Học viện Công nghệ BCVT cần phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành CNTT, VT

Giang Phạm| 10/08/2016 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 10/8/2016, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Học viện Công nghệ BCVT. Tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, đại diện một số Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ. Về phía Học viện, có Giám đốc Học viện Vũ Văn San, đại diện lãnh đạo Học viện và các khoa.

1_2.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Học viện Công nghệ BCVT

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Học viện Vũ Văn San cho biết, về quy mô đào tạo và công tác tuyển sinh, tính đến ngày 30/6/2016, Học viện có gần 16.000 học sinh, sinh viên đang học tập, trong đó có 12.501 sinh viên chính quy, chiếm 85%, 86 nghiên cứu sinh, 570 học viên thạc sỹ, 1.236 sinh viên hệ đại học từ xa… Trong năm 2015, Học viện đã hoàn thành tốt công tác tuyển sinh, nhất là kỳ thi tuyển sinh Đại học, cao đẳng chính quy, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Hiện nay, Học viện đang tiến hành công tác tuyển sinh đại học năm học 2016-2017, trong đó chỉ tiêu đại học chính quy là 3.000. Về hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn, hàng năm Học viện tổ chức đào tạo trung bình 160-170 khóa học với khoảng 10.000-12.000 lượt cán bộ, học viên theo học.

Cũng theo ông Vũ Văn San, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng, đẩy mạnh, tập trung trên các lĩnh vực như: CNTT, viễn thông, điện tử, kinh tế… Học viện ưu tiên nghiên cứu chuyên sâu về Chính phủ điện tử, an toàn thông tin, thành phố thông minh, Công nghệ 5G, Internet of things, ứng dụng CNTT bảo vệ biển đảo Tổ quốc…

Về hợp tác quốc tế, Học viện hiện có quan hệ hợp tác với trên 20 cơ sở nghiên cứu, trường đại học và các nhà sản xuất thuộc 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về cơ chế tài chính, từ khi Học viện chuyển về Bộ TT&TT (năm 2014), Học viện tiếp tục hoạt động theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên và được áp dụng cơ chế tài chính của doanh nghiệp theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Từ ngày 4/2/2016, Học viện thực hiện “tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” theo Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Mới đây nhất, ngày 25/5/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có Quyết định 879/QĐ-BTTTT chính thức ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện.

Đánh giá về tình hình hoạt động của Học viện, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định: Học viện đã tổ chức thành công kỳ tuyển sinh năm 2015 mặc dù đây là kỳ tuyển sinh có nhiều sự thay đổi, biến động lớn về quy chế, quy định theo hình thức tuyển sinh hoàn toàn mới. Tuy nhiên, Học viện đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu với chất lượng đầu vào cao, nằm trong nhóm các trường đại học có điểm đầu vào cao nhất cả nước, vượt hơn so với mức trung bình các kỳ tuyển sinh trước từ 3-4 điểm theo từng ngành.

Bộ trưởng đánh giá Học viện đã triển khai tốt mô hình hợp tác, kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp, là “điểm đến tuyển dụng uy tín của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước”. Mô hình kết nối trường đại học – doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực thực tiễn của sinh viên, đồng thời góp phần tạo cơ hội công ăn việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Với việc mở thêm nhóm ngành Báo chí và Truyền thông, trong đó có ngành Truyền thông Đa phương tiện, Học viện đã trở thành đơn vị thứ hai trên cả nước có đào tạo ngành này, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ phát triển ngành TT&TT. Cùng với việc thành lập Khoa Đa phương tiện là khoa đào tạo mang tính chất đón đầu về lĩnh vực Công nghệ cũng như lĩnh vực Truyền thông Báo chí với 2 ngành Công nghệ Đa phương tiện và Truyền thông Đa phương tiện, Học viện là trường đại học đầu tiên đào tạo về ngành đa phương tiện, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của xã hội.

Bộ trưởng nhận định: Thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg, Học viện trở thành một trong 13 trường Đại học công lập trong cả nước tự chủ cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Đồng thời, cũng là trường Đại học đầu tiên được Chính phủ giao thí điểm vận dụng cơ chế đặc thù, nghĩa là vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Bộ trưởng lưu ý Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác toàn diện với các đối tác là đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước như ký thoả thuận hợp tác toàn diện với VNPT, Mobifone, VNNIC, Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam, Samsung, ... đồng thời cần tiếp tục nâng cấp thư viện, đặc biệt chú ý đến thư viện điện tử.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Học viện cần có chính sách, cơ chế thu hút người hiền tài về làm giảng viên. Nếu không có chính sách phù hợp, không những không thu hút được người tài mà còn bị các trường đại học khác “kéo” mất người tài.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay khoa học kỹ thuật đang phát triển rất nhanh vì vậy các trường đại học cũng cần thay đổi nhằm đạt được mục tiêu quan trọng của một trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định nhằm phát triển kinh tế xã hội đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, Học viện cần phải đạt được mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cả đại học và trên đại học cho ngành TT&TT Việt Nam.

Để tiếp tục phát triển bền vững, Bộ trưởng chỉ đạo Học viện cần tập trung làm tốt những nội dung, cụ thể là:

Học viện cần xác định mục tiêu trung hạn và lâu dài để bảo đảm hướng đi đúng nhằm phát triển Học viện bền vững; Xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển phù hợp; các định hướng về đào tạo, mở ngành; định hướng về khoa học và công nghệ; có cơ chế phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên chất lượng cao; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc.

Học viện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển sinh Đại học chính quy năm học 2016-2017. Đây là công việc lớn hàng năm, và năm nay cũng hết sức khó khăn do tiếp tục có sự thay đổi so với năm ngoái, sự cạnh tranh lớn giữa các trường,…

Đồng thời, Học viện cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, các mô hình hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp, lấy đây là yếu tố then chốt để phát triển và nâng cao uy tín của Học viện. Chọn lọc hướng nghiên cứu khoa học, phát triển các sản phẩm khả năng ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn. Tăng cường hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhất là các trường đại học danh tiếng thế giới về CNTT, VT để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng lưu ý: Hiện nay, Học viện đứng thứ 19 trong tốp 20 đại học hàng đầu Việt Nam. Vì vậy, Học viện cần tiếp tục phấn đấu giữ vững vị thế, nâng cao thứ hạng về chất lượng sao cho sinh viên Học viện tốt nghiệp ra trường được các nhà tuyển dụng chào đón, tiếp nhận.

Bộ trưởng nhìn nhận, trong quá trình tái cơ cấu, Học viện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, các quy trình, quy chế, vừa phải làm tốt công tác đào tạo. Bộ trưởng khẳng định: Bộ TT&TT  luôn theo dõi, ủng hộ, chỉ đạo kịp thời và tạo mọi điều kiện để Học viện triển khai tốt các hoạt động, đạt kết quả cao trong việc giảng dạy và học tập, trở thành một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu trên cả nước.

 Một số hình ảnh tại buổi đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại Học viện Công nghệ BCVT:

4_1.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói chuyện với các cán bộ Học viện đang làm công tác tuyển sinh.

3_1.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn gặp gỡ sinh viên tình nguyện tại khu vực tuyển sinh của Học viện

2_2.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo, giảng viên và sinh viên Học viện.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Học viện Công nghệ BCVT cần phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành CNTT, VT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO