Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Ảnh: thads.moj.gov.vn
Thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng hơn 8.319 tỷ đồng
Có thể nói, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án đạt kết quả thể hiện trên nhiều nội dung về: Chỉ đạo điều hành; hoàn thiện thể chế.
Đáng chú ý về thi hành án nói chung và THADS nói riêng, kết quả 10 tháng năm 2022, cơ quan chức năng đã thi hành xong 399.076 việc, đạt tỉ lệ 68,20%, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2021. Số việc chuyển kỳ sau là 374.148 việc. Đồng thời, thụ lý mới 118.894 tỷ 920 triệu đồng (tăng 27.076 tỷ 301 triệu đồng so với cùng kỳ); năm 2021 chuyển sang 234.590 tỷ 884 triệu đồng. Tổng số phải thi hành là 333.617 tỷ 559 triệu đồng. Đã thi hành xong 58.824 tỷ 250 triệu đồng, đạt tỉ lệ 31,18%; tăng 5,93% về tỉ lệ và tăng 20.156 tỷ 281 triệu đồng so với cùng kỳ 2021.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, trong thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, Kết luận số 05-KL/TW, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương, nhận thức và hành động của các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, và người dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt.
Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy đã tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bộ Công an đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong toả tài sản, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản ngay từ giai đoạn điều tra. Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Tổ công tác giải quyết việc THADS trong Quân đội đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện BCĐTW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra; chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục duy trì Tổ công tác của Tổng cục THADS tại phía Nam (đặt trọng tâm theo dõi, hỗ trợ, đôn đốc việc thi hành án liên quan đến án tham nhũng, kinh tế).
Thực tế, định kỳ hàng tháng, Bộ Tư pháp kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương kết quả thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế và tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện BCĐTW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành trung ương, Ban chỉ đạo THADS các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...) đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.
Theo đánh giá chung, qua 10 tháng năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Tư pháp, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống THADS, công tác THADS về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được 13 giao. Đặc biệt, kết quả thi hành xong về tiền đã đạt hơn 58.824 tỷ đồng (đạt 31,18%), tăng hơn 20.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 17.269 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng là hơn 10.327 tỷ đồng, tăng hơn 8.319 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021).
Bên cạnh các kết quả về số vụ và số tiền, tổ chức bộ máy các cơ quan THADS không ngừng được củng cố, kiện toàn; công tác quán triệt, chỉ đạo, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với độ ngũ công chức, Chấp hành viên được các cấp đặc biệt chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công tác phòng ngừa vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả THADS; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của hệ thống THADS từng bước được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Việc thi hành thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến kết quả chung; số các vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều; vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công tác ra quyết định thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án; phân loại án; xử lý tài sản thi hành án...
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thi hành án
Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới được Chính phủ xác định, tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS. Đồng thời, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" khi được ban hành.
Bên cạnh việc kịp thời nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THADS, các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện BCĐTW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian, đúng quy định của pháp luật.
Song song đó, tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện, thi hành án lớn, phức tạp, kéo dài nhằm phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xem xét xử lý theo quy định. Chủ động phối hợp với TAND tối cao, Viện KSND tối cao để nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện. Chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính đảm bảo chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; khi phát sinh khiếu kiện hành chính, chủ động giải quyết, tăng cường đối thoại để giải quyết vụ việc…./.