Hội nghị “3 trong 1" về phát triển kinh tế Đông Nam bộ

Hải Anh| 22/11/2022 08:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Mục tiêu trở thành vùng phát triển năng động, Đông Nam bộ phải là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Khu vực Đông Nam bộ đóng vai trò quan trọng với kinh tế, xã hội cả nước

Ngày 26/11/2022, Hội nghị vùng Đông Nam bộ với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới” sẽ diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Hội nghị này, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được công bố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị.

Tại buổi họp báo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức để thông tin về Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưTrần Quốc Phương cho biết đây là Hội nghị “3 trong 1". Ngoài việc công bố chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, Hội nghị còn nhằm mục tiêu xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư, các hiệp hội trong nước, quốc tế quan tâm, tìm hiểu về khu vực Đông Nam bộ.

Vùng Đông Nam bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Không chỉ có những đóng góp lớn về kinh tế, xã hội trong vùng, khu vực Đông Nam bộ còn đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội của cả nước. Chính vì thế, Hội nghị sẽ đóng dấu một bước ngoặt quan trong cho khu vực Đông Nam bộ, phát huy hơn nữa những thế mạnh kinh tế của địa phương, để cùng với cả nước phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng Hội nghị sẽ là sự kiện mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất Đông Nam bộ, vốn là một vùng đất năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết quy mô tổng sản phẩm toàn vùng Đông Nam bộ Năm 2020 đạt gấp 4,9 lần so với năm 2005 và gấp 2,6 lần so với năm 2010. Đặc biệt, Đông Nam bộ là khu vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước. Các tỉnh Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và năng động, số lượng doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ cao nhất trong cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.

Đông Nam bộ giáp với Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, những vùng óc nguồn nguyên liệu dồi dào, thuận tiện trong phát triển công nghiệp chế biến, vì thế Đông Nam bộ có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp. Các tỉnh Đông Nam bộ đều có những mặt hàng nổi tiếng, đặc sắc như thủ phủ điều tại Bình Phước, cà phê tại Đồng Nai, cao su ở Bình Dương.... Tuy nhiên, Đông Nam bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế mà nếu được tháo gỡ, có quy hoạch sẽ giúp khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tháo gỡ khó khăn, thách thức cho vùng Đông Nam bộ

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Đông Nam bộ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực. Dù có nhiều thế mạnh và nguyên liệu dồi dào song tăng trưởng kinh tế nơi đây đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Những vưỡng mắc khiến công tác phát triển kinh tế của khu vực bị chậm lại có thể kể đến như mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu, yếu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Một số chương trình quy hoạch chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.

Nếu được khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, cơ hội để vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh mẽ sẽ đến, đặc biệt khi kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả nơi đây. Dư địa phát triển của Đông Nam bộ được cho là còn dồi dào.

Với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành khu vực phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mang lại động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW. Không chỉ vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khu vực Đông Nam bộ không thể thiếu các trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế. Quyết tâm đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, Đông Nam bộ sẽ là tiến hành mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.

Hội nghị “3 trong 1

Với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành khu vực phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mang lại động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Nghị quyết số 24-NQ/TW nhằm lấy lại sự năng động và tốc độ tăng trưởng cho vùng. Để đạt được các mục tiêu, Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng. Trong đó, công tác tuyên truyền được nhấn mạnh nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố và cả khu vực sẽ phải xác định cơ cấu phát triển, dựa vào các đặc điểm, thế mạnh sẵn có, đồng thời không thể thiếu nỗ lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.

Mục tiêu trở thành vùng phát triển năng động, Đông Nam bộ phải là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Các chiến lược phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, với quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ngoài các chủ để phát triển kinh tế xã hội tại Hội nghị, triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đông Nam bộ: Đột phá mới - Tầm cao mới” cũng sẽ được tổ chức. Trong hai ngày 25 và 26/11, các sản phẩm thế mạnh của Đông Nam bộ cũng sẽ được trưng bày. Hoạt động này nhằm khắc họa những thế mạnh của vùng Đông Nam bộ về dịch vụ, du lịch, công nghiệp của tỉnh, thành phố; đặc biệt là những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc trong vùng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị “3 trong 1" về phát triển kinh tế Đông Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO