Chuyển động ICT

Khai thác sức mạnh công nghệ, DN có thể thay đổi, mang lại lợi nhuận theo cấp số nhân

Anh Minh 09:48 27/01/2024

Tận dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố nền tảng để phát triển mạnh mẽ, mở rộng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 26/1/2024, Trung tâm ĐMST Quốc gia Việt Nam (NIC), đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), phối hợp với Siemens đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ để tăng tốc ĐMST và chinh phục thị trường toàn cầu” tại Hà Nội. Hội thảo nhằm thúc đẩy tinh thần ĐMST và tư duy toàn cầu của các DN Việt Nam, chia sẻ các xu hướng công nghệ số, tạo tiền đề cho việc kết nối và mở rộng quan hệ hợp tác.

Vượt qua thách thức để Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST và công nghệ mới của khu vực

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái ĐMST năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Trong những năm vừa qua, hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển hết sức tích cực.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần vượt qua những thách thức nhất định để thực sự trở thành một trung tâm ĐMST và công nghệ mới của khu vực. Theo Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) công bố vào tháng 10/2023, Việt Nam xếp vị trí 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Chỉ số của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của các thành phố của Việt Nam như Hà Nội và TP. HCM đã có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới và được đánh giá là một trong những quốc gia khởi nghiệp tốt nhất Đông Nam Á.

Ứng dụng KHCN đã thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tiêu biểu như trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất. Tận dụng những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy mạnh mẽ KHCN và ĐMST là yếu tố nền tảng, giải pháp có tính căn cơ để ngành công nghiệp thực hiện tái cơ cấu, cũng như phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 - 2030 đồng thời mở rộng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

1706281467133.jpg
Ông Vũ Quốc Huy: bất chấp những khó khăn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết bất chấp những khó khăn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần ĐMST và bản lĩnh của DN.

“Thời gian qua, NIC đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, trong đó bao gồm các lĩnh vực như nhà máy thông minh, công nghiệp bán dẫn, năng lượng Hydrogen xanh”, ông Vũ Quốc Huy nói.

Nhu cầu của thị trường và khách hàng đang thay đổi nhanh chóng

Các nhà lãnh đạo công nghệ đang sử dụng các công cụ đổi mới để đẩy nhanh quá trình CĐS và đạt được lợi thế cạnh tranh. Việc kết hợp hoặc chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, giúp các tổ chức tạo ra sản phẩm tốt hơn một cách nhanh chóng hơn.

Khi nhu cầu của thị trường và khách hàng thay đổi nhanh chóng, các DN phải tận dụng CĐS để duy trì tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn. Và theo ông Bob Jones, Phó Chủ tịch Điều hành, Bộ phận Kinh doanh Toàn cầu của Siemens, CĐS thành công bắt nguồn từ chiến lược của công ty.

Lãnh đạo Siemens cho biết công nghệ tiên tiến với định hướng toàn diện mới mang lại khả năng mở rộng, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận, trở thành một thành phần quan trọng cho sự tăng trưởng và đổi mới.

Các DN không ngừng tìm cách tăng tốc phát triển đồng thời duy trì hoặc cải thiện chất lượng. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ, các tổ chức có thể thực hiện những thay đổi đáng kể mang lại lợi nhuận theo cấp số nhân.

“Thế giới đang thay đổi và những kỳ vọng của khách hàng cũng thay đổi. Theo dự đoán của Statista, chi tiêu trên toàn thế giới cho CĐS dự kiến ​​sẽ đạt 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Theo Gartner, 91% DN tham gia vào một số hình thức sáng kiến ​​​​số và 87% lãnh đạo DN cấp cao cho rằng số hóa là một ưu tiên”, ông Bob Jones cho biết.

Sau 3 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, Siemens đã tham gia tích cực trong quá trình Việt Nam thực hiện CĐS và nắm bắt cơ hội từ cuộc CMCN 4.0. Các giải pháp ĐMST, CĐS của Siemens giúp công tác quản trị, vận hành trong lĩnh vực công nghiệp, nhà máy thông minh, thành phố thông minh, năng lượng tại Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.

1706281466955.jpg
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa NIC và Công ty Phần mềm Công nghiệp Siemens

Hội thảo đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa NIC và Công ty Phần mềm Công nghiệp Siemens, với những nội dung hợp tác thiết thực như Siemens tài trợ 100 bản quyền phần mềm thiết kế, gia công, mô phỏng cơ khí cho đào tạo về nhà máy thông minh. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa Siemens và NIC, thúc đẩy quá trình ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Ông Alex Teo, Phó Chủ tịch kiêm giám đốc Điều hành Phần mềm Công nghiệp Kỹ thuật số Siemens, khu vực Đông Nam Á đã cùng ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC đã ký và trao biên bản hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam dựa trên việc khai thác những kiến ​​thức và kinh nghiệm của Siemens trong việc cung cấp công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 cũng như tận dụng những lợi thế và mạng lưới ĐMST của NIC.

Giám đốc NIC cũng đề xuất Siemens và NIC tăng cường hợp tác để phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, bao gồm tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn các chương trình CĐS cho các DN, các đơn vị nghiên cứu, các cơ sở đào tạo.

NIC sẽ kết nối Siemens với các DN, các đơn vị nghiên cứu và các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình đào tạo định hướng CMCN 4.0, trong đó đặc biệt có chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế ngành bán dẫn, dưới sự hỗ trợ của Siemens. Chương trình này nằm trong đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà NIC đang triển khai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khai thác sức mạnh công nghệ, DN có thể thay đổi, mang lại lợi nhuận theo cấp số nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO