Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Hội thảo là sáng kiến được nhiều nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và tham gia đồng bảo trợ, gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ.
Với chủ đề "Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu", Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham dự của 100 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC, Văn phòng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên hợp quốc…. Đáng chú ý, Hội thảo có sự tham dự của diễn giả chính là đại diện Ban Tổ chức của Pháp về Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (Paris, tháng 12-2015).
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: Thiên tai ngày càng trở nên khắc nghiệt, là hệ quả của tác động khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động rõ rệt nhất hệ quả của tình trạng này. Thảm họa thiên tai không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh, phá hủy các nỗ lực phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, các bên liên quan tăng cường phối hợp chính sách, đẩy mạnh hợp tác và có những hành động quyết liệt nhằm xây dựng khả năng ứng phó của cộng đồng và phòng ngừa thiên tai hiệu quả hơn.
Hội thảo lần này có ý nghĩ hết sức thiết thực trong việc phòng chống biến đổi khí hậu. Đây là sáng kiến đầu tiên trong APEC về quản lý rủi ro thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Một trong những nội dung quan trọng mà hội thảo hướng đến là tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai. Trong đó, tập trung vào các biện pháp can thiệp sớm có sự tham gia của cộng đồng vào toàn bộ các giai đoạn từ phòng ngừa, giảm nhẹ đến phục hồi sau thiên tai.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động của thiên tai, do đó, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được triển khai sớm. Qua 5 năm triển khai đề án đã có 2 nghìn xã thực hiện. Theo đó, người dân, cán bộ, học sinh được đào tạo, tập huấn về đánh giá rủi ro thiên tai, lập kế hoạch phòng chống thiên tai để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tại hội thảo các đại biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc tìm kiếm những bài học thực tiễn, chính sách hữu ích để thực hiện hiệu quả công tác rủi ro thiên tai; đề xuất các biên pháp, chương trình hành động cụ thể; định hướng cho hành động và đóng góp của APEC đối với các nỗ lực trong khu vực và quốc tế.
Bà Tri Dewi Virgiyanti, chuyên gia quy hoạch vùng, Bộ kế hoạch và Phát triển Indonesia cho biết, đối với việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, quốc gia này đã xây dựng chương trình cụ thể và đang tiến hành thí điểm tại một số địa phương, đồng thời đưa vào kế hoạch phát triển trung hạn 2015-2019. Bên cạnh đó, triển khai lồng ghép chương trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu để đạt hiệu quả cao hơn.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 18 và 19-9 với bốn phiên họp toàn thể tập trung thảo luận về nâng cao năng lực cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các phương pháp tiếp cận tiên tiến trong đầu tư và công nghệ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các chủ thể xã hội, tăng cường quan hệ đối tác vì cộng đồng bền vững.
Hội thảo là một trong những hoạt động lớn của APEC mà nước ta tổ chức trong năm 2015, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và chuẩn bị cho việc nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 và các hoạt động APEC trong năm 2017. Hội thảo cũng là một trong 80 sáng kiến do nước ta đề xuất tại APEC, góp phần nâng cao tính thiết thực của hợp tác APEC, mang những kết quả hợp tác đi vào cuộc sống.