"Hate speech" và "cyber-bullying" trên mạng xã hội: Hệ lụy và trách nhiệm của báo chí qua trường hợp livestreamer Nguyễn Phương Hằng

21/03/2022 10:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Những sự kiện livestream của bà Nguyễn Phương Hằng (TGĐ Cty CP Đại Nam, Bình Dương) thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người quan tâm không phải là hiện tượng mới đối với giới truyền thông trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Các nghiên cứu về truyền thông chỉ ra rằng cùng với sự phát triển của Facebook, Youtube, Twitter… thì những phát ngôn có khơi gợi sự thù hận (hate speech) và bắt nạt trên mạng (cyber-bullying) cũng gia tăng. Bài viết này sẽ giải mã bản chất những phát ngôn của livestreamer Nguyễn Phương Hằng đối chiếu với các đặc trưng của "hate speech" và "cyber-bullying". Từ đó, kiến nghị một số giải pháp đứng ở góc độ báo chí chính thống.

1- Như thế nào là "hate speech" và"cyber-bullying"?

Hiện chưa có một khái niệm nào được chấp nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu về "hate speech". Điều này xuất phát từ vấn đề khác nhau về văn hóa ứng xử, về các vấn đề tồn tại trong xã hội, về hệ thống pháp luật… Ví dụ, ở châu Âu, "hate speech" được hiểu là những hình thức biểu đạt lan truyền, kích động, thúc đẩy hoặc bảo vệ sự thù hận chủng tộc, bài ngoại, bài Do Thái, hoặc các hình thức thù hận khác dựa trên sự không khoan dung, bao gồm: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt đối xử và thù địch chống lại dân tộc thiểu số, người di cư, nhập cư.

Các mạng xã hội như Facebook, Youtube… cũng có các khái niệm về "hate speech", với điểm chung xem đây là những ngôn từ, hình ảnh, hành xử mang tính tấn công, kích động thù địch, nhục mạ các nhóm người yếu thế hoặc các nhóm người khác giới tính, chủng tộc, tôn giáo, tuổi tác, tình trạng sức khỏe… 

Hàng năm, các mạng xã hội đều gỡ bỏ nhiều thông tin được báo cáo, kiểm tra và gắn mác "hate speech". Tuy nhiên, giới quan sát và chuyên gia truyền thông nhìn nhận "hate speech" trên mạng xã hội vẫn hiện diện rất nhiều khi các quan điểm về tự do ngôn luận và "hate speech" nhìn chung vẫn còn tranh cãi và việc kiểm duyệt của các công ty mạng xã hội vẫn còn rất nhiều bất cập.

Nhìn chung, dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau về khái niệm "hate speech" nhưng các cách diễn đạt ấy đều có điểm chung rằng: (i) Nhắm vào một (nhóm) người cụ thể với sự kích động, tấn công, nhục mạ; (ii) Thường liên quan (nhưng không nhất thiết chỉ bao gồm) đến các vấn đề khá "kinh điển" như tôn giáo, sắc tộc, giới tính; (iii) Gây ra các tác hại đối với các nạn nhân về sức khỏe tâm lý, tinh thần, thậm chí là tính mạng.

Cũng liên quan đến "hate speech", giới nghiên cứu truyền thông đã chỉ ra một hiện tương khác tồn tại trên môi trường mạng xã hội đó là "bắt nạt trên mạng" (cyber-bullying). Nhà nghiên cứu Margaret Anne Carter (2012) nhận định: "cyber-bullying" là hành động gây hấn, công kích trên môi trường trực tuyến do một cá nhân hoặc một nhóm người nhắm vào một (nhóm) người khác. 

Mục đích của bắt nạt trên mạng là làm xấu hổ, tổn thương, sỉ nhục, xúc phạm, trả thù, áp đặt sức ảnh hưởng đối với người khác hoặc để tìm niềm vui. Bắt nạt trên mạng gồm nhiều cách thức khác nhau, ví dụ qua tin nhắn, thư điện tử, mạng xã hội; và với nhiều phương thức khác nhau, ví dụ châm ngòi các cuộc công kích, bôi nhọ, sỉ nhục, sử dụng các biểu tượng xúc phạm, quấy rối tình dục, vu khống…

Tấn công trên mạng cũng có những điểm giống như tấn công ngoài đời thực, ví dụ như thường mang màu sắc kích động, thách thức, trả đũa, và nhiều trường hợp còn kích động hay cổ súy bạo lực. Bên cạnh đó, những đặc thù về động cơ của tấn công trên mạng, điển hình trên mạng xã hội, so với tấn công ngoài đời thực đó là những đối tượng bắt nạt trên mạng thường (1) nhận thức được tính ẩn danh trên môi trường mạng; (2) dễ dàng truy cập và sử dụng mạng Internet; (3) có thể gây ra tính sát thương đến với các nạn nhân mà không cần gặp mặt hay tương tác trực tiếp ngoài đời.

Như vậy, những điểm chung của "hate speech" và "cyber-bullying" chính là một (nhóm) người nhắm vào một (nhóm) người khác bằng việc kích động phân biệt đối xử, sỉ nhục, bôi nhọ, đe dọa, vu khống nhằm gây ra những tác hại, thường là về sức khỏe tinh thần, danh dự, nhân phẩm. Dưới sự phát triển của mạng xã hội, "hate speech" và "cyber-bullying" càng trở nên phổ biến và dễ dàng được thực hiện và lan tỏa, gây tác động ở diện rộng. 

Ngoài ra, vai trò của các doanh nghiệp (DN) mạng xã hội, khung pháp lý đối với các hành vi trên mạng, việc thực thi các cơ chế pháp lý đó, hoạt động giáo dục nhân thức về tin tức trên mạng, và sự tham gia của báo chí chính thống đều là những tác nhân có vai trò kiềm hãm hoặc thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của "hate speech" và "cyber-bullying".

Ở Việt Nam, luật pháp có quy định về vấn đề phát ngôn trên môi trường mạng xã hội. Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định tội vu khống là: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Điều 155 quy định về Tội làm nhục người khác, cụ thể là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Cả hai điều luật này đều xem xét đến việc "Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội". 

Bên cạnh đó, luật hình sự cũng có Điều 331 quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cụ thể là "lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

2. "Hate speech" và "cyber-bullying" nhìn từ trường hợp livestreamer Nguyễn Phương Hằng

2.1. Nhận diện tính chất

Trước hết, cần nhìn nhận rằng trường hợp livestreamer Nguyễn Phương Hằng không chỉ gồm bà Nguyễn Phương Hằng mà còn cả những người xưng danh ủng hộ và ẩn danh ủng hộ, thúc đẩy, chia sẻ, lan tỏa, thực hiện các hoạt động tương tự với bà Hằng. Dù phải cần thêm thời gian và các bằng chứng cụ thể để kết luận về tính tổ chức, nhưng rõ ràng các hội nhóm, các "người hâm mộ" (fan) hay người ủng hộ (supporter) của livestreamer Nguyễn Phương Hằng là rất nhiều. Nhận diện điều này để có cơ sở xác định một cách đầy đủ các chủ thể thực hiện các hành vi "hate speech" và "cyber-bullying".

Xét ở góc độ cá nhân, từ tháng 3/2021, khởi đầu từ việc livestream tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, bà Hằng bắt đầu mở rộng đối tượng "bóc phốt" chuyện nghệ sĩ vận động từ thiện qua tài khoản cá nhân. Từ Hoài Linh, Vy Oanh, Trấn Thành, Thủy Tiên - Công Vinh, Đàm Vĩnh Hưng đến những người khác. 

Đáng chú ý, dù chỉ với những thứ mà bà Hằng gọi là "chứng cứ" (nhưng đến nay thực tế chỉ là suy diễn; bởi đến 3-2022, chưa có bất kỳ cá nhân nào trong số những người bị bà Hằng tố cáo bị cơ quan công an kết luận là có trục lợi), bà Hằng vẫn liên tục lên mạng xã hội bôi nhọ, chửi rủa. Bất kỳ ai lên tiếng phê phán thái độ, nội dung hành xử này thì lập tức bị bà Hằng tấn công bằng những ngôn từ mang tính bội nhọa, xỉ nhục, vu khống và thậm chí là làm nhục. Đơn cử là các trường hợp ca sĩ Vy Oanh, Nhà báo Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải Phóng), nhà báo Đức Hiển (Pháp Luật TP.HCM, sau khi trả lời VOV về các dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Hằng). Thậm chí, bà Hằng tấn công luôn các tờ báo, giới báo chí, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí; hạ uy thế của báo chí chính thống; hạ uy tín "chính quyền phía Nam", gây chia rẽ ngành, giới và vùng miền.

Bất kỳ ai có ảnh hưởng và có quan điểm khác bà Hằng đều  bị bà Hằng tấn công (lãnh đạo công ty Điền Quân, doanh nhân Lê Thị Giàu, NSUT Trịnh Kim Chi. Bà Hằng tấn công luôn cả các tổ chức là 3 bệnh viện nơi quỹ Hằng Hữu từng tài trợ một số ca mổ tim (Bệnh viện ĐH Y Dược, Nhi Đồng 1, Chợ Rẫy, cá nhân nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam…)

Như vậy, qua các chương trình và các phát ngôn của bà Hằng, có thể xác định các (nhóm) nạn nhân trong các phát ngôn mà bà Hằng nhắm tới gồm: (i) Nhóm nghệ sĩ; (ii) Nhóm nhà báo, báo chí; (iii) Nhóm thiện nguyện, trong đó có các bệnh viện. Tính chất các phát ngôn của bà Hằng có điểm chung: Kích động sự giận dữ của đám đông bằng những bằng chứng (cho đến lúc này là) suy diễn, các ngôn từ xúc phạm, bịa đặt, vu khống, thách thức; Gây ra sự hoài nghi của công chúng đối với các hoạt động thiện nguyện cũng dựa vào các phương thức tương tự.

Ở khía cạnh số đông, rất nhiều youtuber, Facebooker, TikToker… cũng sử dụng các video livestream của bà Hằng để "bắt trend", sản xuất các video để cổ xúy, thúc đẩy, thậm chí là làm theo và thách thức các nhóm phản ứng. Nhiều cá nhân, trang mạng xã hội sử dụng các tài khoản ẩn danh; tận dụng các cơ chế thuận tiện của mạng Internet để tạo ra các làn sóng công kích, trả đũa, thách thức, sỉ nhục, vu khống và lan truyền các câu chuyện bịa đặt, các thuyết âm mưu ủng hộ bà Hằng, tấn công vào các (nhóm) người khác cũng là nạn nhân của bà Hằng.

Ảnh: tienphong.vn

2.2. Giải mã sức hút

Không phải ngẫu nhiên mà "hate speech" và "cyber-bullying" trở thành những hiện tượng đáng lo ngại trên môi trường mạng xã hội và trong đời sống thực tế. Liên quan đến các hoạt động của livestreamer Nguyễn Phương Hằng và những cá nhân, nhóm ủng hộ và làm theo, có thể lý giải sức hút của các chương trình của (nhóm) bà Hằng ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, sự giàu có hiện diện trong các chương trình: Bà Hằng tự giới thiệu về khối tài sản cá nhân, có hàng tỷ USD, hàng chục ngàn tỷ VNĐ, chủ của nhiều công ty lớn. Khối tài sản của bà Hằng là niềm mơ ước của nhiều người, đặc biệt tầng lớp người dân lao động và một bộ phận những người khao khát, tôn thờ vật chất. Trong mắt họ, bà Hằng là biểu tượng của sự thành đạt vật chất, và đó cũng là thước đo cho chất lượng và uy tín của những phát ngôn của bà Hằng.

Sự thu hút từ sự giàu có trong các chương trình livestream không phải xuất hiện từ những chương trình của bà Hằng. Rất nhiều nhân vật ở Việt Nam, điển hình như Phúc XO (người đeo vàng nhiều nhất Việt Nam) luôn trở thành tâm điểm của mạng xã hội vì sự giàu có, xa hoa. Sự giàu có không chỉ kích thích niềm mơ ước, ngưỡng mộ, mà còn cả sự tò mò của công chúng.

Thứ hai, cách nói chuyện bình dân, thu hút, nói những điều không ai dám (hoặc không muốn) nói (dù/vì không có chứng cứ), "chửi thẳng mặt" các cá nhân người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội và một số cơ quan chính quyền khiến nhiều người nghĩ rằng bà Hằng thật sự có quyền lực.

Trong truyền thông trực tuyến, có một cụm từ ít ai để ý - "anh hùng của cộng đồng mạng xã hội" (Hero on social networks). Thông thường, "anh hùng" trên mạng để nói về những cá nhân sử dụng quyền tự do ngôn luận để tiết lộ những thông tin bị giấu giếm. Nhưng cần nhấn mạnh rằng mục đích của động thái này là phơi bày các sự thật, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng với những bằng chứng cụ thể, những thông tin xác thực. 

Như vậy, khoảng cách giữa một "anh hùng" với một người kích động, bắt nạt trên mạng nằm ở chỗ căn cứ, bằng chứng và cách dùng ngôn từ khi phát ngôn. Thế nhưng, với công chúng thì không ít người khó có thể nhận diện khác biệt này. Một mặt là vì nhận thức hạn chế, thiếu thông tin; mặt khác là tâm lý "mình cũng là nạn nhân" của các cá nhân, tổ chức mà bà Hằng "tố cáo".

Thứ ba, cách tổ chức thông tin bài bản trên các nền tảng mạng xã hội có độ tương tác, lan tỏa cao: Bà Hằng có một đội ngũ chuyên nghiệp về hậu đài, kỹ thuật mạng; có ekip sưu tầm các nội dung làm cớ để bà bốc phốt, chửi bới. Dù là nhóm tự phát hay có sự hiện diện của các công ty truyền thông chuyên nghiệp, thì sự phát triển của Internet cũng như sự tham gia của người trong ngành truyền thông đã giúp các chương trình của bà Hằng trở nên lan tỏa dễ dàng hơn.

Thứ tư, bà Hằng liên tục thay đổi đối tượng, chủ đề, tạo sự kiện và tạo ra các "thuyết âm mưu" nhằm biện minh, lý giải. Theo đó, các chủ đề được thay đổi và xoay quanh chuyện tố cáo Võ Hoàng Yên, tố cáo nghệ sĩ ăn chặn từ thiện, tấn công những người phản đối trong đó có nhiều người nổi tiếng, được công chúng quan tâm. 

Bà Hằng còn tổ chức các buổi giao lưu offline với người ủng hộ ở Đại Nam; đi thực địa (đến Thiền am ở Long An và các tòa soạn báo). Nhân danh "chính nghĩa", vu vạ những người khác quan điểm là "phản động', "âm mưu phá quỹ mổ tim", "chống lại nhân dân". Việc đánh vào các đề tài và các cá nhân được đông đảo công chúng quan tâm giúp kết nối mạng lưới theo dõi ngày càng lớn.

2.3. Tác động đến công chúng

Tính tới nay, bà Hằng và các cá nhân, nhóm ủng hộ (công khai lẫn ẩn danh) đã có hàng trăm buổi phát sóng liên tục trong 9 tháng. Tương đồng với các cảnh báo của giới chuyên gia truyền thông về tác hại của hiện tượng "hate speech" và "cyber-bullying", các hoạt động của bà Hằng và nhiều cá nhân, nhóm người ủng hộ trên mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy.

Thứ nhất, với nội dung bịa đặt nhưng cuốn hút, lượng công chúng rất đông, hàng trăm (nhóm) youtuber, Facebooker, TikToker làm theo, hoạt động livestream của bà Hằng đã khiến công chúng chia thành các nhóm khác nhau, liên tục có những công kích, tạo sự ngờ vực, thóa mạ, sỉ nhục, đe dọa nhau; tạo ra một không gian mạng độc hại với nhận thức và hoạt động thường nhật của xã hội. 

Sau các vụ livestream "bốc phốt" không bằng chứng của bà Hằng, rất nhiều người nổi giận nhưng cũng vô số người hoang mang, lo lắng. Trận lũ gần nhất vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 đã cho thấy sự suy giảm về hoạt động thiện nguyện., cho thấy sự ngao ngán của nhiều người có ảnh hưởng, nhà hảo tâm sau hàng loạt đấu tố sao kê do bà Hằng khơi mào.

Thứ hai, bị kích động bởi các nội dung do bà Hằng lan truyền, một số kẻ quá khích đã tấn công mạng các cơ quan báo chí, đánh sập mạng Báo điện tử VOV và làm tắc nghẽn đường truyền Báo Pháp Luật TP. HCM. Công an đã bắt giữ, khởi tố một số cá nhân trong số này. Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT thuộc Bộ TT&TT, các cục A03, A05 - Bộ Công an và Công an các tỉnh/thành đã phải vừa vào cuộc điều tra, vừa hỗ trợ các cơ quan báo chí ngăn chặn tấn công mạng từ những kẻ quá khích ủng hộ bà Hằng.

Thứ ba, việc livestream "bóc phốt', vu khống, nhục mạ cá nhân và tổ chức trên mạng đã kéo dài nhưng các cơ quan chức năng lúng túng, chậm xử lý tạo nên một tiền lệ rất xấu: bất kỳ ai cũng có thể vô cớ bị biến thành nạn nhân để xã hội ném đá; bất kỳ ai cũng có thể sỉ vả, nói xấu, làm hạ uy tín cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không cần chứng cứ. Điều đó khiến rất nhiều người thất vọng, mất niềm tin vào hệ thống quản lý thông tin cũng như việc thực thi pháp lý của chính quyền.

Thứ tư, ngôn từ dung tục, thiếu văn hóa, cổ vũ lối sống thực dụng, tôn thờ vật chất trong các buổi livestream có thể sẽ gây ảnh hưởng đến việc hình thành và định hướng nhân cách của giới trẻ. Cần nhấn mạnh "hate speech" và "cyber-bullying" không chỉ tác động đến tinh thần, tâm lý của các nạn nhân, mà ở góc độ tâm lý học truyền thông, nó còn có thể khiến người dùng mạng xã hội thay đổi nhận thức, tính cách, thói quan lẫn hành vi theo hướng tiêu cực hơn, không loại trừ các khả năng kích động, bạo lực, dễ dàng phán xét người khác… 

Cần lưu ý rằng, các phong trào bài xích, kích động, công kích… mang màu sắc cực đoan ở phương Tây thường gắn liền với hiện tượng "hate speech" và "cyber-bullying". Một số phát ngôn của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (điển hình của cựu Tổng thống Donald Trump, một số nhà báo, blogger…) có thể làm chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy đối với một số vấn đề trong xã hội (mà ở Việt Nam có thể là vấn đề cá nhân làm từ thiện, hình ảnh của người làm báo, doanh nhân…).

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Vietnam Insider)

Thứ năm, hàng chục, hàng trăm cơ quan, tổ chức và cá nhân bị xâm hại uy tín, danh dự, bị xúc phạm nhân phẩm. Điều đó gây ảnh hưởng không chỉ cho các cá nhân nạn nhân, gia đình và người thân của nạn nhân, mà còn gây hại đến cơ quan, tổ chức nơi các nạn nhân công tác. Đã có ít nhất 9 đơn tố cáo hình sự và yêu cầu khởi tố bà Hằng tại cơ quan điều tra hai địa phương TP.HCM và Bình Dương (các Nhà báo Đức Hiển, Hàn Ni, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên - Công Vinh, MC Trấn Thành, Luật sư Lê Thành Kinh, NSX phim Trương Việt Hà, NS UT Hoài Linh, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Hồng Vân…). Những người này yêu cầu khởi tố bà Hằng theo các tội danh: Vu khống; Làm nhục người khác; Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức và cá nhân và tố cáo bà Hằng hành vi đe dọa giết người.

3- Những vấn đề đặt ra với báo chí

Việc xuất hiện và phát triển của các nền tảng mới, đặc biệt là mạng xã hội video với khả năng tương tác cao sẽ thu hút công chúng. Đó là điều bình thường. Nhưng một cá nhân livestream với lượng công chúng khủng (có thời điểm thu hút 500.000 người xem trực tiếp cùng lúc và hàng triệu lượt xem trên các nền tảng) nhanh chóng trở thành một hiện tượng về truyền thông, dù không phải mới.

Tháng 6/2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM có công văn yêu cầu các nghệ sĩ không đôi co tranh luận kéo dài câu chuyện trên MXH, cùng thời điểm Thanh tra Sở TT&TT có quyết định xử phạt hành chính bà Nguyễn Phương Hằng về lan truyền thông tin sai sự thật khi nói chính quyền Bình Thuận bảo kê cho Võ Hoàng Yên và yêu cầu bà này chấm dứt live với nội dung công kích bôi nhọ trên mạng xã hội. Sở TT&TT Bình Dương cũng làm việc yêu cầu bà Hằng tương tự. Thế nhưng bà Hằng vẫn tiếp tục. Việc bà Hằng bóc phốt, công kích, bôi nhọ chửi bới cá nhân tổ chức trong một thời gian dài mà không bị ngăn chặn, xử lý đặt ra nhiều vấn đề.

Thứ nhất, có sự lúng túng, thiếu sự phối hợp và thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT ở địa phương trước hiện tượng chưa có tiền lệ.

Thứ hai, mức xử phạt hành chính không đủ răn đe. Với bà Hằng, mức xử phạt theo quy định không ảnh hưởng đến kinh tế; với các Youtuber, facebooker, TikToker làm theo có nội dung sai lệch, thu nhập từ mạng xã hội có thể lên đến nhiều trăm triệu, hàng tỷ đồng, nên mức phạt hiện tại cũng không đủ răn đe.

Thứ ba, cách đánh giá mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội hiện nay vẫn còn chủ quan, chưa tương ứng khả năng ảnh hưởng từ lượng công chúng theo dõi (hàng triệu lượt). Nó thực ra là truyền hình trực tuyến. Nếu không đánh giá đúng có thể không có cách quản lý phù hợp.

Thứ tư, sự thiếu trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới trong việc kiểm soát nội dung, ghi nhận các báo cáo, phối hợp với cơ quan quản lý truyền thông trong nước. Có thể xử lý ngay một cơ quan báo chí, một kênh truyền hình, nhưng việc xóa hoặc chặn phát sóng của một kênh mạng xã hội thì chậm và khó khăn hơn nhiều do thiếu hành lang pháp lý, quy phạm và cưỡng chế.

Trong bối cảnh đó, báo chí có nhiều vấn đề cần quan tâm và vào cuộc. Nhiều tờ báo, trang tin điện tử đã coi sự kiện livetream của bà Hằng là một "vỉa" đề tài để khai thác nhằm tăng lượng truy cập. Ở giai đoạn đầu, gần như báo chí liên tục đưa thông tin về sự bóc phốt của bà Hằng với các nhân vật; đưa tin về sự đòi hỏi của "cộng đồng mạng" cho dù trong số này có nhiều tài khoản ảo hoặc ẩn danh; gián tiếp đẩy những người bị bà Hằng bóc phốt vào thế bất chính về dư luận. Khi người nổi tiếng càng lo lắng, bất an thì sự tàn nhẫn, bất minh càng lên ngôi. Không có ai lên án sự suy diễn kết tội của bà Nguyễn Phương Hằng.

Khi các cơ quan quản lý báo chí (Cục Báo chí Bộ TT&TT) đề nghị báo chí tỉnh táo, không đưa tin ủng hộ việc hạ thấp vai trò của chính mình (báo chí chính thống), tình trạng trên có nhạt dần. Tuy nhiên lại không có sự đấu tranh trên báo chí về việc đưa tin xúc phạm của bà Hằng. 

Tâm lý e ngại khi "động" đến bà Hằng xuất hiện trong giới làm báo bởi tất cả mọi người đều cho rằng bà Hằng có quyền lực khi những phát ngôn sai phạm trong thời gian dài không bị xử lý thỏa đáng. Một số cơ quan báo chí khác có vào cuộc nhưng không đủ bài bản, thiếu phản hồi từ cơ quan quản lý truyền thông nên về sau cũng giảm dần. Khoảng trống thông tin trong giới báo chí là rất lớn so với tần suất và số lượng thông tin rất nhiều mà bà Hằng và các cá nhân, nhóm ủng hộ tung lên trên mạng. Và khi báo chí đồng loạt lên tiếng (tháng 10-11/2021); nạn nhân đồng loạt tố cáo và yêu cầu xử lý hình sự; ngăn chặn hành vi phạm tội quả tang thì các cơ quan tố tụng lại im lặng, không phản hồi hoặc phản hồi chưa thỏa đáng.

"Hate speech" và "cyber-bullying" là bài toán nan giải của rất nhiều quốc gia. Nó đòi hỏi các nước phải có hành lang pháp lý kết hợp với năng lực hành pháp, cách quản trị các DN mạng xã hội, giáo dục ý thức của người dân và cả sự đấu tranh của các cơ quan báo chí. 

Việc báo chí lên tiếng đồng loạt, quyết liệt và duy lý sẽ có giá trị củng cố lòng tin và trấn an một bộ phận rất đông người dân "dễ xao động" trước các thông tin trên mạng xã hội. Nói cách khác, muốn sự công kích, bịa đặt, vụ khống, tấn công, bắt nạt… trên môi trường mạng giảm thì tiếng nói của các nạn nhân (mà trường hợp bà Hằng thì báo chí cũng là nạn nhân), giới chuyên gia, giới cơ quan chức năng… cần được báo chí ghi nhận, chất vấn, thông tin để tạo ra sự cân bằng về thông tin.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017

[2]. Craig, W., Boniel-Nissim, M., King, N., Walsh, S. D., Boer, M., Donnelly, P. D., ... & Pickett, W. (2020). Social media use and cyber-bullying: a cross-national analysis of young people in 42 countries, Journal of Adolescent Health, 66(6), S100-S108.

[3]. Mathew, B., Dutt, R., Goyal, P., & Mukherjee, A. (2019, June). Spread of hate speech in online social media.

[4]. In Proceedings of the 10th ACM conference on web science (pp. 173-182). Guiora, A., & Park, E. A. (2017). Hate speech on social media. Philosophia, 45(3), 957-971.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT tháng 3/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Hate speech" và "cyber-bullying" trên mạng xã hội: Hệ lụy và trách nhiệm của báo chí qua trường hợp livestreamer Nguyễn Phương Hằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO