Hoạt động của báo chí trong nền kinh tế thị trường

29/03/2022 19:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo chí ngày nay thực sự trở thành nhịp cầu nối vững chắc giữa miền ngược với miền xuôi, giữa thành thị với nông thôn, đặc biệt là giữa Đảng với quần chúng nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam cũng có những bước tiến vượt bậc về nhiều mặt. Khác với nhiều nước trên thế giới, báo chí cách mạng nước ta trực tiếp được Đảng, Bác Hồ dày công giáo dục, rèn luyện và thực sự trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng không ngừng phát triển. Sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc kể từ khi ra đời cho tới nay. 

Hơn chín mươi năm trôi qua, dù bất kỳ ở thời điểm lịch sử nào, báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí ngày nay thực sự trở thành nhịp cầu nối vững chắc giữa miền ngược với miền xuôi, giữa thành thị với nông thôn, đặc biệt là giữa Đảng với quần chúng nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CHÍ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG - Ảnh 1.

Xã hội hóa báo chí để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng

Trong sự phát triển của báo chí, xã hội hóa báo chí để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của nhân dân là một xu hướng mang tính tất yếu. Bởi vì, nếu không xã hội hóa báo chí, khó trở thành diễn đàn của nhân dân, dễ rơi vào bị độc giả thờ ơ, bỏ quên.

Nhận thức rõ điều đó, hầu hết các tờ báo từ Trung ương đến địa phương đều tìm tòi con đường, cách thức, lựa chọn các phương thức xã hội hóa nhằm đưa sản phẩm báo chí đến với đông đảo bạn đọc, phát huy vai trò và hiệu quả của báo chí.

Tuy nhiên, trong quá trình xã hội hóa, nhiều tờ báo phạm phải những sai lầm thể hiện ở hai chiều hướng:

Thứ nhất, sự khép mình trong khuôn khổ chật hẹp, không dám mở rộng phạm vi đối tượng; không phát triển được lực lượng thông tin viên, cộng tác viên làm cho tờ báo nghèo nàn thông tin, thông tin xa rời nhu cầu của đối tượng; tờ báo không trở thành diễn đàn dân chủ để nhân dân bày tỏ quan điểm, tâm tư nguyện vọng, …

Thứ hai, mở rộng đối tượng của tờ báo một cách tràn lan, vô nguyên tắc dẫn tới xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời đối tượng chủ yếu của tờ báo; chạy theo thị hiếu tầm thường, sa vào xu hướng thương mại hóa báo chí.

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã dần xóa bỏ bao cấp trong sản xuất kinh doanh – một xu hướng tất yếu thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Trong điều kiện đó, báo chí – một công cụ giáo dục, tuyên truyền tổ chức; một công cụ chính trị đặc biệt quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã được không ít người nhấn mạnh về tính chất hàng hóa. Do vậy, không ít quan điểm cho rằng: Hoạt động báo chí hiện nay là một hoạt động sản xuất kinh doanh, tuân theo quy luật thị trường. Đây thực sự là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét hết sức nghiêm túc, dựa trên những cơ sở khoa học để có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về báo chí cũng như về chức năng, vai trò của nó trong đời sống xã hội đương đại.

Nhìn vào thực tế hiện nay, việc không ít tờ báo, cơ quan báo chí quá coi trọng đến mục đích kinh doanh là hoàn toàn dễ thấy. Nhiều tin bài được đăng tải trên báo không nhằm vào mục đích giáo dục, tuyên truyền hoặc định hướng dư luận xã hội, mà thuần túy là đáp ứng thị hiếu của một bộ phận bạn đọc, nhằm lôi kéo được nhiều người mua, thu được nhiều lợi nhuận nhất về cho tờ báo, cho tòa soạn. Đây là một xu hướng cần được các cơ quan quản lý báo chí và từng tòa soạn nhìn nhận nghiêm túc, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới lối sống, thuần phong mỹ tục và đạo đức của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Trong xã hội tư bản không thiếu những công ty, những chủ báo thực sự giàu có, nắm độc quyền nhiều lĩnh vực thông tin và lũng đoạn mạnh mẽ đến công chúng. Song trong thực tế, thu nhập của các cơ quan báo chí này có được không phải bằng cách chỉ đăng tải những thông tin giật gân, câu khách… Họ thu lãi qua hàng loạt ấn phẩm khác, qua kinh doanh các phương tiện in ấn, truyền thông và nhiều ngành nghề khác. Trên từng tờ báo, họ thu được các món tiền lớn về quảng cáo. Xét đến cùng, đây thực chất là sự tài trợ của các tập đoàn kinh tế đối với những tờ báo, đổi lại, họ đạt được mục đích thương mại nhờ phương tiện truyền thông này. Sự quảng cáo qua tài trợ ở nhiều quốc gia trên thế giới lớn tới mức nếu không đạt được 60% doanh thu thì tờ báo đó khó có thể tồn tại được. Chính từ sự thu nhập lớn nói trên, các công ty, các chủ báo thu lợi nhận lớn mà lại bán báo với giá rất rẻ (có khi thấp hơn giá thành), hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là người lao động. Vì vậy, báo chí của họ thâm nhập khá sâu vào công chúng, thực hiện được nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan báo chí, từng tập đoàn báo chí và các nhà tư bản.

Tuy nhiên, đối với báo chí cách mạng của chúng ta thì không thể coi các sản phẩm báo chí là một món hàng hóa thông thường. Càng không thể chạy theo thị hiếu (bất kỳ thị hiếu nào), đặc biệt càng không thể buông lỏng quản lý, nhất là về nội dung và chất lượng trên từng ấn phẩm, từng tờ báo. Chúng ta không thể chấp nhận được kiểu làm báo bất chấp mọi giá trị đạo đức, lối sống lý tưởng để có thể bán được nhiều báo, có nhiều người mua, thu được nhiều lãi. Nói như vậy không có nghĩa là trong lĩnh vực xuất bản, báo chí không thể quan tâm đến việc kinh doanh, đến tính toán lỗ lãi, đến nắm bắt thị trường. Nhưng nếu chỉ xem xét báo chí như một món hàng tiêu dùng thuần túy thì việc kinh doanh báo chí không thể tách khỏi những lệch lạc, làm cho báo chí xa rời mục đích, nhiệm vụ chính trị của nó. Thực tế hiện nay không ít tờ báo, cơ quan báo chí đang có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận thuần túy. Vì thế đã nảy sinh kiểu làm báo "khoán gọn", thậm chí có cả những loại "cai đầu dài", nhận thầu từ khâu đầu đến khâu cuối, nghĩa là từ viết bài biên tập, trình bầy, phát hành, ... Ở các tờ báo này nội dung phần lớn là dễ dãi, ít giá trị đích thực, chỉ cốt để câu khách và đủ tiền "nộp khoán" cho cơ quan chủ quản theo một thỏa thuận từ trước.

Báo chí phải xác định rõ trách nhiệm hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị

Với chức năng là công cụ chính trị, báo chí nói chung và các phương tiện thông tin đại chúng nói riêng phải xác định rõ trách nhiệm hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã đề ra. Để báo chí thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình, trên từng loại hình, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trỡ thích đáng, phù hợp với khả năng ngân sách về các khoản chi phí để đông đảo người đọc đều có điều kiện mua được, trong đó phần lớn là cán bộ, công chức, nhân dân lao động, sinh viên, học sinh. Thực tế hiện nay, mọi chi phí cho làm báo (trừ một số tờ báo lớn như Nhân dân, Quân đội nhân dân...) hầu hết các cơ quan báo chí đều phải tự hạch toán. Trong điều kiện ấy, khó có thể quản lý hoặc kiểm soát nội dung thông tin một cách chặt chẽ, đúng mục đích. Bởi xét đến cùng, mọi sự vật hiện tượng đều nằm trong phạm trù: "vật chất quyết định ý thức".

Nhìn nhận thực tế đời sống báo chí hiện nay, càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà báo cách mạng kiệt xuất: Người dân chỉ thực sự đọc báo khi họ bỏ tiền ra mua. Vì vậy, kinh doanh báo chí ra sao để người dân thực sự mua báo và đọc báo trên mạng, kinh doanh báo chí mà không biến báo chí thành phương tiện kinh doanh, để báo chí thực sự đi vào lòng người, thực hiện được nhiệm vụ cao cả của nó. Đây chính là phương châm để từng nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phấn đấu thực hiện, không ngừng thúc đẩy sự nghiệp báo chí cách mạng phát triển mạnh mẽ, đồng thời xứng đáng là binh chủng xung kích trên mặt trận lý luận tư tưởng./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của báo chí trong nền kinh tế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO