Khi nhà báo tác nghiệp trong làn sóng Covid-19: Vô vàn áp lực!

Bảo Bình| 31/05/2021 10:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 tấn công toàn cầu đã hơn một năm, và đang bùng nổ mạnh mẽ tại Ấn Độ. Bệnh viện hết giường và bình thở oxy, lò hỏa táng quá tải. Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong liên tục tăng, phá vỡ kỷ lục hàng ngày. Bhramar Mukherjee, một nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, từng nói: “Đó là một cuộc tàn sát dữ liệu. Chúng tôi tin rằng số người chết thực sự gấp hai đến năm lần những gì được báo cáo”.

Trong cơn địa chấn dịch bệnh này, các hãng thông tấn, từ trong nước đến quốc tế, đã cử các nhà báo đến các địa điểm hỏa táng và chôn cất để cố gắng thu thập dữ liệu về số ca tử vong chính xác hơn. Và tất nhiên, các nhà báo còn làm nhiều nhiệm vụ nguy hiểm khác.

"Một số nhà báo giỏi nhất ở Ấn Độ đưa tin về dịch COVID-19 không có trên Twitter, Instagram hay các mạng xã hội”, Rana Ayyub, một nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ, lưu ý. “Tránh xa sự ồn ào của các phương tiện truyền thông xã hội, các nhà báo cố gắng cho chúng ta biết sự thật, trong khi họ rất dễ bị chính quyền tiểu bang trừng phạt và không được tiếp cận với quyền lợi được bảo vệ hợp pháp hoặc chăm sóc sức khỏe”.

KHI NHÀ BÁO TÁC NGHIỆP TRONG LÀN SÓNG COVID-19: VÔ VÀN ÁP LỰC! - Ảnh 1.

Hàng loạt nhà báo đã ra đi vì COVID-19 ở Ấn Độ

Ngày càng có nhiều phóng viên đã phải khuất phục trước COVID-19. Gần đây, Vinay Srivastava, một nhà báo ở Lucknow, thuộc bang Uttar Pradesh, đã mắc các triệu chứng COVID-19, nhưng không thể đi xét nghiệm hoặc được chăm sóc y tế. Trong một lời kêu gọi giúp đỡ, anh ấy đã tweet về triệu chứng khó thở, mức độ oxy đang giảm của mình và gắn thẻ các quan chức địa phương. Nhà báo này đã ra đi trước khi nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào.

TS. Surya Pratap Singh, một nhân viên hành chính ở Lucknow, đã đăng lên Twitter hình ảnh thi thể của Srivastava được che phủ và gia đình khóc thương đau buồn. Dòng tweet của Singh có nội dung: “Nhà báo Vinay Srivastava không được ai nghe thấy lời kêu cứu khi còn sống, nhưng ngay cả sau khi anh ấy qua đời, gia đình anh ấy cũng không được ai trợ giúp và tiếp tục phải chờ xe cấp cứu”.

Mới đây, Kakoli Bhattacharya, một nhà báo từng làm trợ lý tin tức cho The Guardian, qua đời ở Delhi, ở tuổi 51. Theo The Guardian, Kakoli Bhattacharya, một nhà báo Ấn Độ từng là nhà nghiên cứu, phiên dịch, trợ lý tin tức và là bạn của các phóng viên Guardian trong hơn một thập kỷ, đã qua đời vì COVID-19 ở Delhi.

Bhattacharya, 51 tuổi, đã làm việc với mọi phóng viên của Guardian ở Nam Á kể từ năm 2009. Nữ phóng viên này đã có nhiều đóng góp cho tờ báo Guardian, từ việc thu thập, phản ánh thông tin với tốc độ đáng kinh ngạc, dịch các bài viết nước ngoài bằng ngôn ngữ mà cô am hiểu thành thạo, đồng hành cùng các phóng viên khác và nhiều cống hiến khác.

Hannah Ellis-Petersen, phóng viên khu vực Nam Á của Guardian cho biết: “Kakoli là một nhà báo xuất sắc và là một phần không thể thiếu trong những bài viết của Guardian đưa tin về Ấn Độ trong hơn một thập kỷ".

Michael Safi, một cựu phóng viên của Delhi cho Guardian, cho biết: “Hầu như không có một câu chuyện nào do chúng tôi sản xuất về Ấn Độ mà không có dấu ấn của Kakoli. Cô ấy là một nhà báo tài giỏi, tháo vát phi thường và có thể vượt qua bất kỳ ai. Hơn thế nữa, cô ấy là một người thực sự tử tế - khiêm tốn, tốt bụng và trung thành”.

Kakoli từng làm việc cho nhật báo Le Monde của Pháp trong một thập kỷ trước khi chuyển sang Guardian.

Và Rohitash Gupta, một phóng viên 36 tuổi ở Bareilly, Uttar Pradesh, cùng với mẹ, đã chết tại nhà vì nhiễm COVID-19. Gia đình cho biết họ không được nhập viện vì không có giường bệnh và vì thế không được điều trị.

Amjad Badshah, một nhà báo ở bang Odisha, qua đời ở tuổi 45. Bốn phóng viên ở Mumbai đã chết cùng ngày.

Các nhà báo đặc biệt chịu nhiều rủi ro trong đại dịch

Theo Press Emblem Campaign (PEC), một tổ chức truyền thông có trụ sở tại Thụy Sĩ, trên toàn cầu có hơn 1.300 nhà báo ra đi vì COVID-19, và tại Ấn Độ, trong chỉ 10 ngày đã có 40 nhà báo tử vong.

Cụ thể, Press Emblem Campaign cho biết đại dịch COVID-19 tiếp tục lấy đi mạng sống của nhiều nhà báo đang tác nghiệp trên toàn thế giới. Tính đến ngày 11/5/2021, toàn thế giới có ít nhất 1.302 nhà báo ở 76 quốc gia đã tử vong. Brazil, nơi đại dịch hoành hành khủng khiếp, đã có 191 nhà báo ra đi vì COVID-19. Trong khi đó, ở Ấn Độ, 173 nhà báo đã ra đi. Cao điểm là chỉ trong vòng 10 ngày, có ít nhất 40 nhà báo đã chết vì COVID-19 ở Ấn Độ.

Press Emblem Campaign là một cơ quan bảo vệ quyền và an toàn truyền thông có trụ sở tại Thụy Sĩ. Thống kê của tổ chức này cho biết sau Ấn Độ, Peru có 140 nhà báo thương vong và Mexico là 109. Dưới cột mốc một trăm, Colombia mất 57 nhà báo do đại dịch, tiếp theo là Ý (55 ), Bangladesh (52), Hoa Kỳ (48), Ecuador (48), Vương quốc Anh (28), Cộng hòa Dominica (27), Pakistan (26), Thổ Nhĩ Kỳ (25), Argentina (23), v.v.

Blaise Lempen, Tổng Thư ký của PEC (www. pressemblem.ch/) cho biết, kể từ tháng 3/2020, PEC bắt đầu biểu dương các nhà báo đã chết vì COVID-19 trên khắp thế giới. Để tham gia cuộc chiến chống lại virus, sự an toàn của các phóng viên phải là ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia.

“Các nhà báo đặc biệt chịu nhiều rủi ro trong cuộc khủng hoảng này khi họ liên tục tác nghiệp, cung cấp thông tin từ hiện trường. Một số người trong số họ đã chết vì thiếu các biện pháp bảo vệ đầy đủ khi làm việc. Chúng tôi ủng hộ việc tiêm phòng sớm cho các nhà báo ở tiền tuyến và cũng bồi thường thỏa đáng cho các gia đình nạn nhân”, Lempen nói.

Nava Thakuria, đại diện quốc gia của PEC, cho biết mỗi ngày Ấn Độ lại mất đi gần 4 nhà báo. Nava Thakuria cho rằng điều này thật sự đáng báo động và nói thêm là quốc gia tỷ dân này gần đây đã chứng kiến cái chết của các nhà báo Homen Borgohain, Shiv Anurag Pateria, Sarat Chandra Mangaraj, Kishore Ch Das, Waqar Wizvi, Arvind Shukla, Umashankar Santhalia, Sant Sharan Awasthi, Vipin Chand, Subhash Mishra,Kaleswaram Sandeep, D Shankar Rao, Rajendra Joshi, Pradeep K Sahu, Shesh N Singh, v.v.

“Số các nhà báo thương vong vì biến chứng COVID-19 ở Ấn Độ phải cao hơn con số chúng tôi đã ghi nhận. Trong nhiều trường hợp, các tòa soạn tránh đưa tin về các phóng viên của họ bị nhiễm bệnh và tử vong”, Nava Thakuria, đại diện quốc gia của PEC cho biết.

Ngoài ra, thông tin thêm là một số quốc gia có số nhà báo tử vong vì COVID-19 tương đối ít là Iran (21), Nga (21), Venezuela (19 người), Panama (16 người), Tây Ban Nha (15), Ukraine (15), Bolivia (14), Ai Cập (14), Honduras (11 người), Afghanistan, Nigeria, Nam Phi và Pháp mỗi nước có khoảng 9 nhà báo tử vong vì COVID-19, Guatemala (8), Nepal (7), Nicaragua (7), Uruguay (6), Kenya (5) Paraguay (5), Cuba (4)...

"Thật không may, đại dịch đang ngày càng cướp đi nhiều sinh mạng của các nhà báo. Đó là một tổn thất to lớn”, Tổng Thư ký PEC Blaise Lempen cho biết.

Bảo vệ các nhà báo là bảo vệ quyền được biết của mọi người

Đối với các nhà báo trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 là một câu chuyện thời sự chưa từng có. Chu kỳ đưa tin không ngừng, thêm vào đó là một "cơn đại dịch" của fake news, những tin giả, thông tin sai lệch. Chưa kể, đại dịch là những thách thức đối với sức khỏe của mỗi cá nhân, kể cả nhà báo.

Kysia Hekster, một phóng viên truyền hình của đài truyền hình công cộng Hà Lan NOS cho biết: “Từ quan điểm báo chí, đây có lẽ là một trong những sự kiện lớn nhất mà tôi tham gia tác nghiệp”.

Trong khi hàng nghìn nhân viên làm việc tại nhà trong thời gian đại dịch xảy ra, nhiều nhà báo không có lựa chọn nào khác ngoài việc lao vào các studio, tòa soạn của họ hoặc ra ngoài hiện trường.

“Tôi đã không dừng công việc kể từ khi bị phong tỏa. Công việc của một nhà báo tất nhiên là đưa tin về những gì đang xảy ra xung quanh mọi người và để làm như vậy, bạn phải làm nhiệm vụ”, Leslie Rijmenams, người dẫn chương trình tại đài phát thanh Bỉ nói tiếng Pháp Nostalgie giải thích.

Nhiếp ảnh gia trưởng của Reuters, Yves Herman, đã đưa tin về đại dịch gần như hàng ngày trong vài tháng, với các báo cáo từ bệnh viện, nhà hưu trí, dịch vụ tang lễ và nhà xác. Tất nhiên, anh phải mặc đồ bảo hộ đầy đủ.

“Bất chấp mọi rủi ro, tôi cảm thấy đó là một chủ đề thực sự quan trọng cần đưa tin. Theo hiểu biết của tôi, đó là một trong những câu chuyện duy nhất trên thế giới, có lẽ ngoại trừ Chiến tranh thế giới thứ hai, có ảnh hưởng tuyệt đối đến tất cả mọi người”, anh nói.

Ngoài cường độ đưa tin về virus, các nhà báo còn phải đối mặt với cuộc chiến đấu mà Tổ chức Y tế Thế giới đã phải mô tả là một “bệnh dịch”. Đó là tin giả! Những tin giả, tin sai lệch và tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trong cơn đại dịch sức khỏe.

Đối với một số hãng truyền thông, đại dịch thậm chí còn khiến tình trạng bạo lực đối với các nhà báo gia tăng. Có những hãng tin thậm chí phải xóa logo trên xe ô tô chở phóng viên, hoặc trên các phương tiện tác nghiệp để tránh bị tấn công.

Cập nhật tin tức, viết bài, đưa tin là ưu tiên hàng đầu của nhà báo, nhưng khi phải tác nghiệp trong môi trường nhiều rủi ro như đại dịch COVID-19, các nhà báo thực sự trở thành những chiến sỹ dũng cảm. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh và bạo lực gia tăng như vậy, người dẫn chương trình Leslie Rijmenams, cũng là đồng sáng lập New6s, một hiệp hội báo chí của Bỉ, cho rằng các nhà báo hướng đến một nền báo chí xây dựng, sẽ giúp tình hình trở nên dễ chịu hơn. “Bằng cách thu hút công chúng tham gia vào cuộc chiến đưa tin và chống dịch, bằng cách đưa ra những hy vọng và để họ nhận ra rằng họ là một phần của giải pháp, chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại loại virus này”.

Trong khi đó, tổ chức PEC đã nói trong một tuyên bố rằng: “Khi các nhà báo tìm cách làm sáng tỏ mọi thông tin, những phản ứng với COVID-19, họ đang phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng. Bảo vệ các nhà báo là bảo vệ quyền được biết của mọi người. Chính phủ và Liên hợp quốc phải hành động khẩn cấp để chấm dứt tội ác chống lại nhà báo”.

Việt Nam bảo vệ nhà báo thế nào trong tâm dịch COVID-19 và khi tác nghiệp nói chung?

Dịch COVID-19 không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, cho đến nay làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba đã xâm nhập và gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội của cả nước. Trong tình thế đó, Việt Nam đã xem phóng viên là một trong 11 nhóm đối tượng được Nhà nước ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng vắc xin được nhập khẩu rất hạn chế.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có những động thái nhằm bảo vệ nhà báo, những người tác nghiệp trong làn sóng dịch bệnh COVID-19. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan báo chí lập danh sách phóng viên, nhà báo thường xuyên tác nghiệp trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao để tiêm phòng vắc-xin.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM đã tiến hành tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho hơn 80 nhà báo, phóng viên trực tiếp tham gia đưa tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. HCM. Các phóng viên, nhà báo tham gia tuyên truyền phóng chống dịch trên cả nước sẽ lần lượt được tiêm vắc-xin trong thời gian tới.

Trong bài viết: “Phóng viên trên tuyến đầu phòng chống dịch cần được bảo vệ an toàn” đăng ngày 24/2/2021, Báo Lao Động đã đặt vấn đề: “Phóng viên, không chỉ là những phóng viên trực tiếp tham gia chống dịch cũng phải được đưa vào nhóm ưu tiên được tiêm vaccine miễn phí để an toàn cho cả cơ quan báo chí. Tất nhiên, trong điều kiện vaccine còn khan hiếm, trước hết hãy ưu tiên cho những phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại các tâm dịch”.

Không chỉ nỗ lực bảo vệ các nhà báo, phóng viên trong tâm dịch COVID-19, Việt Nam còn có những chính sách, điều luật bảo vệ nhà báo nói chung. Luật Báo chí quy định rõ quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trong đó nhà báo được hoạt động báo chí, khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, không thiếu các vụ việc nhà báo bị cản trở khai thác, đưa thông tin, thậm chí bị tấn công, hành hung, đe dọa.

Hội Nhà báo Việt Nam đã tổng hợp có hàng chục vụ tấn công nhà báo, xâm phạm quyền hành nghề, sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của nhà báo. Đáng lưu ý, những vụ tấn công này có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo trở thành một nghề được cho là “nghề nguy hiểm”.

Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm và bị xử lý theo quy định của pháp luật là “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Theo ý kiến của Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trên báo Nhân dân nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2020, để giải quyết, xử lý các tồn tại nêu trên, trước hết, cần coi pháp luật là nền tảng cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, nhất là Luật Báo chí. Ngoài ra, mỗi cơ quan báo chí đều cần xây dựng Quy chế giúp cho phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật, tránh được những rủi ro trong nghề nghiệp, trong đó quy trình sản xuất tin, bài, bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung, thông tin chính xác.

Khi phát hiện có cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở, xâm hại quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí cần có biện pháp can thiệp kịp thời, theo dõi và xử lý vụ việc theo đúng quy định của Luật Báo chí. Nếu vụ việc phức tạp, có biểu hiện bị cản trở, bao che, cần báo cáo, phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo địa phương để kịp thời can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.un.org/

2. https://pressemblem.ch/

3. https://www.cjr.org/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khi nhà báo tác nghiệp trong làn sóng Covid-19: Vô vàn áp lực!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO