Hội nghị tổng kết khối thông tin tuyên truyền năm 2020

BBT| 18/12/2020 17:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn, thách thức của đất nước gắn với những tác động từ đại dịch Covid-19, ngành thông tin và truyền thông, trong đó có các Cục chức năng thuộc khối thông tin tuyên truyền cũng phải nỗ lực vượt bậc để thích ứng, có những cách thức quản lý phù hợp tình hình mới, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Hội nghị tổng kết khối thông tin tuyên truyền năm 2020 - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Một năm nhiều khó khăn, thách thức

Báo cáo tổng kết lĩnh vực quản lý do lãnh đạo các Cục trình bày tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của khối thông tin – truyền thông gồm các Cục: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Thông tin cơ sở, Cục Xuất bản, in và Phát hành, diễn ra tại Hà Nội ngày 17/12/2020 cho thấy những bức tranh đầy khó khăn, thách thức của từng đơn vị.

Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho thấy khó khăn của các đài phát thanh, truyền hình trong điều kiện các doanh nghiệp phải chật vật vượt qua đại dịch Covid-19. Doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình trong năm 2020 đạt 7250 tỉ đồng, giảm 25% so với năm 2019. May mắn hơn, trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, doanh thu của 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đạt 8700 tỉ đồng, tăng nhẹ (1,1%) so với cùng kỳ. 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT xuyên biên giới, 21 doanh nghiệp trong nước có doanh thu 150 tỷ đồng/1,3 triệu thuê bao, tuy nhiên, đây là một con số chênh lệch khá xa so với doanh thu 800 tỷ đồng/1 triệu thuê bao của 5 doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này mà ưu thế đang nghiêng hẳn về các doanh nghiệp nước ngoài.

Về mảng thông tin điện tử, ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là một trong những ngành công nghiệp có doanh thu khả quan trong năm 2020 với 325 triệu USD. Trong khi đó, kết quả của các chính sách hỗ trợ mạng xã hội trong nước phát triển đã có những quả ngọt đầu tiên khi con số người dùng các mạng xã hội trong nước như Zalo đã đạt mốc 60 triệu người dùng, ngang ngửa với người dùng Facebook. Trong lĩnh vực này, tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cũng là vấn đề lớn mà Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phải có giải pháp xử lý, khắc phục.

Đấu tranh gỡ bỏ thông tin xấu độc, Fake News (tin giả) trên các mạng xuyên biên giới cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trong năm qua và Cục cũng đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác rà soát, ngăn chặn, chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook, Google để buộc hai nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian qua, 100% tin giả liên quan đến dịch Covid-19 đã được Facebook gỡ bỏ trên nền tảng này.

Về công tác xây dựng cơ chế chính sách, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã đóng góp hoặc chủ trì xây dựng các dự thảo nghị định trong lĩnh vực này như Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng,Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quảng cáo.

Trong khi đó, báo cáo của Cục Báo chí nhấn mạnh thành quả hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và việc xây dựng xong Thông tư thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT, trong đó làm rõ tính chất chuyên ngành của các tạp chí điện tử, nhằm hạn chế tình trạng báo hóa tạp chí.

Về thông tin đối ngoại, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng do việc hạn chế nhập cảnh vào Việt nam do Covid-19, nhưng Cục Thông tin đối ngoại đã nhanh chóng chuyển hướng và tổ chức được cho các đoàn phóng viên quốc tế đến làm phóng sự tại các tỉnh của Việt Nam cũng như tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền biển, đảo và công tác tuyên truyền về thành tựu, quyền con người, thúc đẩy tiến bộ, tạo sự đồng thuận xã hội và tín nhiệm quốc gia.

Đối với Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2020, Cục cũng đã “vượt khó” để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thành tựu nổi bật nhất là tổ chức thành công nhiều triển lãm sách trực tuyến, thu hút hàng trăm nghìn lượt truy cập và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Trong khi đó, Cục Thông tin cơ sở cũng tham mưu Bộ trưởng ban hành Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, thông tư là cơ sở pháp lý để các địa phương đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống truyền thanh ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Chuyển đổi số phải bắt nguồn từ truyền thông”

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ với các đơn vị những khó khăn trong công tác xây dựng chính sách trong lĩnh vực và nhấn mạnh: “Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin điện tử hiện nay là vấn đề khó do còn mang tính định tính nhiều, đồng thời gặp nhiều sự phản đối của nhiều phía. Nhưng những gì đã là nguyên tắc thì không thể nhân nhượng”.

Hội nghị tổng kết khối thông tin tuyên truyền năm 2020 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo Hội nghị (mic.gov.vn)

Thứ trưởng cũng cho rằng thành tích đạt được thời gian qua một phần do công tác phối hợp giữa các đơn vị trong khối và các đơn vị có liên quan đã tốt hơn, đồng thời, mặc dù công tác chỉ đạo, điều hành có những nét mới, tạo nhiều áp lực hơn nhưng các đơn vị đã dần dần thích nghi, đáp ứng yêu cầu của công việc.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu khối thông tin tuyên truyền cần tập trung xây dựng định hướng chiến lược cho lĩnh vực của mình trong giai đoạn 5 năm tới, đánh giá xu hướng mới, chọn khâu đột phá để triển khai gắn với chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ truyền thông, vì vậy ngành thông tin và truyền thông cần phải đi tiên phong với cách làm mới, mô hình mới, phương thức quản lý mới để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong năm 2021, công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên; các đơn vị cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan định hướng thông tin cho báo chí, rà quyét thông tin xấu độc trên mạng của các thế lực chống phá Đảng và Nhà nước.

Để phục vụ cho công tác chuyên môn, các đơn vị trong khối thông tin cần chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đẩy mạnh việc dùng chung cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao.



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị tổng kết khối thông tin tuyên truyền năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO