Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu trung bình của thuê bao (ARPU) và lợi nhuận cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ và cũng như những nhà cung cấp OTT (over-the-top) khác. Do đó tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới đang là thách thức hàng đầu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Bằng cách ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ mới, thúc đẩy sự hội tụ băng rộng và số hóa, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, các nhà khai thác có thể tạo ra các cơ hội phát triển lớn hơn, nhằm biến những thách thức trước mắt thành cơ hội tăng trưởng mới.
Triển vọng tăng trưởng của thị trường Viễn thông năm 2012
Có thể nhận thấy rằng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay đều đang gặp khó khăn, và các doanh nghiệp viễn thông cũng không nằm ngoài xu thế đó. Khi các mạng trên thế giới đang chuyển đổi sang IP và di động, khi khách hàng đóng vai trò thượng đế, thì để tồn tại và phát triển bền vững các doanh nghiệp viễn thông cần thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với các động lực thúc đẩy tăng trưởng mới. Mặc dù các nhà khai thác viễn thông đều nhận thấy rằng ngành công nghiệp này đang thay đổi nhanh chóng, nhưng để nhận biết những thay đổi nào liên quan đến mình và tác động của chúng đến hoạt động kinh doanh thì không phải ai cũng nắm rõ. Vì vậy, mới đây Telecom Asia đã phối hợp với nhà cung cấp thiết bị Huawei thực hiện một khảo sát về kế hoạch của các nhà khai thác viễn thông trong việc giải quyết các thách thức trước mắt này. Kết quả cho thấy vẫn có những cơ hội và tiềm năng lớn về tăng trưởng thị trường và doanh thu trong phân khúc này.
Theo đó khảo sát được tiến hành trực tuyến, với sự tham gia của các nhà khai thác viễn thông và các nhà cung cấp thiết bị trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kết qua cho thấy những triển vọng trong kinh doanh viễn thông năm 2012, các xu hướng công nghệ nói chung và các động lực tăng trưởng, cũng như những rủi ro bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Khảo sát cho thấy nhiều nhà khai thác viễn thông không những phải đối mặt các thách thức mới (cạnh tranh phi truyền thống) mà còn cả những thách thức hiện tại (sự hạn chế của các quy định pháp lý), và để giải quyết các vấn đề này nhiều nhà khai thác đã mở rộng thị trường hoạt động, tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng, dữ liệu và nội dung. Đây được coi như là các động lực tăng trưởng chính cho thị trường trong giai đoạn hiện nay. Nhìn chung, các nhà khai thác khá lạc quan về các cơ hội tăng trưởng của thị trường cũng như doanh thu.
Khi đánh giá về triển vọng tăng trưởng của thị trường, phần lớn các nhà khai thác tham gia khảo sát đều thể hiện thái độ lạc quan, gần 50% số người trả lời cho rằng mức tăng trưởng sẽ cao hơn quý trước. Tuy nhiên 22% cho biết mức tăng trưởng sẽ không có thay đổi gì. Thậm chí họ còn lạc quan hơn về mức tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ này. Gần 58% số người tham gia khảo sát bày tỏ thái độ lạc quan về triển vọng tài chính, chỉ có 20% cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể, và 24% cảm thấy tình hình tài chính của mình khá ảm đạm.
Sự lạc quan cũng được phản ánh qua ý kiến đánh giá của những người tham gia khảo sát trong câu hỏi liên quan đến những thay đổi mà các công ty viễn thông dự đoán sẽ xảy ra trong năm 2012 (Hình 1). Theo đó, đa phần các yếu tố như doanh số bán hàng, giá cước... đều có những thay đổi nhưng theo chiều hướng tích cực.
Phần lớn số người tham gia khảo sát cho biết doanh số bán hàng/doanh thu và lợi nhuận của mình sẽ tăng trong năm 2012, chỉ có 13% cho rằng sẽ giảm. Về lĩnh vực gia công phần mềm và các dịch vụ được quản lý, hơn 51% số người tham gia cho rằng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Về giá cước dịch vụ, 51% cho rằng giá cước sẽ ổn định trong năm tới, nhưng có 38% kỳ vọng giá cước sẽ giảm.
Tuy nhiên, các vấn đề như chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và tiền lương lại được đánh giá sẽ duy trì ổn định trong năm 2012. Các kết quả khảo sát cũng cho thấy những ý kiến khác nhau về việc sa thải hay tuyển dụng lao động- hơn 1/3 số người được hỏi nói rằng họ hy vọng sẽ giảm số lượng lao động của họ trong năm tới. Mặt khác, trên 30% số người được hỏi nói rằng họ hy vọng sẽ tăng số lượng nhân viên của họ, cũng như các cơ hội tuyển dụng. Điều đặc biệt là 37,5% các công ty nói rằng họ sẽ tăng lương trong năm tới, tùy thuộc vào tất cả doanh thu thực tế và số lượng người lao động).
Những thách thức trong hoạt động kinh doanh viễn thông
Theo dự báo trong năm 2012, các công ty viễn thông sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức trong hoạt động kinh doanh, đến từ bên trong và ngoài doanh nghiệp. Trong câu hỏi về xếp hạng 3 thách thức hàng đầu bên trong mà các doanh nghiệp phải giải quyết trong năm 2012, kết quả đưa ra khá dàn trải, phản ánh một thực tế rằng mọi công ty đều có những ưu thế và lợi thế riêng, tuy nhiên cũng có những vấn đề chung giống nhau mà các công ty đều phải đối phó và giải quyết.
Trong đó, thách thức được đề cập đến nhiều nhất là cắt giảm chi phí. 48% số người được hỏi cho rằng cắt giảm chi phí là vấn đề lớn nhất hiện nay. Thách thức thứ hai là việc thu hút và giữ chân các lao động có chất lượng, với 43% số người tham gia khảo sát đánh giá đây là một vấn đề quan trọng. Một điều rất ngạc nhiên là việc bảo mật dữ liệu lại được các nhà khai thác ít quan tâm nhất, chỉ có 8% coi đây là thách thức nội bộ lớn đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Đối với các thách thức bên ngoài, vấn đề mà công ty viễn thông quan tâm nhất là sự cạnh tranh từ các công ty mới tham gia vào thị trường viễn thông (như Apple, Google và các nhà cung cấp OTT). Phần lớn (81%) số người được hỏi đánh giá đây là một trong 3 thách thức lớn nhất, và gần 44% xếp nó đứng vị trí số một trong những thách thức bên ngoài. Nhu cầu của người tiêu dùng được coi là thách thức thứ hai với 78% (Hình 3). Các quy định của chính phủ xếp ở vị trí thứ ba, với 65% người cho rằng là đây là một thách thức nghiêm trọng. Đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương kết quả này không có gì ngạc nhiên bởi hiện nay tại nhiều thị trường trong khu vực các vấn đề như cấp phép phổ tần, cạnh tranh và các sáng kiến chính phủ đang được đưa ra tranh luận gay gắt.
Chi phí thiết bị cũng là một mối quan tâm chung đối với phần lớn các nhà khai thác và cung cấp thiết bị tham gia khảo sát. Các yếu tố kinh tế như lạm phát, rủi ro tiền tệ, lãi suất và chính sách thuế cũng được đưa vào danh sách các thách thức.
(Còn nữa)