Khởi nghiệp bằng công nghệ

Kim Ngân| 20/05/2022 10:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ ngày càng được nhiều bạn trẻ chú trọng khi xây dựng dự án khởi nghiệp. Ðiều này được thể hiện rõ tại cuộc thi khởi nghiệp "IU Starup Demo Day 2022" với 20 dự án đều gắn liền với công nghệ hiện đại, trong đó nhiều ứng dụng được đánh giá cao về tính kết nối, tác động hiệu quả đến người dùng…

Vị trí quán quân của cuộc thi "IU Starup Demo Day 2022" thuộc về 3B (Bicycle Between Bus), dự án kết nối các trạm xe buýt bằng dịch vụ cho thuê xe đạp. Bạn Võ Văn Thành Ðạt, thành viên nhóm 3B, cho biết, dự án ra đời nhằm chung tay giải quyết những hạn chế trong việc di chuyển của học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp đang sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Thực tế cho thấy, các trạm xe buýt đặt xa nhau đòi hỏi nhiều người dùng phải tốn nhiều thời gian nếu phải đi bộ. Dịch vụ cho thuê xe đạp với giá thấp tại các trạm xe buýt gần khu ký túc xá, trường đại học, khu chung cư thu nhập thấp... sẽ giải quyết vấn đề này. Nhóm cũng nghĩ đến dịch vụ cho thuê xe đạp ngắn hạn cho những cá nhân có nhu cầu với chi phí tiết kiệm. Chỉ cần cài ứng dụng, mở khóa xe và thanh toán khoản tiền nhỏ, khách hàng thoải mái đạp xe từ trạm xe buýt này đến trạm xe buýt kế tiếp trong quãng thời gian ngắn nhất.

Thành Ðạt cho biết thêm, nhóm 3B đã dành nhiều thời gian khảo sát nhu cầu thực tế của người dùng trước khi đưa ra giải pháp công nghệ này. Thông tin người thuê xe, hoạt động trải nghiệm sẽ được lưu lại trên nền tảng công nghệ để tích hợp thêm các tiện ích, giảm giá, bảo đảm an toàn tài sản và kết nối hoạt động cộng đồng. Nhóm đang lên kế hoạch cho việc kết nối mạng lưới xe đạp trên ứng dụng nhằm phục vụ tốt nhu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng khi Metro Bến Thành-Suối Tiên đi vào hoạt động.

"Ðiều chúng tôi hướng đến là cải thiện việc đi lại thông qua ứng dụng công nghệ mới. Ban đầu, để tiết kiệm chi phí vận hành, nhóm sẽ dựa vào tệp khách hàng sẵn có trên ứng dụng BusMap, sau đó sẽ mở rộng nhóm đối tượng sử dụng thông qua khảo sát nhu cầu thực tế. Với mức giá rẻ và nhắm vào những khu vực dự án đi trước chưa quan tâm, chúng tôi hy vọng sẽ có được mạng lưới khách hàng thân thiết thông qua dịch vụ này. Chúng tôi đang nghiên cứu để có thể sử dụng tối ưu lượng xe đạp thông qua cách bố trí hợp lý từ nhu cầu người sử dụng thực tế tại các trạm", đại diện nhóm 3B cho biết thêm.

Cung cấp giải pháp kiểm soát hạn sử dụng của thực phẩm, dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mang tên SOF (Save Our Food) do bốn sinh viên Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, lên ý tưởng, triển khai cũng được đánh giá rất cao tại cuộc thi. Bạn Ðỗ Phạm Minh Thư, thành viên nhóm SOF, cho hay: "Dự án ra đời từ chính trải nghiệm thực tế của các thành viên trong nhóm khi đi siêu thị mua thực phẩm về để trong tủ lạnh thì rất hay bị quên, lúc dọn tủ mới phát hiện hết hạn. Lúc đó phải bỏ thực phẩm theo cách không hề mong muốn. Với giải pháp công nghệ này, người dùng chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có cài ứng dụng và làm một thao tác đơn giản sau khi mua hàng, việc nhắc nhở sẽ được tự động lặp lại nhằm hạn chế tối đa tình trạng quên sử dụng sản phẩm đã mua".

SOF đóng vai trò như một "tủ lạnh điện tử" của người dùng. Dữ liệu thực phẩm sẽ được đưa vào ứng dụng qua việc scan hóa đơn đã thanh toán. SOF sẽ nhắc nhở người dùng khi có

thực phẩm gần hết hạn sử dụng. Ứng dụng có thể gợi ý món ăn dựa trên dữ liệu từ tủ lạnh của người dùng. Với mỗi lần "cứu" lấy thức ăn của mình, người dùng sẽ được tích số điểm tương ứng để quy đổi thành những bữa ăn thật và quyên góp cho người gặp khó khăn trong cộng đồng. Ứng dụng còn xây dựng mạng lưới người dùng có thể kết nối với nhau qua việc chia sẻ các công thức nấu ăn, mẹo nhà bếp.

Tiết kiệm nguồn thực phẩm và hạn chế rác thải ra môi trường là mục tiêu mà SOF đặt ra cho người sử dụng giải pháp công nghệ này. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục đưa dự án đến các cuộc thi để nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia để hoàn thiện trước khi đưa ứng dụng vào đời sống. Sau một thời gian phục vụ nhu cầu kiểm soát thực phẩm từ góc độ người mua hàng, SOF sẽ phát triển thành ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thực phẩm kiểm soát chặt chẽ lượng thực phẩm tồn kho cũng như hạn sử dụng của hàng hóa. Thực hiện tốt cả hai khâu kiểm soát hạn dùng từ nhà cung cấp đến người sử dụng, SOF tin rằng sẽ hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm, từ đó giúp người dùng ứng dụng tiết kiệm chi phí và giảm tác động tiêu cực không mong muốn đến môi trường sống...

Là cuộc thi khởi nghiệp dành cho người trẻ, suốt bốn năm nay, "IU Starup Demo Day" đã tạo được sân chơi sáng tạo và ghi nhận nhiều ý tưởng, sáng kiến thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, khoa học công nghệ... Sau khi chọn ra các dự án khả thi, ban tổ chức đã kết nối bạn trẻ với chuyên gia để từng bước thực tế hóa các ý tưởng, sáng kiến. Các đội đạt giải cao sẽ tiếp tục được tham gia gói ươm tạo để phát triển và hình thành sản phẩm, tung ra thị trường.

"Tất cả các đội đều được chuyên gia, giảng viên đồng hành, hỗ trợ và tập huấn thêm nhiều kỹ năng cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao tính sáng tạo và khả thi của các dự án năm nay. Các nhóm đều ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững. Rất nhiều ý tưởng sáng tạo và đó đều là những giải pháp thiết thực cần được hỗ trợ để sớm ứng dụng vào thực tiễn", bà Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng ban tổ chức cuộc thi năm nay chia sẻ...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp bằng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO