WIPO vừa cho biết “đại gia” viễn thông Trung Quốc Huawei dẫn đầu châu Á khi chiếm hơn một nửa số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế quốc tế năm 2018 tại tổ chức này.
Mặc dù đang chịu các sức ép kể từ khi gặp phải các lệnh cấm của các nước tham gia xây dựng mạng 5G do lo ngại an ninh quốc gia, Huawei đã nộp 5.405 hồ sơ đăng ký bằng sáng chế cho WIPO, cơ quan Liên Hợp Quốc, trong năm 2018 tăng từ 4.024 hồ sơ trong năm 2017.
WIPO giám sát các điều ước quốc tế về quản lý các bằng sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. “Số lượng hồ sơ nộp xin cấp bằng sáng chế là một kỷ lục so với bất kỳ tổ chức nào”, Giám đốc điều hành của WIPO, ông Francis Gurry cho biết trong một cuộc họp báo.
Các hồ sơ tại châu Á chiếm 50,5% tổng số hồ sơ WIPO nhận được. "Trong lịch sử, điều này thực sự khá phi thường, một kết quả thực sự ấn tượng", Giám đốc điều hành Gurry nhấn mạnh.
Công ty nộp hồ sơ đăng ký bản quyền lớn thứ hai trong hệ thống bằng sáng chế quốc tế WIPO năm 2018 là Mitsubishi Electric với 2.812 hồ sơ, tiếp theo là Intel với 2.499 hồ sơ.
Mặc dù các nhà phát minh ở Hoa Kỳ đã nộp đơn nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhưng Trung Quốc dường như sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong năm nay hoặc năm tới với một sự gia tăng nhanh chóng trong 1/4 thế kỷ qua. Chỉ nộp một hồ sơ xin cấp bằng sáng chế trong hệ thống WIPO vào năm 1993, các hồ sơ của Trung Quốc vượt Nhật Bản vào năm 2017 và tăng thêm 9,1% lên 53.345 hồ sơ vào năm 2018, trong khi số lượng hồ sơ tại Hoa Kỳ giảm 0,9% xuống còn 56.142 hồ sơ.
Châu Á chiếm 6 trong số 8 công ty hàng đầu về nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, trong đó có Tập đoàn Công nghệ Trung Quốc ZTE, Tập đoàn công nghệ BOE, Tập đoàn Điện tử Hàn Quốc Samsung và LG Electronics.
Trung Quốc cũng đã tăng thứ hạng về cơ sở đào tạo học thuật, với bốn trường đại học lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 trường đại học hàng đầu về học thuật.
Trong khi Đại học California vẫn dẫn đầu trong số các tổ chức giáo dục, với 501 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế vào năm 2018 và Viện Công nghệ Massachusetts đứng thứ hai, Đại học Thâm Quyến và Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc đã tăng hạng lên vị trí thứ 3 và thứ 4, chỉ sau Harvard.
Gurry cho biết các trường đại học Trung Quốc được hưởng lợi từ sự tập trung mạnh mẽ vào đổi mới và thương mại hóa nghiên cứu cơ bản, cũng như tiếp cận nguồn ngân sách nghiên cứu và phát triển quốc gia lớn thứ hai thế giới.
Ông cho biết Trung Quốc đã đưa ra một luật tương đương với Đạo luật Bayh-Dole của Hoa Kỳ, đảm bảo rằng các bằng sáng chế của nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng, có thể có tác động tới thái độ của các trường đại học Trung Quốc đối với việc thương mại hóa nghiên cứu của họ.
Báo cáo WIPO giới thiệu các hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, nhãn hiệu và thiết kế mà chủ sở hữu của họ cảm thấy đủ giá trị để bảo vệ và quảng bá ở thị trường nước ngoài. Một báo cáo khác của WIPO, được phát hành vào tháng 12 bao gồm hàng triệu hồ sơ đăng ký bảo vệ quốc tế (International Protection) mà các hồ sơ chưa bao giờ nộp ở nước ngoài.