Khoảng 3.000 lao động trẻ tại Việt Nam được hỗ trợ tiếp cận đào tạo trực tuyến

Bảo Quang| 31/03/2021 15:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Khoảng 3.000 người lao động tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ có cơ hội học tập và cải thiện kỹ năng số khi truy cập trực tuyến các khóa đào tạo miễn phí về kỹ năng số cơ bản của Microsoft bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Nâng cao năng lực trực tiếp cho người lao động

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự cần thiết phải phát triển các kỹ năng số để xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế và xã hội, đặc biệt khi các quốc gia phải đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, lao động trẻ Việt Nam phải được trang bị những kỹ năng cần thiết giúp họ đủ vững vàng và đủ cạnh trạnh để vươn lên trong thế giới hậu COVID.

Để kịp thời hỗ trợ cho lao động tại Việt Nam trang bị kiến thức cần thiết về công nghệ số, Tập đoàn Microsoft và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam đã chính thức khởi động dự án "Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam" (2020-2021). Đây là dự án hợp tác nằm trong khuôn khổ Sáng kiến đào tạo kỹ năng toàn cầu (GSI) của Microsoft khởi xướng từ năm 2020 với mục đích giải quyết những thách thức ngày càng tăng về tình trạng việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.

Buổi lễ khởi động dự án có sự tham gia của đại diện, cán bộ từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); Sở LĐTB&XH Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, các trường cao đẳng nghề, các đối tác trong và ngoài nước.

Khoảng 3.000 lao động trẻ tại Việt Nam được hỗ trợ tiếp cận đào tạo trực tuyến - Ảnh 1.

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam, giới thiệu về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo kỹ năng số cho người lao động

Trong giai đoạn thí điểm, dự án sẽ xây dựng một nền tảng học trực tuyến các kỹ năng số nhằm tạo cơ hội học tập, tiếp thu những kỹ năng số cơ bản, cần thiết phục vụ cho công việc và tiếp cận vào xã hội số cho khoảng 3.000 lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất cũng như sinh viên học nghề tại ba tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam chú trọng vào đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, điều này thể hiện rõ qua các chính sách trọng điểm liên quan đến phát triển kỹ năng số. Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đề cao tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động và toàn dân. Chính phủ kêu gọi các cơ quan và các bên liên quan cùng hợp tác để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên toàn quốc.

Bà Mihyung PARK, Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam nhấn mạnh: "Các kỹ năng số cơ bản là những kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh này, nếu những người lao động không được dễ dàng tiếp cận các cơ hội nâng cao kỹ năng này, rất có thể họ sẽ bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, kỹ năng số còn là kỹ năng cần thiết để kiến tạo cuộc sống khỏe mạnh, thư thái và bình an cho người di cư vì kỹ năng đó giúp họ hòa nhập tốt trong cộng đồng mới".

Ngoài ra, bà cũng chia sẻ thêm:"IOM rất vui mừng vì mối quan hệ hợp tác của dự án này có thể xây dựng một nền tảng học tập trực tuyến giúp hàng triệu người lao động trong và ngoài nước không chỉ có cơ hội cải thiện việc làm tốt hơn mà còn cải thiện trải nghiệm di cư của họ".

Hỗ trợ tích cực cho chương trình CĐS quốc gia

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam, cho biết: "Năm 2020, thế giới đã đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó phải kể đến đại dịch COVID-19 đã gây ra số lượng người thất nghiệp nhiều hơn những gì cuộc đại khủng hoảng đã tạo ra trước đây. Đứng trước thực trạng này, chúng ta cần phải trang bị những kỹ năng mới phù hợp với nền kinh tế số, để có thể tìm kiếm việc làm hay thậm chí là để duy trì công việc hiện tại. Nền kinh tế chỉ có thể phục hồi một cách toàn diện khi những người bị mất việc làm được tạo cơ hội tiếp cận học hỏi những kỹ năng số. Họ chính là những người có thu nhập thấp, phụ nữ và những nhóm thiểu số trong xã hội".

Khoảng 3.000 lao động trẻ tại Việt Nam được hỗ trợ tiếp cận đào tạo trực tuyến - Ảnh 2.

Đại diện các đơn vị tổ chức, tài trợ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTB & XH tham dự buổi Lễ

Được biết trong năm 2020, Microsoft đã khởi động Sáng kiến đào tạo kỹ năng toàn cầu với mục đích cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số đến cho 25 triệu người trên toàn thế giới. Tính đến nay, chương trình này vẫn đang tiếp tục và giúp hơn 30 triệu người trên toàn thế giới được trang bị những kỹ năng số mới. Microsoft tiếp tục cùng đồng hành với tổ chức IOM tạo cơ hội cho lao động di cư và sinh viên học nghề của Việt Nam được kết nối, học tập và tham gia cùng cộng đồng, với kỳ vọng mang đến cho họ một tương lai tốt đẹp hơn.

Khoảng 3.000 lao động trẻ tại Việt Nam được hỗ trợ tiếp cận đào tạo trực tuyến - Ảnh 3.

Trên tinh thần của sự hợp tác, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH, nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề CĐS trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới và đang từng bước chuẩn bị cho quá trình đó. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Do đó, chúng tôi cần có sự đồng hành, chia sẻ của các đối tác quốc tế, các tập đoàn về công nghệ để gấp rút hoàn thiện khung pháp lý, chính sách và thúc đẩy triển khai các hoạt động nâng cao năng lực và ứng dụng chuyển đổi số trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ cấp quản lý đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp".

Bài liên quan
  • Người lao động Việt Nam sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI
    Phần lớn người lao động sẵn sàng tham gia các khóa học cơ bản về ứng dụng AI. Tuy nhiên, mức chi trả chủ yếu tập trung ở khoảng giá thấp, dưới 500.000 đồng. Điều này xuất phát từ nhu cầu học tập thiết thực nhưng vẫn thận trọng trong việc đầu tư cho các khóa học chi phí cao khi hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khoảng 3.000 lao động trẻ tại Việt Nam được hỗ trợ tiếp cận đào tạo trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO