Hơn 650.000 người Việt được đào tạo kỹ năng số thông qua Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0

Anh Lê| 08/11/2021 20:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Qua 3 năm triển khai, chương trình đào tạo miễn phí kỹ năng số vì cộng đồng mang tên Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 đã đào tạo cho 650.000 người tại Việt Nam.


Hơn 650.000 người Việt được đào tạo kỹ năng số thông qua Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 - Ảnh 1.

Những học viên tham gia khóa học Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0.

Đây là thông tin nổi bật trong tổng kết hành trình triển khai chương trình đào tạo miễn phí kỹ năng số vì cộng đồng mang tên Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Đây là một sáng kiến do Google khởi xướng từ năm 2018 và hợp tác cùng Bộ Công thương với mục tiêu đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người Việt. Công ty Cổ phần RSVP là đơn vị được Google ủy quyền triển khai dự án vì cộng đồng này tại Việt Nam.

Tăng tốc chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa

Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 đang là một trong những chương trình, giải pháp nổi bật tại lĩnh vực "Chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn" trong hạng mục về Thu hẹp khoảng cách số của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021.

Cũng theo Google Việt Nam, chương trình Google - Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 là sáng kiến của Google và được bảo trợ bởi Bộ Công Thương. Đây là chương trình vì cộng đồng phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho tất cả mọi người có cơ hội tiếp cận với kiến thức nền tảng và các kỹ năng thực tế trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong việc kinh doanh, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hỗ trợ những cá nhân muốn khởi nghiệp vận dụng sáng tạo, thành công, hội nhập vào thời đại 4.0.

Để đạt được mục tiêu trên, RSVP đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Liên hiệp Phụ Nữ (VWU), Hội Sinh viên Việt Nam (VYU), Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) và nhiều đối tác khác để tiếp cận những nhu cầu, mong mỏi từ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoặc những cá nhân muốn bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của chính mình. Bên cạnh đó, Google đã đầu tư hỗ trợ đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh, cũng như khả năng giảng dạy tốt nhất.

Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 đặt ra sứ mệnh tạo ra nguồn nhân lực kỹ thuật số là bệ phóng cho một thế hệ doanh nhân thời đại số, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại tại Việt Nam.

Mang mục tiêu trao “Cơ hội học, phát triển và thành công" cho 500.000 người Việt Nam, chương trình chính thức được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 thông qua các chương trình đào tạo trực tiếp miễn phí kỹ năng số, kỹ năng mềm tại 4 trung tâm giảng dạy: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Từ tháng 7/2019, thông qua sự phối hợp hỗ trợ của Bộ Công thương, chương trình mở thêm các hình thức giảng dạy khác như: Chuyến xe công nghệ Digital Bus tổ chức các lớp học di động tại vùng sâu vùng xa, ra mắt ứng dụng Primer giúp trau dồi kiến thức ngay trên điện thoại di động, tổ chức các hội thảo chuyên đề như ‘Quảng bá du lịch sáng tạo với kỹ năng số’ phối hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM (7/2020), các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Từ tháng 4/2020, đáp ứng những yêu cầu mới trong tình hình đại dịch COVID-19, chương trình chuyển sang giảng dạy trực tuyến 100% thông qua kênh YouTube Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0.

Hơn 650.000 người Việt được đào tạo kỹ năng số thông qua Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 - Ảnh 2.

Trên chuyến xe công nghệ Digital Bus, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các chủ cửa hàng, các cá nhân khởi nghiệp và sinh viên tại Việt Nam được hướng dẫn ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh online. (Ảnh chụp trước khi bùng phát dịch COVID-19).

Cung cấp cơ hội kỹ thuật số cho mọi người

Tham gia chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0, các học viên được tiếp cận các nội dung kỹ năng kỹ thuật số đa dạng bao gồm Xây dựng một thương hiệu dễ nhớ, Xây dựng chiến lược truyền thông trên mạng xã hội, Làm thế nào để tạo một trang website đơn giản, Tăng cường độ phủ sóng của trang web và Kỹ năng dành cho Nữ lãnh đạo. Chương trình bao gồm những bài học được thiết kế bởi các chuyên gia trong ngành xoay quanh các nội dung như tiếp thị kỹ thuật số, thương mại điện tử, sự hiện diện trực tuyến và kỹ năng điều hành doanh nghiệp.

Trải qua hơn ba năm hoạt động, chương trình đã đạt đến con số 650.000 người được đào tạo trước thời hạn đặt ra, vượt 130% mục tiêu 500.000. Đó là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ thực hiện chương trình và sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức doanh nghiệp và nhiều trường đại học - cao đẳng trên cả nước.

Chương trình đã tạo ra những cơ hội chưa từng có cho mỗi cá nhân tham dự nói riêng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam nói chung.

“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cơ hội kỹ thuật số cho mọi người Việt Nam thông qua các khóa đào tạo miễn phí về kỹ năng kinh doanh và kỹ thuật số. Chúng tôi tin tưởng vào việc cung cấp một nền tảng giáo dục không chỉ hữu ích, mà còn dễ tiếp cận, để cho phép mọi cá nhân có cơ hội bình đẳng để học hỏi và phát triển.

Việt Nam đang có nhiều ưu thế để hưởng lợi từ cuộc cách mạng kỹ thuật số và Google cam kết hợp tác với Bộ Công Thương, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp và tài năng trẻ trong hành trình này” - bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch, phụ trách Đông Nam Á và Nam Á, Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là giải thưởng danh giá, tôn vinh các tổ chức được thành lập tại Việt Nam hoặc cá nhân là người Việt Nam có sự đổi mới, đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm hiện thực hoá khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam.

Đây là Giải thưởng thường niên và uy tín, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, VietTimes tổ chức thực hiện, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dự kiến Giải thưởng sẽ được trao vào trung tuần tháng 12/2021.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hơn 650.000 người Việt được đào tạo kỹ năng số thông qua Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO