Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh
“Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh” là tên triển lãm tái hiện những dấu son lịch sử trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam và tiến trình phát triển của nhân loại”.
Ngày 21/6/2023, tại Học viện chính trị Quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh, Hà Nội, Học viện CTQG Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh”.
Tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh - PGS. TS. Dương Trung Ý, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Hải Thanh.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh cho biết triển lãm là hoạt động thiết thực góp phần quán triệt thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển lãm cũng được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ( 5/6/1911 – 5/6/2023); 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023 ); 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023 ).
Sự nghiệp vĩ đại ấy của Người được tái hiện lại bằng một hình thức đặc biệt qua 6 phần triển lãm sưu tập tem, bưu ảnh của Việt Nam và quốc tế: (I). Quyết tâm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; (II). Tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; (III). Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; (IV). Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi; (V). Lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; và (VI). Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Triển lãm còn là một bộ sưu tập tem bưu chính đồ sộ, sắp xếp công phu theo các chuyên đề tổng hợp, đa dạng, bao gồm nhiều mẫu tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Việt Nam và các nước phát hành, những phong bì thư thực gửi từ những năm đầu thế kỷ XX; bưu ảnh các thành phố của các nước trên thế giới mà Bác Hồ đã sống, làm việc hoặc đi qua; mẫu tem về những nhân vật lịch sử nổi tiếng trong nước và quốc tế mà Bác Hồ đã cùng hoạt động cách mạng, từng gặp gỡ.
Bộ sưu tập này cũng điểm lại những mẫu tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ngành Bưu điện đã phát hành.
“Nội dung, hình thức của triển lãm sẽ làm phong phú thêm các hình thức học tập, nghiên cứu và tuyên truyền sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng trực quan sinh động, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua triển lãm này, nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ thêm hiểu biết lịch sử cách mạng Việt Nam, và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, PGS. TS Dương Trung Ý nhấn mạnh.
Từ triển lãm mỗi người dân Việt Nam đặc biệt là cán bộ đảng viên, thế hệ trẻ càng tự hào về đất nước, về người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên sức lan tỏa tinh thần rộng lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về chuyên đề sưu khảo tem đồ sộ được trưng bày tại triển lãm lần này, nhà sưu tập tem kỳ cựu Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Tem TP. Hồ Chí Minh cho biết chuyên đề sưu khảo của ông gồm các nội dung: (1) Người thanh niên yêu nước tìm đường ra nước ngoài; (2) Lên án chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy các phong trào giải phóng thuộc địa; (3) Tổ chức các điều kiện và sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam; (4) Lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; (5) Đối phó thù trong giặc ngoài, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ; (6) Hoạch định đường lối kháng chiến, làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; (7) Lãnh đạo đánh thắng chiến tranh phoá hoại miền Bắc và dự đoán về Đại thắng mùa Xuân 1975; Nhà tư tưởng lỗi lạc; Nhà văn hoá kiệt xuất; (9) Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại; (10) Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc cũng chia sẻ: “Thực hiện chuyên đề như là một việc làm có ý nghĩa để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng nhờ vào việc thực hiện chuyên đề này mà tôi có cơ hội tìm hiểu về lịch sử Cách mạng Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời và sự nghiệp, ý chí cách mạng kiên cường, tấm lòng yêu nước thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như di sản tinh thần quý giá là Tư tưởng Hồ Chí Minh mà Bác đã để lại cho Đảng ta, cho nhân dân Việt Nam để từ đó toàn Đảng cùng toàn dân tiếp tục lao động và học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Triển lãm trưng bày tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 135 Nguyễn Phong Sắc, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội./.