Truyền thông

Hải Dương nhân rộng nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần lan toả văn hoá đọc trong cộng đồng

Đỗ Thêu 19/11/2023 10:13

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, thời gian qua, các cấp chính quyền cũng như nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương không ngừng nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giúp hình thành thói quen đọc sách để phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Sách là kho báu vô tận, đúc kết những tinh hoa, tri thức của nhân loại qua các thế hệ, giúp người đọc có được kiến thức, sự hiểu biết về mọi phương diện của đời sống, trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy. Thông qua việc đọc sách với các kỹ năng và phương pháp đặc thù, mỗi cá nhân sẽ hình thành cho mình một nền tảng tri thức nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

anh-2.jpg
Tỉnh Hải Dương xác định việc phát triển văn hoá đọc sách trong cộng đồng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận thấy tầm quan trọng của sách, tri thức, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo để lan toả văn hoá đọc trong cộng đồng.

Một trong những kết quả nổi bật của việc lan toả văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Hải Dương là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình thư viện với những hình thức đọc sách đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh các thư viện công do nhà nước quản lý, là sự ra đời của thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, tủ sách gia đình, dòng họ, câu lạc bộ sách…góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho người dân.

Ông Vũ Quốc Ái, người từng quản lý tủ sách dòng họ Vũ, nay quản lý thư viện của thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: Người xưa đề cao vai trò của sách khi cho rằng: “Thư trung hữu ngọc” (Trong sách có ngọc) hay “Vạn ban giai hạ phẩm/Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém/Duy chỉ có đọc sách là cao quý). Còn nhà bác học Lê Quý Đôn từng có câu: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Không bằng kinh sử một vài pho”... dẫn ra những ví dụ như vậy để khẳng định ý nghĩa to lớn của văn hóa đọc trong đời sống con người.

Nhằm lan toả hơn nữa văn hoá đọc sách trong cộng đồng, thay vì để tủ sách trong khuôn viên hạ đường của miếu làng, toàn bộ sách của dòng họ Vũ ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) đã được đưa đến thư viện chung của làng, cạnh nhà văn hóa thôn. Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Ái tiếp tục tận tụy sưu tầm và vận động những người con xa quê tặng sách để thư viện thêm phong phú.

Hay Thư viện tỉnh Hải Dương cũng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc lan toả văn hoá đọc sách tới cộng đồng.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian qua, Thư viện tỉnh Hải Dương không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ số vào quản lý dữ liệu sách và phục vụ nhu cầu tra cứu sách của bạn đọc… Thư viện đã nâng cấp và sử dụng phần mềm Mylib 8.0 để quản lý hàng trăm nghìn đầu sách trên hệ thống. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên đăng tải hình ảnh sách, viết giới thiệu sách trên fanpage và trang tin của thư viện. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, báo đài mở chuyên mục giới thiệu sách đã góp phần giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận sách và lan tỏa văn hóa đọc tới nhiều người hơn.

anh-1.jpg
Trường học các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương áp dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo để lan toả văn hoá đọc sách tới giáo viên và học sinh.

Đặc biệt, phong trào phát triển văn hoá đọc được ngành giáo dục tỉnh Hải Dương quan tâm, chú trọng khi triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả tới các trường học.

Nhiều năm qua, trong thời khóa biểu, trường tiểu học Gia Hòa (Xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc) đều cố định mỗi lớp có 1 tiết đọc sách/tuần tại thư viện của trường. Trường xây dựng "Sách điện tử" bằng cách chọn các cuốn sách hay để đọc và ghi âm lại. Với nhiều tác phẩm, thầy cô còn kỳ công lồng ghép hình ảnh, âm thanh sinh động nhằm thu hút học sinh. Trong các buổi tổng kết hay qua các cuộc thi, nhà trường khen thưởng học sinh bằng sách hoặc truyện. Hằng năm, nhà trường còn tổ chức cuộc thi "Đọc hay", vẽ tranh về nhân vật theo chủ đề yêu thích nhằm khuyến khích sự chủ động đọc sách của học sinh. Nhà trường phối hợp công ty CP Sách và thiết bị giáo dục Hải Dương trưng bày sách ngay tại trường cho các em tham quan, trải nghiệm. Với tinh thần "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay", ngoài thư viện của trường, mỗi lớp học đều dành một phần diện tích để làm thư viện nhỏ riêng.

"Nhà trường có nhiều cách khơi gợi đam mê, đồng thời định hướng cho các em thói quen đọc sách và đã mang lại những kết quả bước đầu. Nhiều học sinh đã chủ động xuống thư viện đọc và mượn sách về đọc", cô Nguyễn Thị Minh, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Gia Hòa vui vẻ chia sẻ thêm.

Để văn hoá đọc sách ngày càng được lan toả trong cộng đồng, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, lãnh đạo các trường và cha mẹ học sinh cùng chung tay tạo những điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng văn hoá đọc trong cộng đồng và học sinh. Chỉ khi con người có đầy đủ tri thức, mới mong cùng góp sức để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương nhân rộng nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần lan toả văn hoá đọc trong cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO