Truyền thông

Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường

ThS. Trương Khải Minh - Giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam 15/10/2023 07:00

Trong Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: “Nhận thức mới để dẫn đến các quyết định là yếu tố quan trọng số một”.

Tóm tắt:

- Khát vọng chính là nguồn động lực dẫn đến “nhận thức mới”.

- Bài học Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Mọi thăng trầm của lịch sử dân tộc, đều ẩn chứa sức mạnh nội sinh. - Giải pháp hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Khát vọng là ngọn hải đăng dẫn lối

Khát vọng cũng chính là nguồn động lực dẫn đến “nhận thức mới”, thậm chí, đây còn là động lực mạnh mẽ nhất. Cách đây 3 thế kỷ, Triết gia, nhà văn vĩ đại người Pháp Denis Diderot khẳng định: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường”. Sự khao khát mục đích một cách đầy đủ lý trí, trong trạng thái thăng hoa tuyệt vời nhất của cảm xúc chính là điều kiện sản sinh ra khát vọng. Lịch sử phát triển nhân loại đã chỉ ra rằng: Muốn đi tới đích, trước tiên phải có khát vọng. Khát vọng như ngọn hải đăng dẫn lối cho người thuyền trưởng giữ vững hải trình giữa biển khơi, như tấm bản đồ giúp người bộ hành khi lạc lối. Khát vọng là trạng thái tinh thần mạnh mẽ giúp chúng ta không từ bỏ ước mơ, không khuất phục trước nghịch cảnh.

Và khát vọng chỉ có ý nghĩa khi nó hướng đến một mục đích cao đẹp, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, dân tộc và suy rộng ra là cả nhân loại. Khát vọng phát triển đất nước là “sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người trong cùng quốc gia – dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai”.

Lịch sử từng chứng minh: Khi niềm khát khao vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng số phận vượt qua những mặc cảm tự ti hay nỗi sợ hãi thất bại; khi ý chí, khát vọng của mỗi người dân cộng hưởng thành ý chí, khát vọng của cả dân tộc; khi mỗi số phận nhỏ bé hòa vào dòng chảy chung của vận mệnh đất nước; đó là khi chúng ta chứng kiến những câu chuyện kỳ tích. Từ một đất nước thua trận sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản vươn mình trỗi dậy chỉ sau vài thập kỷ, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, viết nên câu chuyện “Thần kỳ Nhật Bản”; Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vào những năm 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã chuyển mình ngoạn mục, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực, làm nên “Kỳ tích sông Hàn”; Một hòn đảo với diện tích vẻn vẹn 660km2, tài nguyên thiên nhiên gần như bằng con số 0, vươn lên trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người lớn thứ 2 châu Á, nằm trong những nước tiên tiến, văn minh nhất thế giới, tạo nên câu chuyện phát triển thần kỳ của Singapore. Đằng sau những câu chuyện vĩ đại đều là một ý chí vĩ đại, các quốc gia kể trên có thể khác nhau về vị trí địa lý, dân số, tài nguyên, văn hóa,… tuy nhiên đều gặp nhau ở một điểm chung là khát vọng xây dựng và phát triển đất nước hùng cường.

Khát vọng phát triển đất nước là “sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người trong cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai”.

Khát vọng làm nên kỳ tích Việt Nam

Soi chiếu vào lịch sử đất nước, có thể thấy, trong mọi thăng trầm của lịch sử dân tộc, đều ẩn chứa sức mạnh nội sinh là những ý chí vĩ đại, khát vọng lớn lao. Chính ý chí và khát vọng ấy đã giúp dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích phi thường trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là ý chí, khát vọng giữ vững nền độc lập dân tộc, xây dựng nền văn minh Đại Việt rực rỡ với lời khẳng định đanh thép “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, với những “Hào khí Đông A”, thời đại “Anh minh thịnh thế” bất diệt. Đó là ý chí, khát vọng độc lập, tự do với hành trình 30 năm kể từ khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời bến cảng Nhà Rồng tìm con đường cứu nước đến khi chính Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ tại Quảng trường Ba Đình - Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đó là ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước với hành trình 20 năm trường kỳ chiến đấu từ năm 1954 đến năm 1975 với thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 35 năm từ khi giải phóng miền Nam năm 1975, 25 năm từ khi đổi mới 1986 cho đến năm 2010 là hành trình của khát vọng chiến thắng đói nghèo. Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị chiến tranh tàn phá đã kể cho thế giới câu chuyện về một cuộc thoát nghèo vĩ đại, thực hiện chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, đưa 45 triệu đồng bào thoát khỏi đói nghèo.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần khẳng định khát vọng xây dựng đất nước hùng cường: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Như vậy, khát vọng phát triển đất nước không những là một trong những động lực quan trọng, mà Đảng ta còn chủ trương khơi dậy khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới: phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, làm nên một “kỳ tích Việt Nam”.

khat-vong-vn.jpeg

Khát vọng mới, nhận thức mới, hành động mới

Quay trở lại với nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức và quyết định, giữa tư duy và hành động. Khi đã xác định được những khát vọng lớn nhất của cả dân tộc, khi “lịch sử đã chọn ta làm điểm tựa”, thì việc cần làm lúc này chính là chuyển biến tư duy thành hành động. Chúng ta đang đứng trước những vận hội lớn và cả những thách thức lớn, tờ The Diplomat, một tạp chí tin tức quốc tế về chính trị, xã hội và văn hóa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từng nhận định: “Một cách lặng lẽ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nền kinh tế nhỏ bé nhất sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, kể cả khi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ”.

a58i2137.jpg

Khi đã xác định được những khát vọng lớn nhất của cả dân tộc, khi “lịch sử đã chọn ta làm điểm tựa”, thì việc cần làm lúc này chính là chuyển biến tư duy thành hành động.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông NGUYỄN MẠNH HÙNG

Cho tới hiện tại, Nhật Bản xếp thứ 11 thế giới về dân số với 126 triệu dân, quy mô nền kinh tế đứng 3 thế giới và thu nhập bình quân đầu người là 41.000 USD, đứng 24 thế giới. Hàn Quốc xếp thứ 28 thế giới về dân số với 51 triệu dân, quy mô nền kinh tế ước đạt 1.627 tỷ USD, đứng thứ 12 thế giới và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32.000 USD, xếp thứ 28 thế giới. Singapore xếp thứ 114 thế giới về dân số với 5,8 triệu dân, quy mô nền kinh tế ước đạt 340 tỷ USD, đứng thứ 39 thế giới và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58.000 USD, xếp thứ 7 thế giới.

Trong khi đó, dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, xếp thứ 15 thế giới nhưng quy mô nền kinh tế mới đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới, thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn ở mức thấp (ước đạt khoảng 3.521 USD năm 2020), đứng thứ 120 trên thế giới. Theo xếp hạng của thế giới, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng xuất lao động của nền kinh tế Việt Nam dù có nhiều bứt phá nhưng vẫn còn ở mức trung bình và trung bình thấp. Trong khu vực, chúng ta vẫn chưa lọt được vào nhóm 3 - nhóm 4 nền kinh tế tốt nhất trong ASEAN.

Công việc phía trước còn rất nhiều, hành trình phía trước còn rất khó khăn, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cần lộ trình, đích đến thông qua những bước đi được dự liệu một cách khoa học, rõ ràng, hay cũng chính là phải giải quyết hài hòa, khoa học con đường từ tư duy đến hành động.

Vấn đề cần giải quyết đầu tiên là thể chế, cụ thể là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống pháp luật. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII lần đầu tiên đưa ra khái niệm thể chế phát triển mà trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định: “Trước những chao đảo, mong manh của các nền dân chủ và kinh tế thị trường hàng đầu trên thế giới những năm qua đã cho thấy phát triển bền vững phải là mô hình hướng tới, và nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa của chúng ta rất gần với những giá trị phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển nhân văn”.

Tiếp theo là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số chính là cơ hội vàng cho các nền kinh tế đi sau có thể vượt lên. Việc phát triển nhanh các nền tảng số trên và ứng dụng rộng rãi trong chuyển đổi số là tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, thay đổi về chất, tiến nhanh hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam có nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua này vì người Việt Nam có tư duy logic và toán học, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và Internet cao, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á... Việt Nam cũng có hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá cao.

tmdt-3.jpeg

Nội dung thứ 3 trong 3 khâu đột phá chiến lược là xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực.Trong thế giới hiện đại, khi chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là những người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo.

Với ý chí của một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, với lịch sử hào hùng của một dân tộc “sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững, lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, chúng ta tràn đầy tin tưởng, tràn đầy khát vọng về một tương lai dân tộc Việt Nam sẽ chuyển hóa những nguồn sức mạnh nội sinh này thành động lực mạnh mẽ xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, tiếp tục viết nên câu chuyện thần kỳ về một “kỳ tích Việt Nam” của thế kỷ XXI./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2023)

Bài liên quan
  • Để báo chí phát triển vì một Việt Nam hùng cường
    Một nền kinh tế phát triển là điều kiện và luôn có đội ngũ báo chí quốc gia phát triển. Đồng thời, nền báo chí quốc gia cũng cần được định hướng phát triển vì nhu cầu người dân và khát vọng hùng cường của quốc gia đó
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO