Truyền thông

Hà Tĩnh: Bộ đội biên phòng đảm bảo an toàn khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn

Tuấn Nguyễn 27/11/2023 15:57

Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã sẵn sàng vào cuộc, tham gia cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai.

CBCS biên phòng là lực lượng quan trọng góp phần cứu hộ cứu nạn

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân), Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà), Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Đồn Biên phòng Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), Đồn Biên phòng Đèo Ngang, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Hải Đội 2 (thị xã Kỳ Anh) luôn chú trọng đảm bảo an toàn khi thực hiện các nhiệm vụ trên biển, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật cũng như tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai trên biển.

anhbai15.tkcn.jpg
Ảnh minh họa.

Trên tuyến biên giới Việt - Lào, lực lượng BĐBP Hà Tĩnh cũng đang chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt và sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Trong phương án hành động và kế hoạch bố trí lực lượng ứng phó, các đồn biên phòng tuyến rừng sẽ tập trung vào các địa bàn trọng yếu như: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng (Hương Sơn); Hương Quang, Hương Điền, thị trấn Vũ Quang (Vũ Quang); Hòa Hải, Hương Liên, Phú Gia (Hương Khê)...

Thiếu tá Đặng Thái Mai, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hương Quang thông tin: “Trong mùa mưa bão, chúng tôi có kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát trên vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, các vị trí có nguy cơ mất an toàn cao trong khu vực biên giới và tuyên truyền, nhắc nhở, hạn chế người qua lại những nơi không an toàn. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ để kịp thời hỗ trợ chính quyền và người dân trong khu vực biên giới, các xã lận cận vùng đóng quân phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ”.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm, BĐBP Hà Tĩnh điều động hàng nghìn lượt CBCS tham gia phòng chống thiên tai, trong đó có khoảng 500 lượt CBCS tham gia cứu hộ, cứu nạn; huy động hàng chục ca nô, ô tô, xe máy để di dời người, tài sản tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn khi có thiên tai; kêu gọi, sắp xếp, chằng néo khoảng 2.000 tàu thuyền/gần 3.000 lao động tránh trú bão; cứu hộ, cứu nạn khoảng 10 - 13 vụ/12 - 14 phương tiện/40 - 45 thuyền viên...

"BĐBP đang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc toàn lực lượng tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần “phòng là chính, ứng phó kịp thời”. Đặc biệt, BĐBP sẽ chú trọng phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác thường xuyên có mặt ở những vị trí xung yếu để có phương án hành động cụ thể, sẵn sàng vào cuộc với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất" - Thượng tá Bùi Việt Dũng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho hay.

Các đơn vị biên phòng tuyến biển chủ động phương án giảm nhẹ hậu quả thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho ngư dân trong đợt áp thấp nhiệt đới này, những ngày qua, Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) đã phối hợp với Ban Quản lý Các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nắm bắt sát sao diễn biến tình hình thời tiết, kịp thời thông tin, nhắc nhở, hướng dẫn tàu thuyền vào bờ tránh trú.

Nhờ vậy, trước khi biển động mạnh, hơn 300 tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh và khoảng 40 tàu của ngư dân ngoại tỉnh với khoảng gần 600 người đã vào âu thuyền Cửa Sót (xã Thạch Kim) và âu thuyền Lạch Kèn (xã Thịnh Lộc) neo đậu. Tại các khu vực tránh trú, BĐBP cũng đã tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ giằng néo tàu thuyền, hướng dẫn bà con cách bảo vệ an toàn cho người và tài sản...

94d0220722t48406l0.jpg
Quân y biên phòng sơ cứu ngư dân Lộc Hà bị nạn ngay trên biển (vào tháng 8/2022). Ảnh minh họa.

Trung tá Lê Hữu Đồng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa Sót thông tin: “Với vai trò là của lực lượng chủ công trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, mùa mưa bão này, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch sát đúng thực tiễn, chuẩn bị phương tiện và trang bị (ca nô của đơn vị, hiệp đồng tàu lớn của ngư dân, 100 áo phao và các loại dụng cụ hỗ trợ khác), đảm bảo quân số ứng trực 100%, thông tin liên lạc luôn thông suốt. Đơn vị cũng tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tàu thuyền ra khơi, khuyến khích ngư dân sản xuất theo tổ đội để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố”.

Để giảm nhẹ hậu quả thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã chủ động các phương án. CBCS trong lực lượng luôn nhận thức đầy đủ về chức trách, nhiệm vụ của mình, sẵn sàng hành động khi có lệnh.

Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết: “Để góp phần đảm bảo an toàn cho gần 1.000 tàu cá hơn 2.000 ngư dân của 9 xã ven biển huyện Nghi Xuân trong mùa mưa bão, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá Xuân Hội và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, khảo sát, nắm chắc số lượng tàu thuyền, ngư dân và tình hình sản xuất trên biển. Cùng đó, tiến hành lồng ghép tuyên truyền, vận động ngư dân trang bị đầy đủ máy định vị, máy bộ đàm, thường xuyên bật giám sát hành trình khi đi biển và chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát cửa sông, cửa lạch, trên biển và sẵn sàng lên đường tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả nếu có thiên tai xảy ra”.

Gần 3 năm qua, BĐBP tuyến biển thuộc BĐBP Hà Tĩnh đã tham gia cứu hộ, cứu nạn 30 vụ/45 phương tiện/108 thuyền viên và thực hiện kêu gọi, sắp xếp 4.520 lượt phương tiện/17.851 lượt lao động tránh trú bão, di dời 565 hộ/1.712 người trong những đợt mưa bão, triều cường. Các cuộc tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ đều được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của quân đội và nhân dân./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Bộ đội biên phòng đảm bảo an toàn khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO