Internet Việt Nam lớn hơn, an toàn hơn và phẳng hơn
Internet đang trở thành là yếu tố thiết yếu, tích hợp vào mọi mặt đời sống xã hội, trở thành hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong báo cáo về những kết quả hoạt động, sử dụng Internet cũng như những tài nguyên của Internet Việt Nam năm 2024 do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT vừa công bố, những thành tựu nổi bật, tích cực được ghi nhận. Và đó chính là sự phát triển không ngừng về cơ sở hạ tầng, tốc độ, bảo mật và khả năng đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Giảm số lượng các sự cố, tăng tính an toàn mạng
Theo báo cáo, sau hơn 27 năm kết nối Internet toàn cầu của Việt Nam (năm 1997), đến nay con số tăng tưởng đạt được lên đến 1.148 mạng, có IP và ASN độc lập đã được kết nối ổn định với nhau.
Hơn nữa, các công nghệ mới (IPv6, 5G/6G, IoT, AI, IDC/Cloud, SDN/NFV, Blockchain ...) đang được ứng dụng mạnh mẽ tại Việt Nam và Việt Nam đã chủ động chuyển dịch sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Nhất là các tiêu chuẩn mới cho IPv6, IPv6 only đã được hoàn thiện, đảm bảo các yếu tố của hạ tầng Internet, hạ tầng số, các dịch vụ số mang lại nhiều giá trị mới cho người sử dụng.
Bên cạnh những khái quát quan trọng được nêu trên, báo cáo của VNNIC còn nhấn mạnh đến việc Việt Nam đã chủ động xây dựng, hành động chiến lược phát triển và chương trình hành động thiết thực, đi đầu trong chuyển đổi Internet sang thế hệ mới IPv6.
“Tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam đạt 65.5%, đứng thứ hai ASEAN và top 7 quốc gia cao nhất toàn cầu (tăng 2 bậc so với năm 2023), vượt chỉ tiêu năm (65%). Tổng số mạng ASN độc lập là 864, số mạng sử dụng IP độc lập đạt 1.148, vượt chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025”, báo cáo nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc phát triển tên miền quốc gia “.vn” trở thành thương hiệu quốc gia tiếp tục là mục tiêu chiến lược của VNNIC, bám sát định hướng của Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Năm 2024 kỷ niệm 30 năm tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” hiện diện chính thức, thể hiện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Số lượng tên miền “.vn” đạt ~630.000, thứ hai ASEAN, thứ 10 châu Á - Thái Bình Dương, hạng 40 toàn cầu (tăng sáu bậc so với năm 2020).
Đáng chú ý nữa, việc thực hiện Chương trình phổ cập tên miền quốc gia Việt Nam”.vn” năm 2024, theo Quyết định số 826/QĐ-BTTTT ngày 21/5/2024 của Bộ TT&TT, VNNIC phối hợp với 63 Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng loạt triển khai thúc đẩy tên miền “.vn” tại địa phương, kết hợp với các cơ sở đoàn thanh niên trên toàn quốc thực hiện.
Cụ thể hơn cho điều này, kết quả đến hết tháng 11/2024, Việt Nam có khoảng 60.000 tên miền thuộc không gian tên miền mới như “id.vn”, “io.vn”, “ai.vn”, “biz.vn” được đăng ký và sử dụng, phản ánh sự chuyển mình tích cực của cộng đồng, hướng tới việc tận dụng tối đa giá trị của tên miền quốc gia “.vn” trong môi trường số.
Cũng ấn tượng như yếu tố tên miền, ở lĩnh vực về hạ tầng lõi Internet của Việt Nam đã hoạt động ổn định với hiệu suất SLA (Service Level Agreement) đạt trên 99,99%. Khoảng 845/1.148 thành viên địa chỉ IP của VNNIC tham gia ký số tài nguyên ROA/RPKI với tỷ lệ triển khai trung bình là 96,4%, cao hơn đáng kể so với toàn cầu (48%) và châu Á (53%).
Việt Nam đã chủ động sử dụng hiệu quả công nghệ RPKI, giúp giảm số lượng sự cố về an toàn định tuyến năm 2024 tại Việt Nam xuống 73% so với năm trước đó. Ngoài ra, hệ thống DNS ROOT được triển khai trong nước đã giúp tăng tốc truy vấn tên miền lên tới 5 lần.
Đến năm 2025 tối thiểu đạt 1 triệu tên miền “.vn"
Bên cạnh những kết quả nêu trên, để đảm bảo tạo ra nhiều hơn những kết quả tích cực trong thời gian tới, báo cáo của VNNIC đã nhấn mạnh đến việc Việt Nam cần tập trung phát triển tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, đảm bảo là thương hiệu Việt Nam trên Internet.
Đồng thời, cần thúc đẩy sử dụng tên miền “.vn” và các dịch vụ số website/email/hosting theo hướng được phổ cập tên miền quốc gia “.vn”, vì làm tốt điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu đạt một triệu tên miền“.vn”.
Và năm 2025 Việt Nam cần xác định đây là năm cuối cùng để thực hiện 3 bước cuối trong 3 Giai đoạn - 10 bước chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước (CQNN). Đối với CQNN, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng số kết hợp với tái cấu trúc hạ tầng mạng theo hướng hiện đại, an toàn từ gốc, phục vụ phát triển lâu dài hoạt động mạng, dịch vụ của CQNN.
Đặc biệt, trong giai đoạn tới, Việt Nam thực hiện giai đoạn chuyển đổi IPv6 only, tiến tới ngừng sử dụng IPv4, sẵn sàng cho giai đoạn Internet vạn vật (IoT). Chuyển đổi IPv6 only gắn với việc đổi mới về công nghệ, tạo ra các giá trị mới, đột phá, ngừng sử dụng IPv4 sẽ diễn ra dần dần, đồng bộ với thế giới, ngừng sử dụng IPv4 từng phần hướng tới chỉ sử dụng IPv6 only.
Việt Nam cần tập trung đảm bảo phát triển các hạ tầng Internet quan trọng quốc gia (VNIX, DNS), có chất lượng, an toàn kết nối, mở rộng kết nối thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng (peering), kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.
“Tích cực tham gia kết nối quốc tế, với các trạm trung chuyển Internet khu vực và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm dữ liệu khu vực. Hệ thống DNS quốc gia bảo đảm khả năng hoạt động ổn định, liên tục cho tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, ứng dụng công nghệ mới như DNSSEC, IPv6,…”, theo VNNIC.
Như vậy có thể nói, với những kết quả cùng những đề xuất trên, báo cáo của VNNIC chính là một nguồn thông tin quan trọng, hữu ích để các nhà quản lý, doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia tham khảo, từ đó tận dụng tối đa các hiệu quả tài nguyên Internet Việt Nam, từ đó, phát triển Internet "lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn", nâng cao thứ hạng trong khu vực, quốc tế.
Và điều quan trọng được gửi gắm, hiện hữu trong báo cáo này chính là để sẵn sàng cho tương lai an toàn, bền vững của Internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt các công nghệ của tương lai, khai phá các thị trường dịch vụ mới để từ đó luôn chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động ổn định, phát triển bền vững./.