APPNIC hợp tác với VNNIC để thực hiện đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức kỹ thuật về Internet.
Ông Paul Wilson nhấn mạnh sứ mệnh của APPNIC cũng như các cơ quan quản lý Internet trong khu vực là đảm bảo mạng Internet mở, an toàn và ổn định thông qua phân bổ tài nguyên Internet, tạo niềm tin cho người dùng.
Năm 2024, tên miền quốc gia “.vn” đã chính thức hiện diện trên mạng Internet toàn cầu được 30 năm. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết Internet Việt Nam đã chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6 với tỷ lệ sử dụng truy cập ứng dụng IPv6 đạt gần 60%, đứng thứ 8 toàn cầu. "Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến hơn nữa".
Ông Thắng cũng cho cho rằng: “Sự phát triển an toàn, bền vững của hạ tầng Internet cần sự chung tay, hợp tác của cả cộng đồng kỹ thuật và các bên trong hệ sinh thái Internet. VNNIC Internet Conference hy vọng sẽ tiếp tục được cộng đồng phát triển, mở rộng, là diễn đàn về công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu, định hình nên bức tranh tương lai Internet Việt Nam lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn”.
VNNIC Internet Conference 2024 có sự tham gia của các diễn giả chính và các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực Internet: ông Paul Wilson, Giám đốc APNIC; ông Paresh Khatrti, Giám đốc công nghệ - Nokia (khu vực châu Á - Thái Bình Dương); ông Geoff Huston, Chief Scientist - APNIC; ông Bill Woodcock, CEO - Packet Clearing House, với các bài trình bày về những vấn đề nổi trội và giải pháp cho an toàn, bền vững hạ tầng Internet trước bối cảnh “chạy đua” của các công nghệ mới.
Hội nghị thu hút, kết nối hơn 400 Lãnh đạo/CEO và các chuyên gia, kỹ sư Internet đến từ: các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; các Sở TT&TT; các cơ quan phụ trách CNTT khối Bộ, ngành; các DN cung cấp dịch vụ Internet, di động, đám mây, trung tâm dữ liệu, dịch vụ nội dung,...; các thành viên kết nối VNIX, các thành viên địa chỉ IP Việt Nam; các Nhà đăng ký tên miền “.vn”; giảng viên, sinh viên các trường đại học công nghệ tại Việt Nam; các tổ chức, Hiệp hội Internet trong nước và khu vực (ICANN, RIPE NCC, APNIC, KISA, APAC IPv6 Council Forum...); các DN công nghệ, Internet lớn trên thế giới (AWS, Nokia, Akamai, CDNetworks, PCH, CleanDNS, NTT, BBIX...)./.