Hơn 90% người có công hài lòng về việc chi trả chế độ qua Bưu điện

THH| 08/06/2018 17:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm mở rộng chi trả trợ cấp ưu đãi Người có công với cách mạng qua Bưu điện tại 06 địa phương (Quảng Nam, Đắk Nông, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai), đến nay hơn 90% người nhận đều hài lòng và đề nghị tiếp tục nhận trợ cấp ưu đãi qua hệ thống Bưu điện. Hiện nay, hàng tháng Bưu điện thực hiện chi trả hơn 170 tỉ đồng cho khoảng 115 nghìn đối tượng.

201868-u1.jpg

Toàn cảnh hội nghị sơ kết việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện

Chi trả qua Bưu điện: nhiều lợi ích thiết thực

Hiện nay, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng  được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã và cán bộ chi trả tại địa phương. Tuy nhiên, nhằm đổi mới công tác chi trả này với phương thức hiện đại hơn, từ tháng 8/2015 tỉnh Quảng Nam đã ứng dụng việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thông qua Bưu điện. Đến tháng 6/2017, việc thí điểm chi trả theo hình thức mới đã được triển khai tại 06 tỉnh: Quảng Nam, Đắk Nông, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Tại Hội nghị Sơ kết việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện diễn ra vào ngày 7/6, đại diện Lãnh đạo 06 Sở LĐ-TB&XH tại các địa phương trên đều có một nhận định chung là việc chi trả luôn đảm bảo đúng đối tượng, chi đủ số tiền, đúng thời gian quy định. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, chưa xảy ra tình trạng mất an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm.

Qua khảo sát của ngành LĐTB&XH, đánh giá mức độ hài lòng về việc chi trả qua hệ thống Bưu điện tại 05 địa phương (TP. Hồ Chí Minh chưa thực hiện khảo sát do mới triển khai) hơn 90% đối tượng thụ hưởng đều bày tỏ hài lòng về việc nhận chế độ chính sách theo phương thức mới qua hệ thống Bưu điện.

Theo ông Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, mô hình chi trả này là một bước đi mới, nó tách biệt việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng. Qua đó không chỉ góp phần giảm tải các phần việc cho cán bộ chi trả xã, phường mà còn tạo điều kiện để những cán bộ này giành nhiều thời gian hơn để tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, hướng dẫn chế độ chính sách. Đặc biệt, việc chi trả qua hệ thống Bưu điện cũng góp phần minh bạch, tránh được những tiêu tiêu cực có thể xảy ra.

Ứng dụng CNTT trong chi trả chế độ cho người có công

Hiện nay việc chi trả chế độ cho người có công tại các địa phương đang được thực hiện toàn bộ trên phần mềm quản lý và chi trả các chế độ trợ cấp ưu đãi người có công. Qua đó giúp cho các đơn vị quản lý nắm bắt kịp thời về số người hưởng đã lĩnh tiền, thời gian lĩnh; số người chưa lĩnh, số tiền phải nộp về cuối ngày... Đặc biệt, hệ thống phần mềm còn hỗ trợ nhận dạng người nhận tiền qua ảnh chụp được lưu trên hệ thống. Nhờ đó, khi người thụ hưởng đến các điểm chi trả để lĩnh tiền không cần mang giấy tờ tùy thân, nhân viên chi trả có thể nhận diện người thụ hưởng qua phần mềm.

Theo đại diện của Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chi trả chế độ, việc kiểm tra giấy tờ, thông tin sẽ khiến người hưởng phải chờ lâu hơn, do đó tiến độ chi trả cũng sẽ chậm hơn. Phần mềm chi trả hiện nay không chỉ hỗ trợ tìm kiếm người hưởng bằng mã vạch, nhận dạng người hưởng và người uỷ quyền qua ảnh, lưu trữ thông tin và lịch sử nhận tiền của người hưởng. Do đó, cơ quan quản lý có thể xem kết quả, thống kê số liệu chi trả trên hệ thống để có các giải pháp quản lý kịp thời.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, hiện nay, tại một số địa phương Bưu điện đang thực hiện chi trả đồng thời các chính sách an sinh xã hội như: chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội thông qua giải pháp chi trả qua thẻ lĩnh tiền điện tử (Emoney). Đặc biệt, hệ thống thanh toán này dự kiến sẽ được tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội mà Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng theo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội. Triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công qua hệ thống Bưu điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất về người hưởng các chính sách an sinh xã hội, giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước dễ dàng quản lý được việc thực hiện chi trả các chính sách cũng như sự biến động thông tin của người hưởng.

Sẽ mở rộng địa bàn chi trả chế độ cho người có công

Theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện, nếu tính bình quân thời gian chi trả là 5 phút/1 đối tượng, thời gian nhận tiền, chuẩn bị tiền và thực hiện các chứng từ thanh quyết toán là 16h/1 xã phường (02 ngày làm việc), thì với việc thực hiện chi trả qua Bưu điện, hàng tháng tại 6 địa phương đang triển khai thí điểm sẽ tiết kiệm được hơn 2.500 ngày công (tương đương 120 lao động) phục vụ cho công tác chi trả tại xã,  phường. Tính rộng ra trên cả nước, hàng năm sẽ tiết kiệm được hàng trăm nghìn ngày công, với hàng nghìn lao động phục vụ cho công tác chi trả tại các xã, phường.

Từ thành công của việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trên mạng lưới như chi trả lương hưu và các chế độ BHXH, chi trả trợ cấp xã hội, thu thuế... cùng hệ thống công nghệ thông tin với các phần mềm chi trả, quản lý người được hưởng ưu việt, quy trình chi trả trợ cấp được thực hiện nhanh gọn, đúng đối tượng. Tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện, đa số các ý kiến đều đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với các mạng. Đồng thời tích hợp việc chi trả các chế độ vào cùng một lần để các đối tượng được hưởng cùng lúc các chế độ trợ cấp hàng tháng.

Đánh giá cao kết quả triển khai thí điểm trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, việc chi trả trợ cấp người có công qua Bưu điện là việc cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch cũng như hướng tới hiện đại hóa trong việc chi trả, quản lý người có công. Theo đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, đánh giá kỹ mô hình chi trả này để tiến tới mở rộng địa bàn triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên cần đảm bảo thận trọng, người hưởng được phục vụ tốt hơn, công tác chi trả đảm bảo an toàn, tách bạch công tác quản lý và chi trả tạo sự minh bạch.

Được biết, hiện đang có gần 20 Sở LĐTB&XH và Bưu điện tỉnh đã có chủ trương thống nhất về việc triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như: Hưng Yên, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Long An, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Thanh Hóa, An Giang, Bắc Ninh... Nếu được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận, dự kiến việc các địa phương này sẽ triển khai việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công theo phương thức mới ngay trong quý III/2018.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • "Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ"
    Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
  • 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Những truyền thống vẻ vang
    Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và chuyển đổi số
    Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí luôn phải mang đến công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Dù trong bối cảnh phát triển nào thì các loại hình báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng là phương tiện truyền thông chủ lực, thiết yếu dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
  • Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
    Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
  • Cảnh báo lợi dụng hình thức "xe ôm công nghệ" để lừa đảo
    Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng do các đối tác tài xế xe công nghệ thực hiện.
Đừng bỏ lỡ
Hơn 90% người có công hài lòng về việc chi trả chế độ qua Bưu điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO