Truyền thông

Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024: Từ truyền thông đến toàn cầu

Hiếu Nhiên - Minh Châu - Vân Trang 12:03 07/10/2024

Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 đã chính thức được khai mạc và diễn ra từ ngày 3/10 đến 6/10 tại Hà Nội, với 100 gian hàng trưng bày sản phẩm của các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

1.jpg
Cắt băng Khai mạc Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024.

Sáng 3/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội khai mạc Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hội chợ nhằm quảng bá, tôn vinh và giới thiệu các sản phẩm làng nghề độc đáo, kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, OCOP. Qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề, sản phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, có tính ứng dụng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội chợ Làng nghề 2024, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết có 31 tỉnh thành trong cả nước (TP. Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Đồng Nai, Đắk Nông, Tây Ninh, Tiền Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Ngãi) với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn tham gia Hội chợ Làng nghề lần này.

Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; chiếu cói Nga Sơn, Hương Quốc Tuấn, Gốm Chu Đậu, Gỗ Đông Giao, bạc Châu Khê, gốm Phù Lãng, giầy da Hoàng Diệu, tranh ghép gỗ, thổ cẩm Mai Châu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, gỗ lũa mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam, mỹ nghệ từ vỏ quế, mỹ nghệ từ sò ốc Bà Rịa Vũng Tàu, chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, dệt chiếu Long Định, sản phẩm làng nghề bàng buông Tân Hòa Thành,

Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước, điển hình như: Gạo sén cù Lào Cai, cà phê Đắk Lắk, chè Thái Nguyên, trà hoa vàng Quy Hoa, bánh đa nem làng Chều, mỳ chũ Bắc Giang, bánh phồng Cái Bè, bánh đa Lộ Cương, rượu Phú Lộc, nem chua Thanh Hóa, giò me Nghệ An, yến sào Khánh Hòa, thạch đen Cao Bằng, nước mắm, hải sản Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, mắm tôm, mắm tép Ba Làng, thanh long Bình Thuận, sầu riêng Đắk Nông, rau, củ quả, Mộc Châu….

Ông cũng cho biết thêm, bên cạnh trình diễn hội chợ, “Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” còn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting vào sáng ngày 4/10. Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Hội chợ là hoạt động livestream bán sản phẩm Làng nghề và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok. Với 5000 làng nghề và 13.000 sản phẩm OCOP, đằng sau đó là những câu chuyện về cuộc sống, văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền.

Khác với những năm trước, Hội chợ Làng nghề năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ trao giải Hội thi sản phẩm Làng nghề của thành phố Hà Nội tại Lễ khai mạc hội chợ; không gian trưng bày tôn vinh sản phẩm đạt giải và các sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

2.jpg
Trao giải các tác phẩm đạt giải Hội thi sản phẩm làng nghề TP Hà Nội năm 2024.

Theo quy chế, Hội đồng giám khảo đánh giá, lựa chọn, tôn vinh và trao tặng 61 giải thưởng cho các tác phẩm dự thi, bao gồm: 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 30 giải khuyến khích cho 5 nhóm sản phẩm làng nghề. Đây cũng là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, để công chúng biết đến nhiều hơn những giá trị sản phẩm và ý nghĩa lan tỏa mà tác phẩm của họ mang lại.

Cùng với những xu hướng mới, hội chợ không chỉ có sự góp mặt của những nghệ nhân có tuổi, nhiều kinh nghiệm mà còn thu hút nhiều nghệ nhân trẻ tuổi thuộc Gen Z, Gen Alpha đến tham gia và trình diễn, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu với sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, thể hiện rõ trình độ tay nghề, kỹ năng và năng lực sáng tạo không hề chênh lệch giữa các thế hệ.

3.jpg
Tác giả Bùi Bạch Đằng với tác phẩm Đèn trang trí đại sảnh đạt giải đặc biệt trong cuộc thi lần này.

Đặc biệt, Hội chợ Làng nghề năm nay còn có khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu do 8 nghệ nhân đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tham gia thao diễn trực tiếp.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong năm 2023, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một gian hàng thủ công mỹ nghệ đối với những tác giả, tác phẩm đạt giải tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF-L'ARTIGIANO) diễn ra tại Milan, Italia. Đây được xem là hội chợ về thủ công mỹ nghệ lớn nhất thế giới, được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Qua việc tham gia hội chợ, các nghệ nhân, tác giả đoạt giải có điều kiện được tiếp cận với xu hướng tiêu dùng quốc tế, thấy được sự đặc sắc trong trình độ, tay nghề của nghệ nhân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời được trực tiếp trao đổi, chia sẻ với người tiêu dùng tại thị trường châu Âu. Đây là bước tiến lớn trong quá trình định hướng, thay đổi và thích nghi với xu hướng thiết kế sáng tạo mới cho nghệ nhân Việt, không chỉ dừng ở những sản phẩm truyền thống trước đây mà mạnh dạn nắm bắt nhu cầu tiêu dùng hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với thời đại.

Tiếp nối thành công của thời gian qua, ông Nguyễn Minh Tiến cũng thông tin về việc sẽ tiếp tục tổ chức gian hàng về sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Milan trong năm 2024: “Chúng tôi hy vọng rằng việc tổ chức những sự kiện như vậy sẽ tạo môi trường cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam được giới thiệu với khách tham quan, với người tiêu dùng tại các thị trường lớn, trong đó có châu Âu. Đồng thời qua đó các tác giả, các nghệ nhân của chúng ta cũng có thêm điều kiện để chia sẻ, học hỏi và nắm bắt được những xu hướng tiêu dùng mới, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa làng nghề Việt Nam.”

Về kế hoạch kết nối các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam với đối tác quốc tế, ông Tiến cũng cho biết rằng trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kết nối với một số cơ quan nghiên cứu như Viện Lund thuộc Trường đại học Lund của Thụy Điển, cùng với một số nhà phân phối về sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại châu Âu để hỗ trợ các làng nghề và nghệ nhân Việt về thị trường và về đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề.

“Một trong những điểm yếu của nhiều nghệ nhân hiện nay là việc thiếu kiến thức, kỹ năng trong ứng dụng công nghệ mới, nhất là vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tạo ra những ý tưởng sáng tác sản phẩm. Có thể nói rằng, việc kết nối các hệ thống phân phối cũng như thông qua các trường đại học, các viện nghiên cứu ở châu Âu sẽ giúp cho các nghệ nhân và làng nghề chúng ta có thêm nhiều cơ hội nâng cao tay nghề, đặc biệt là nắm rõ hơn những xu hướng hàng thủ công mỹ nghệ trên thế giới, trong đó có châu Âu là thị trường tiềm năng nhất,” ông Nguyễn Minh Tiến bày tỏ.

Trong khuôn khổ diễn ra hội chợ, nhiều nghệ nhân, thợ thủ công và các đơn vị, doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương đã dựng gian hàng nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Nghệ nhân Huyền Trà Xưa với gian hàng thương hiệu chè Thịnh An Thái Nguyên đã thu hút không ít khách đến tham quan và trải nghiệm sản phẩm.

4.jpg
Nghệ nhân Huyền Trà Xưa và gian hàng tại Triển lãm Nông nghiệp.

Với vai trò là hợp tác xã (HTX) cùng tham gia chương trình Hội chợ Làng nghề, nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền chia sẻ mong muốn được tiếp cận nhiều tệp khách hàng, qua đó bày tỏ niềm trân trọng đối với các chương trình xúc tiến thương mại nhằm tạo tiền đề để đa dạng hóa thêm sản phẩm, không chỉ sản phẩm chè truyền thống, chè xanh Thái Nguyên mà còn nghiên cứu mở rộng thêm đối với các sản phẩm chè đen (hồng trà), trà xanh túi lọc, trà xanh matcha,... để mọi tệp khách hàng đều có thể ghé thăm gian hàng, lựa chọn cho mình những sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh việc giới thiệu những sản phẩm đạt sao OCOP, dưới tư cách là một nghệ nhân văn hóa trà, chị Huyền nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà còn ở hình ảnh thương hiệu, đối với trà Việt thì đó là hồn cốt của dân tộc, là truyền thống văn hóa, là nét đẹp quý khách mến người, khách đến thì mời trà, dâng trà của người Việt Nam: “Chúng tôi hy vọng có thể mang văn hóa trà Việt gửi gắm vào trong ấm trà, trong chén trà để giới thiệu với khách hàng muôn phương. Điều này bắt đầu từ việc phá vỡ những định kiến như khách nước ngoài không yêu thích sản phẩm chè xanh, chè chát của Thái Nguyên. Bằng việc thổi hồn vào chén trà tưởng chừng như bình thường nhưng thực chất lại chứa đựng cả bầu văn hóa của người Việt, thông qua việc thể hiện các công đoạn pha trà, trình bày nguồn nguyên liệu, cách thức và kỹ năng cần thiết để có một ấm trà thơm nồng, đậm vị trước du khách quốc tế, làm khơi dậy sự tò mò, thích thú khám phá và trên hết để du khách có thể hình dung rõ nét hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua chén trà.”

Không chỉ đối với HTX chè Thịnh An, nhiều đơn vị, doanh nghiệp địa phương cũng hướng đến việc mở rộng thị trường mục tiêu ra quốc tế bằng việc xuất khẩu những sản phẩm nông sản và thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong thời gian tới, việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, không chỉ offline mà còn ở các nền tảng bán hàng online theo xu thế hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề Việt, góp phần giúp lộ trình tiếp cận khách hàng quốc tế được vươn xa.

5.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo trình diễn khắc tranh gỗ tại Hội chợ.

Với sứ mệnh lan tỏa các giá trị truyền thống của làng nghề Việt, Nghệ nhân Tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Hữu Đạo cho rằng việc bảo tồn, tôn vinh và lan tỏa các nghề truyền thống là việc cấp thiết trong thời đại hiện nay, cần có sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền để tổ chức các sự kiện thường niên như Hội chợ Làng nghề, hay với sự phối hợp của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành để tạo ra những tour làng nghề, những triển lãm quốc tế, tạo điều kiện cho các nghệ nhân được mang sản phẩm của mình đến quảng bá, giới thiệu không chỉ với khách trong nước mà còn cả khách nước ngoài, gây ấn tượng mạnh mẽ và vươn rộng tầm ảnh hưởng ra trường quốc tế.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024: Từ truyền thông đến toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO