Lợi ích của ứng dụng blockchain trong xác thực dữ liệu số
Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng, mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới và trong đó có Việt Nam. Với tính chất phi tập trung, công nghệ blockchain giúp quá trình xác thực dữ liệu số trở nên nhanh chóng, hiệu quả nhưng vẫn giữ được tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu. Chính nhờ vào những đặc tính nổi bật này, công nghệ blockchain đã và đang được triển khai hiệu quả trong nhiều dự án CĐS và đặc biệt là những dự án về định danh số.
Có thể nhận thấy các giải pháp định danh số là một bước tiến lớn đối với định hướng tiếp cận công nghệ blockchain tại Việt Nam, không những giúp cung cấp tính chủ động trong việc xác thực và bảo mật thông tin trên môi trường trực tuyến mà còn giúp đơn giản hoá tương tác giữa chính phủ, DN và cá nhân. Từ đó có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong định hướng cải tiến quy trình hoạt động của nhiều tổ chức, DN.
Với những lợi ích này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tại Hội thảo chuyên đề "Ứng dụng blockchain trong định danh số và tiềm năng công nghệ với sự đồng hành của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Quỹ Châu Á Việt Nam, Công ty CP Vietnam Blockchain (VBC), JupViec.vn tổ chức ngày 28/7 cho biết ứng dụng định danh số blockchain, giúp cho nhiều người có nhiều thông tin hữu ích về tiềm năng công nghệ của ứng dụng blockchain trong thực tiễn để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp với các lĩnh vực.
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, blockchain được nói đến rất nhiều trong 7 - 10 năm gần đây tại Việt Nam. Cách đây 5 năm, sự kiện Viet Blockchain Week đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn của việc ứng dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ trong lĩnh vực tài chính, tiền mã hoá mà có thể ứng dụng vào đời sống của nhiều ngàn người.
Cơ hội từ triển khai định danh blockchain cho người lao động
Chia sẻ thực tiễn dự án xây dựng và thí điểm blockchain trong việc giải quyết các vấn đề của người lao động, đặc biệt là người giúp việc gia đình, cụ thể la định danh số, ông Phan Hồng Minh, người sáng lập và CEO của JupViec.vn cho biết dự án có hai mục tiêu cụ thể là giảm thiểu những vi phạm liên quan đến người lao động với việc hỗ trợ người lao động thông qua nền tảng blockchain. Mục tiêu thứ hai là hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng blockchain vì lợi ích xã hội của Việt Nam.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến hai năm nhưng theo ông Minh, thực tế dự án đã được triển khai 3,5 năm vì có 2 năm COVID-19. Đối tượng dự án là những người giúp việc ở Hà Nội, TP. HCM. Đối tác thực hiện ở đây có 3 đối tác gồm: Quỹ Châu Á, VBC Việt Nam và Jupviec.vn.
JupViec.vn là ứng dụng giúp việc theo giờ. "Chúng tôi làm việc tương tự như Grab, nhưng chúng tôi kết nối những người giúp việc với những khách hàng tiềm năng để những người lao động có thể đến nhà khách hàng dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn hay trông trẻ".
Sứ mệnh của JupViec là: thay đổi cuộc sống phụ nữ Việt, nhất là phụ nữ nghèo nông thôn mong muốn mang lại cho cuộc sống của họ ổn định hơn thông qua việc tạo việc làm cho họ, giúp người cần giúp việc tiết kiệm thời gian, tạo ra giá trị tốt hơn cho xã hội. Hiện tại, JupViec đã phục vụ được hơn 250.000 khách hàng, có 98% đánh giá hài lòng trên ứng dụng, có hơn 2000 nhân viên giúp việc và có mặt ở 5 tỉnh, thành phố tại Việt Nam là Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương.
"Các hoạt động của dự án là xây dựng và thí điểm blockchain, tích hợp công nghệ blockchain vào trong ứng dụng của khách hàng cũng như ứng dụng của người lao động mà cụ thể ở đây là định danh số người lao động, bằng cách tạo ra CV có dịnhd anh số cho người lao động. Người lao động làm giúp việc gần như không có CV mà không có CV thì công việc mãi mãi như vậy. Nếu họ có CV có định danh chứng nhận họ đã làm việc 1000 giờ, trong đó có 990 giờ được đánh giá tốt, với thu nhập khoảng 10 USD/giờ. Với CV như vậy, họ cũng hoàn toàn có thể đi xin việc ở một nơi khác với mức thu nhập có thể là 12 - 15 USD/giờ", ông Minh cho biết.
Thông tin thêm kết quả triển khai dự án này, ông Michael DiGregorio, đại diện quốc gia Quỹ châu Á (The Asia Foundation) cho biết kể từ tháng 1/2019, Quỹ Châu Á đã phối hợp với công ty CP Việt Nam blockchain (VBC) và Jupviec.vn để triển khai sáng kiến thử nghiệm đầu tiên "Giải pháp blockchain để giải quyết các vấn đề của người lao động".
Nền tảng blockchain đã được tích hợp thành công vào hệ thống hiện tại của JupViec. Hệ thống này kết nối khoảng 2000 lao động giúp việc gia đình với các khách hàng tiềm năng thông qua cổng web và ứng dụng di động hiện tại của JupViec. Giải pháp này cho phép lao động giúp việc có một bản định danh số giúp ghi nhận các thông tin cá nhân, kinh nghiệm và kết quả làm việc, chứng chỉ đào tạo, hồ sơ tài chính và bảng lương. Các lao động giúp việc có quyền toàn quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu của họ.
"Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi tìm việc, giúp họ tăng khả năng thương lượng về mức lương và cá lợi ích khác liên quan đến hồ sơ làm việc và chứng chỉ chuyên môn của họ. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng họ có thể sử dụng định danh số của mình để tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cần thiết như tài chính, y tế, giáo dục…", ông cho biết
Khả năng ứng dụng blockchain trong đời sống
Theo nghiên cứu của thế giới đến năm 2025, có khoảng 20 tỷ thiết bị trên toàn thế giới sẽ cần hoạt động, kết nối, liên kết tức thời, truyền tải thông tin giá trị của những dữ liệu mà những thiết bị này mang đến nhanh chóng, chính xác, minh bạch.
Để làm được việc này, theo ông Đỗ Văn Long, CEO VBC là một thách thức lớn của giới công nghệ từ 10 năm trước đây. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra là làm sao liên kết các thiết bị với nhau mà thông tin được truyền tải không bị sai sót và blockchain ra đời là điểm sáng để làm công việc này. Công nghệ blockchain ra đời mục tiêu chính là giúp cho truyền tải thông tin được minh bạch, chính xác và có tính xác thực thông tin đó và đây chính là phần không thể thiếu trên nền tảng Internet ngày nay.
Để làm được việc này, ngay từ năm 2015, chúng tôi đã liên hệ với nhiều trường đại học trong nước, quốc tế để nghiên cứu công nghệ blockchain và được các Bộ ban ngành ủng hộ và tổ chức các hoạt động, triển khai các dự án. Một dự án ứng dụng blockchain trong đời sống thành công nhất trong thời gian gần đây nhất là dự án truy xuất nguồn gốc ứng dụng blockchain cho nông sản Việt Nam xuất khẩu quốc tế. Giải pháp này được giải Ba Giải thưởng Nhân tài Đất việt mới đây. Và đặc biệt sẽ đưa giải pháp này ra quốc tế hướng tới hỗ trợ chuỗi cung ứng phân phối, truy xuất nguồn gốc nông sản Việt Nam và xuất nhập khẩu các nông sản này.
Từ năm 2018, VBC cũng đã ứng blockchain cho việc cấp các chứng chỉ, bằng cấp, đặc là có tác động trong đại dịch. Chứng chỉ, bằng cấp được gắn QR Code blockchain giúp xác thực rõ là bằng được cấp thật. VBC vừa rồi đã thực hiện việc cấp chứng chỉ cho 2000 sinh viên tập huấn công nghệ blockchain cho cộng đồng. Blockchain cũng có thể được ứng bình chọn cho một bài hát, cuộc thi. VBC đã ứng dụng công nghệ này cho cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2018 tại Đà Nẵng về việc bình chọn đội khởi nghiệp xuất sắc nhất, đảm bảo bình chọn đúng đối tượng được bầu và không ai có thể can thiệp vào quá trình này. Đây chính là những giá trị mà công nghệ blockchain mang lại.
Theo xu hướng ứng dụng, ông Long cho biết, Việt Nam đã và đang cho ra đời nhiều ứng dụng blockchain bao trùm trong lĩnh vực fintech và tài chính. "Blockchain chỉ là một mảng trong hệ sinh thái lớn này, đóng góp vào cho sự minh bạch hoá các giao dịch. Hệ sinh thái công nghệ Việt Nam rất rộng, blockchain đóng góp một phần nhỏ trong việc cải tiến và nâng cấp các tính bảo mật, an toàn thông tin, minh bạch xác thực dữ liệu, trong đó định danh số là một ứng dụng tiềm năng mà blockchain đã chứng minh được", ông Long cho hay.
Ngoài việc ứng dụng cho lĩnh vực fintech, ông Long cho biết, hoàn toàn có thể ứng dụng blockchain cho lĩnh vực giáo dục, giấy tờ, trả lương, bảo đảm thanh toán hay thậm chí ứng dụng vào thị trường chứng khoán, hình thành thị trường, giao dịch trên Internet, y tế, sức khoẻ… Trong đại dịch COVID, blockchain đã được ứng dụng cho lĩnh vực y tế, như một người đi test COVID thì không cần tới tận bệnh viện mà chỉ cần đăng ký qua app và sẽ được trả 1 bản blockchain. Người test COVID-19 có thể gửi mẫu cho bệnh viện. Có khoảng 6000 chứng nhận COVID PASS cho người dùng vào thời điểm đó. Khi bác sỹ xét nghiệm xong, trả kết quả thì tự động qua mã QR Code blockchain.
"Đó là những nỗ lực của chúng tôi thông qua các triển khai điển hình (case study) và được nâng cấp dần lên các ứng dụng lớn", ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, VBC hiện có 30 dự án blockchain liên quan đến các ứng dụng vào đời sống từ như truy xuất nguồn gốc hay phối hợp với Microsoft, các đơn vị làm sản phẩm OCOP để giúp gia tăng giá trị các sản phẩm.
Ông Long cũng lấy ví dụ có DN làm ra một lon nước uống nhưng khi làm ra lon nước uống này không ai biết để mua cả nhưng với quét mã QR blockchain trên lon nước uống, người dùng thông tin đầy đủ về chất lượng, quy trình, nhà máy, đóng hộp, hết hạn… . Kết quả, trong vòng 1 năm, DN này bán được 1 triệu lon với giá 1,5 USD nhờ sự minh bạch thông tin của nơi sản xuất và quảng bá sản phẩm sang châu Âu và nhiều nước.
Bên cạnh đó, ông Long cho biết còn có nhiều dự án đã ứng dụng triển khai blockchain và với 7 năm hoạt động, VBC kỳ vọng mở rộng các giải pháp cho cộng đồng./.