Sản phẩm chè được chọn làm quà tặng APEC 2017
Trong buổi chiều cuối tuần nắng đẹp tại Thái Nguyên, tôi đã được gặp chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tuyết Hương chia sẻ câu chuyện sản phẩm chè tôm nõn của HTX đã được chọn làm quà tặng tại Tuần lễ cấp APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Sau sự kiện đó, sản phẩm chè của HTX càng được lan toả nhiều hơn, nhất là trong 2 năm gần đây sản phẩm được giới thiệu trên sàn TMĐT Postmart.vn, voso.vn.
Chị Tuyết nhớ lại năm đó, với khoảng mươi gói chè tôm nõn nhỏ xinh xắn đóng trong hộp đựng được làm tỉ mỉ, công phu, sản phẩm chè của HTX chè Tuyết Hương và HTX chè La Bằng đã vượt qua 2 vòng tuyển chọn để làm quà tặng cho APEC 2017.
"Trong nhiều sản phẩm đặc sắc của các vùng miền cả nước như sản phẩm mây tre đan, lụa tơ tằm, đồ đồng, bạc, tranh đá… hai sản phẩm chè từ vùng đất Thái Nguyên đã được chọn trở thành một trong quà tặng cho APEC 2017. Đây thật sự là một bất ngờ và vinh dự", chị Tuyết chia sẻ.
"Sản phẩm của chúng tôi phải vượt qua vòng lựa chọn của Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, ở cấp quốc gia, các sản phẩm của cả nước được trưng bày trong một căn phòng rộng để được nhiều người xem xét, đánh giá. Các sản phẩm phải trải qua hai vòng đánh giá. Vòng đầu tiên một phần nào đó được đánh giá theo cảm quan. Vòng hai được đánh giá kín. Và rồi hai sản phẩm chè Thái Nguyên được chọn. Sản phẩm chè tôm nõn của chúng tôi được chọn có lẽ xuất phát là đặc sản mang nét đặc trưng của Việt Nam, đặc sản từ vùng đất chè tứ đại danh trà Thái Nguyên đã rất nổi tiếng, rất gần gũi với đời sống. Thêm nữa, chiếc hộp đựng những gói chè được chúng tôi làm hoàn toàn thủ công, tinh xảo bằng tre Việt Nam, thân thiện môi trường", chị Tuyết cảm xúc nhớ lại và chia sẻ.
Sau khi được vinh dự làm quà tặng APEC và sau đó tham gia sàn TMĐT từ vài năm trước, sản phẩm chè của HTX đã được lan toả rộng rãi so với trước đây. Giờ đây, vùng trồng chè còn được quản lý chặt chẽ, nhà xưởng cũng được theo dõi bằng camera. Cây chè được tưới tiêu tự động. Sản phẩm chè đã có tem truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là sự hỗ trợ vận chuyển của bưu điện trên dưới 20 tấn/năm, thời gian giao hàng cho khách đúng thời hạn kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID vừa qua, chị Tuyết cho biết HTX nay hoàn toàn yên tâm vào sản xuất.
Chị mong muốn các sàn TMĐT chuyên nông sản Việt của Bưu điện, Viettel Post tiếp tục thúc đẩy, quảng bá rộng rãi các hộ SXNN trên sàn bằng cách tạo gian hàng số trên sàn TMĐT độc đáo, bắt mắt và hấp dẫn hơn nữa.
Tâm huyết gửi vào từng búp chè
Gặp chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái Sinh vào một buổi sớm mai cuối tuần trong không gian thơm phức của mùi chè và cách đó vài mét là những cây chè xanh mướt có đến cả mấy chục năm tuổi, chị cho biết HTX của chị lấy tên Tâm Trà Thái Sinh là mong muốn thể hiện tâm huyết của người làm chè gửi vào búp chè, nõn chè.
"Làm chè là phải làm bằng cái tâm, từ đó tác động đến chất lượng của chè, gửi đi tấm lòng của người trồng chè vào từng búp chè đến ấm chè được pha và được thưởng thức", chị bày tỏ.
Tiếp câu chuyện sản xuất chè, chị chia sẻ thêm HTX chè Tuyết Hương từ 8 người sáng lập nhiều năm trước, nay có thêm có 29 hộ liên kết sản xuất. Hai năm nay, HTX thay đổi ngoạn mục. Sản phẩm chè của HTX được Bưu điện, Viettel Post đưa lên sàn TMĐT, được hỗ trợ nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi về, chốt đơn, rồi được hỗ trợ cả vận chuyển, giao hàng. HTX chỉ phải tập trung sản xuất, đóng gói chè theo đơn. Bên cạnh đó, HTX cũng được hỗ trợ quay video giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên fanpage.
"Chè hay bất cứ nông sản nào không thể đi giới thiệu từng người một, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT sẽ nhanh chóng lan toả rộng rãi hơn. HTX đã có những đơn hàng từ Đức, Australia… và trong dịch bệnh, các sản phẩm chè vẫn được bán chạy".
Vẫn say sưa về chè, chị Tuyết cho biết chè Thái Nguyên ngon, nổi tiếng bởi vùng đất Thái Nguyên nằm ở vị trí nhiều đồi núi thấp, gọi là vùng trung du nửa đồng nửa núi. Chất đất và thổ nhưỡng, khí hậu, độ bức xạ nhiệt của Thái Nguyên rất thích hợp cho cây chè. Đất chè Thái Nguyên có nhiều dinh dưỡng.
Ngoài ra, chè Thái Nguyên ngon nhất còn nhờ dòng nước mát. Thái Nguyên có nguồn nước tưới đặc biệt tốt nhờ nguồn nước của sông Công, sông Cầu. Nước ngấm và chảy lâu đời trong chất đất của các đồi chè, bởi vậy khi chè Thái Nguyên được tưới và pha bằng nguồn nước tốt, nước chè thường xanh và lâu chuyển màu.
Giảm đáng kể chi phí sản xuất
Chia sẻ câu chuyện sản xuất chè của HTX chè Khe Cốc, Giám đốc Tô Văn Khiêm cho biết cuối năm 2019, sau khi HTX mới được thành lập 1 năm đã có hợp đồng xuất khẩu chè sang Ba Lan, nhưng do dịch COVID nên bị lùi lại. Trong thời gian này, HTX đã chuyển đổi 40 ha sản xuất Vietgap sang trà hữu cơ và nhận được các hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước. HTX có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 10 sản phẩm OCOP 3 sao và mong muốn xây dựng được không gian văn hoá chè, có nhà xưởng hiện đại và đáp ứng xuất khẩu.
Qua chương trình kết nối giao thương đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, đặc biệt là sàn Postmart và Vỏ sò và livestream, HTX đã được kết nối với khách hàng trong và ngoài nước, đảm bảo các sản phẩm đều là các tiêu chí an toàn thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, việc phân phối bán hàng được giảm đi đáng kể. Ví dụ, HTX muốn giới thiệu một sản phẩm ở Hà Nội thì sản phẩm phải cộng thêm 28% - 35% chi phí nhưng trên sàn giao dịch TMĐT, chi phí giảm ít nhất được 30%.
"Đây là điểm lợi nhất để sản phẩm, đáp ứng giá thành hợp lý, giúp HTX có sức cạnh tranh tốt hơn", Giám đốc HTX chè Khe Cốc cho biết.
Tích cực hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm chè
Theo Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, là nông sản có lợi thế đặc biệt và nổi tiếng của tỉnh, chè Thái Nguyên dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng chè. Tổng diện tích chè hiện có trên địa bàn toàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 ước đạt 22.447,7 ha; sản lượng chè búp tươi bình quân năm 2021 ước đạt 251,9 nghìn tấn; sản lượng chè qua chế biến các loại đạt khoảng 48,9 nghìn tấn. Hiện đã có trên 80% HTX, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Toàn tỉnhcó 6.813 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn chiếm 34,5% tổng diện tích chè cho sản phẩm.
Là một trong những đơn vị hỗ trợ cho hộ SXNN lên sàn TMĐT tại Thái Nguyên, bà Nguyễn Thuý Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cho biết sản phẩm tiêu biểu được đón nhận trên sàn TMĐT nhiều nhất là chè Thái Nguyên. Đây là sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trong tương lai, đối với kế hoạch của tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh sản xuất chè, là một trong những nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên để lên sàn TMĐT. Đồng thời, với mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước, Bưu điện còn tiếp tục phối hợp với Công ty logistics của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để hỗ trợ bà con tìm đầu ra cho thị trường xuất khẩu./.