Chuyển động ICT

Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024

Trương Khánh Huyền 06/06/2024 06:15

Internet đang thay đổi và phát triển nhanh chóng. Để đảm bảo đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới (emerging technologies), hạ tầng Internet cần thay đổi, cải tiến.

Với mục tiêu cùng cộng đồng chuyên gia thảo luận về cơ hội, thách thức và định hướng phát triển hạ tầng Internet trong kỷ nguyên mới, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức sự kiện thường niên VNNIC Internet Conference 2024 từ ngày 04 - 07/6/2024, với chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển công nghệ mới”.

internet-conference-2024-logo.png

Thách thức trong phát triển hạ tầng Internet trong kỷ nguyên công nghệ mới

Hạ tầng Internet (Internet infrastructure) bao gồm các thành phần xây dựng lên mạng lưới network of networks”: hệ thống DNS, hệ thống cáp quang biển, các Trạm trung chuyển Internet (Internet Exchange Points), các Trung tâm dữ liệu (Data Center), mạng CDN (Content Delivery Network), hạ tầng định tuyến, địa chỉ IP (bao gồm địa chỉ IPv4, IPv6). Các kết nối này giúp tạo ra mạng Internet toàn cầu, cho phép truyền các gói dữ liệu ở các vị trí khác nhau.

internet-conference-2.png

Kỷ nguyên thông minh với sự phát triển của các công nghệ mới (IPv6, 5G, 6G, AI, Cloud, SDN/NFV...) dẫn đến sự bùng nổ thiết bị kết nối, truyền tải dữ liệu trong các hoạt động đời sống, làm việc, giải trí tốc độ cao,... ở bất cứ địa điểm, thời gian nào.

Theo dự báo của Statista, thế giới sẽ có hơn 7,5 tỷ người dùng Internet và hơn 29 tỷ thiết bị IoT tới năm 20301. Sự bùng nổ về kết nối Internet này đặt ra thách thức lớn cho hạ tầng Internet - hạ tầng lõi, hoạt động “thầm lặng” cho các kết nối trong kỷ nguyên số.

Thách thức lớn nhất là vấn đề đầu tư, phát triển mở rộng hạ tầng Internet. Mạng 5G, 6G là thế hệ mạng di động mới nhanh hơn, đáng tin cậy hơn, kích hoạt Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Thế hệ mạng di động này cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn nên đòi hỏi hạ tầng Internet cần được phát triển với băng thông kết nối lớn, độ trễ thấp. Các dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo như AR, VR cũng đòi hỏi Internet tốc độ cao, thông suốt.

Bên cạnh đó, các tổ chức doanh nghiệp (DN) cũng cần có các biện pháp giải quyết các yếu tố rủi ro, dễ bị tổn thương của hạ tầng Internet như vấn đề cáp biển, kết nối Internet liên tục, ổn định. Để giải quyết vấn đề này, Trạm trung chuyển Internet (IXP) nhanh và tin cậy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cở sở hạ tầng Internet lên các cấp độ mới về kết nối và tốc độ.

Thông qua kết nối ngang hàng tại IXP, các mạng có thể trao đổi lưu lượng với tất cả các mạng khác, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chuyển tiếp, điều chỉnh định tuyến linh hoạt để tránh các phân đoạn mạng có vấn đề về chất lượng, tối ưu trao đổi lưu lượng gần nhất có thể.

Bằng cách hỗ trợ kết nối các mạng, IXP giúp cải thiện hiệu quả truyền dữ liệu, giảm độ trễ, giảm chi phí và nâng cao hiệu suất Internet tổng thể.

Thách thức thứ hai là vấn đề an toàn, tin cậy - yếu tố quan trọng để định hình việc sử dụng, khai thác Internet. Theo báo cáo của Internet Society (ISOC), hàng ngày trên toàn cầu xảy ra tới 14.000 sự cố định tuyến và gần 30.000 cuộc tấn công DoS nhiều loại khác nhau. Internet cần được đảm bảo an toàn ở nhiều lớp, từ hạ tầng Internet, an toàn định tuyến đến hoạt động dịch vụ tới người dùng cuối. Vì vậy, các tổ chức, DN cần đón đầu xu hướng công nghệ mới (IPv6, AI, SDN/NFV, Cloud....), ứng dụng các tiêu chuẩn an toàn (DNSSEC, RPKI,...) trong phát triển, quản trị hạ tầng Internet.

Kỷ nguyên công nghệ mới với lượng dữ liệu khổng lồ cũng đặt ra mối lo ngại về quyền riêng tư, mã hóa đầu cuối, ẩn danh dữ liệu người dùng và cần tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

bieu-do-1_internet-conference-2024.png
Biểu đồ 01: Dự báo về số lượng thiết bị IoT tới năm 2030 (Nguồn: Statista)

Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển hạ tầng Internet

Nhằm góp phần đưa ra các giải pháp, định hướng phát triển nhằm đảm bảo an toàn, bền vững một trong các vấn đề gốc của Internet - hạ tầng Internet, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024, lựa chọn chủ đề: “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển của công nghệ mới”.

Tiếp nối thành công sự kiện các năm trước, VNNIC Internet Conference 2024 được tổ chức từ ngày 4 - 7/6/2024 tại thành phố Hà Nội, chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, bao gồm chuỗi các sự kiện workshop và hội nghị:

(1) Workshop An toàn, tin cậy hoạt động Internet (dành cho sinh viên) được tổ chức vào ngày 4/6/2024, thực hiện bởi chuyên gia từ Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ số quốc tế (ICANN), Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), Trung tâm thông tin mạng Nhật Bản (JPNIC), với mục tiêu cung cấp các kiến thức về công nghệ cơ bản của Internet, các vấn đề mới trong quản trị Internet, an toàn hạ tầng Internet và khuyến khích sự tham gia của sinh viên trong xây dựng Internet an toàn, tin cậy.

(2) Workshop DNS Security được tổ chức từ ngày 5 - 6/6/2024 (dành cho cán bộ kỹ thuật quản lý/quản trị/vận hành DNS tại các Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị phụ trách CNTT các cơ quan khối Bộ, ngành), với mục tiêu nâng cao an toàn hạ tầng DNS - “trái tim” của mạng Internet Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet và các dịch vụ công nghệ mới với lượng truy vấn khổng lồ làm mở rộng tiện ích, chức năng mới trên hệ thống DNS, tăng độ phức tạp của hạ tầng Internet. Việc duy trì và đảm bảo hệ thống DNS tin cậy, an toàn là yếu tố then chốt để duy trì tính toàn vẹn, hoạt động liên tục, ổn định của Internet.

(3) Workshop IPv6 Security được tổ chức từ ngày 5 - 6/6/2024 (dành cho cán bộ kỹ thuật quản lý/quản trị/kỹ sư mạng của các tổ chức, DN), thực hiện bởi chuyên gia APNIC, hướng đến mục tiêu nâng cao an toàn, chất lượng Internet IPv6, đảm bảo hoạt động Internet Việt Nam bền vững.

Ông Vinton G. Cerf, “Cha đẻ - Father of Internet”/Người đồng phát minh ra giao thức Internet TCP/IP từng nhận định rằng: “Với sự phát triển của các ứng dụng IoT và sự gia tăng các thiết bị, việc chuyển đổi IPv6 trên mọi thứ là điều không thể tránh khỏi”.

Chuyển đổi IPv6 là yêu cầu về công nghệ, theo xu thế toàn cầu, là cơ hội để phát triển hạ tầng Internet, dịch vụ trên Internet thông minh hơn, an toàn hơn và bền vững. Workshop IPv6 Security, trong khuôn khổ Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024, cũng là một trong những nỗ lực thực hiện Kế hoach chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 for Gov năm 2024.

(4) Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024 được tổ chức vào ngày 7/6/2024, mở rộng, khai thác các vấn đề về an toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển của các công nghệ mới: Đảm bảo an toàn, tin cậy hạ tầng lõi, quan trọng của Internet (hệ thống DNS, VNIX quốc gia...); Kết nối, định tuyến Internet bền vững với Internet Exchange, IDC, Cloud, CDN...; Phát triển hạ tầng Internet hiện đại, đi đầu trong khu vực; Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, kết nối, giám sát, vận hành, đánh giá năng lực (Internet performance); Hợp tác trong nước, khu vực và toàn cầu trong đảm bảo an toàn, tin cậy Internet,...

internet-conference-2024_1.png

Hội nghị có sự tham gia của các diễn giả có bài phát biểu chính (keynote speaker) và các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực Internet: Ông Paul Wilson, Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) với bài trình bày “Thách thức trong an toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển của công nghệ mới”; Ông Paresh Khatrti, CTO-Nokia (khu vực châu Á - Thái Bình Dương) với bài trình bày về “Triển khai IPv6 cho 5G/6G và IoT”; Ông Geoff Huston, Chief Scientist-APNIC với bài trình bày “Phân mảnh Internet và tác động đến an toàn, tin cậy Internet”; Ông Bill Woodcock, CEO-Packet Clearing House với bài trình bày “An toàn hệ thống DNS và định hướng phát triển mới”...

Sự kiện thu hút, kết nối hơn 400 Lãnh đạo/ CEO và các chuyên gia, kỹ sư Internet đến từ: các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; các Sở TT&TT; các cơ quan phụ trách CNTT khối Bộ, ngành; các DN cung cấp dịch vụ Internet, di động, Cloud, IDC, dịch vụ nội dung,...; các thành viên kết nối VNIX, các thành viên địa chỉ IP Việt Nam; các Nhà đăng ký tên miền “.vn”; giảng viên, sinh viên các trường đại học công nghệ tại Việt Nam; các tổ chức, hiệp hội Internet trong nước, quốc tế và khu vực (ICANN, RIPE NCC, APNIC, KISA, APAC IPv6 Council Forum...); các DN công nghệ, Internet lớn trên thế giới (AWS, CDNetworks, CleanDNS, BBIX...).

Với sự hội tụ của tất cả các nhóm đối tượng cộng đồng Internet Việt Nam và quốc tế, Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024 kỳ vọng sẽ chia sẻ các công nghệ, giải pháp mới nhằm định hướng phát triển hạ tầng Internet, góp phần đảm bảo Internet Việt Nam rộng khắp, phổ cập, an toàn, bền vững và thông minh. Để đăng ký tham dự, theo dõi các nội dung Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024, vui lòng truy cập website hội nghị: https://internet-conference.

---

1. https://www.statista.com/stati...

Tài liệu tham khảo:
1. Internet Society, Báo cáo An toàn Định Tuyến (https://manrs.
org/2024/02/manrs-community-report-2023-10-years-
on-still-growing-strong/; https://www.internetsociety.or...
blog/2018/01/14000-incidents-2017-routing-security-year-
review/)
2. Trung tâm Internet Việt Nam, Báo cáo Internet, tài nguyên
Internet năm 2023
3. https://www.statista.com/stati...
devices-worldwide/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO