Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị
Nội dung các tham luận của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hoạt động trên lĩnh vực CNTT trình bày tại Hội nghị cho thấy: Ngành công nghiệp CNTT Việt Nam hiện đang thu hút hơn 400.000 lao động có trình độ phù hợp với các chuẩn quốc tế, trong đó công nghiệp phần mềm được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng, được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này có khoảng 4.000, trong đó khoảng 200 công ty phần mềm quy mô từ 150-200 lao động, 10 doanh nghiệp có xấp xỉ hoặc hơn 1.000 người, tiêu biểu là các công ty FPT Software, FPT Information System, CMC, TMA, CSC, Tinh Vân, Microtec… Nhiều doanh nghiệp đạt chứng chỉ về quy trình quản lý chất lượng sản xuất phần mềm quốc tế CMMI, một số đạt chứng chỉ cao nhất mức CMMI-5.
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế xếp hạng 10 trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Hiện Việt Nam đã có quy hoạch và hình thành các khu CNTT tập trung với chính sách ưu đãi cụ thể, hỗ trợ các địa phương hình thành chuỗi khu CNTT tập trung hoạt động hiệu quả. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ phần mềm, nội dung số được hưởng ưu đãi thuế với mức hấp dẫn nhất. Riêng Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua dự án Luật An toàn thông tin, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng đảm bảo an toàn thông tin và hình thành thị trường sản phẩm, dịch vụ CNTT trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chúc mừng các doanh nghiệp nhân Ngày CNTT Việt Nam - Nhật Bản năm 2015 và cho biết, Bộ TT&TT luôn xác định hợp tác với các đối tác Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam cùng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT-TT và đang đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong lĩnh vực phần mềm, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Theo báo cáo của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi gia công xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Ngày CNTT Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức lần đầu năm 2007 đến nay đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, là cơ hội để hai bên giao lưu hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành CNTT hai nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, nhân dịp này, các doanh nghiệp, các nhà quản lý và chuyên gia cần trao đổi, thảo luận kỹ về các cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức và các giải pháp cần thiết để vượt qua trong bối cảnh mới, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thông qua mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên, nhằm đạt được tầm cao mới trong sự hợp tác giữa cộng đồng CNTT của hai quốc gia./.
Hữu Vinh
Cục Công tác phía Nam