Người trẻ Việt Nam ngày càng lo lắng về khả năng tìm việc làm
Hầu hết các tài năng trẻ sắp gia nhập lực lượng lao động là từ Thế hệ Z, hoặc những người từ 15 - 24 tuổi. Trước Covid-19, thế hệ người bản địa kỹ thuật số này được mong đợi là những người biến đổi lực lượng lao động, tuy nhiên thay vào đó, giờ đây họ đã và đang phải gánh chịu gánh nặng do đại dịch gây ra, với việc nhiều người đã không thể tìm được công việc tử tế trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Để hiểu rõ hơn về thực trạng việc làm của thanh niên khu vực châu Á, Tập đoàn Deutsche Post DHL (Tập đoàn DPDHL), nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới mới đây đã thực hiện một nghiên cứu đầu tiên tại châu Á trong khuôn khổ Ngày Kỹ năng Thanh niên thế giới (World Youth Skills Day) năm nay 15/7, nhằm tôn vinh tầm quan trọng của việc trang bị cho thanh niên các kỹ năng để có việc làm, làm việc tử tế và tinh thần kinh doanh.
Nghiên cứu trực tuyến kéo dài 3 tuần này đã nhận được gần 950 câu trả lời từ những người trẻ trên 15 tuổi trong khu vực, trong đó có gần 480 câu trả lời từ Việt Nam. Những người trẻ tuổi từ 6 quốc gia khác gồm Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Thái Lan chiếm phần còn lại trong số những người được hỏi. Nghiên cứu tại Việt Nam được thực hiện trong khuôn khổ chương trình GoTeach của Tập đoàn DPDHL với sự hỗ trợ của đối tác là Làng trẻ em SOS.
Christoph Selig, Phó Chủ tịch phụ trách các chương trình và truyền thông bền vững của Tập đoàn DPDHL cho biết: "Nhiều người trẻ thường xuyên phải đối diện với sự bất an và cảm giác không chắc chắn về công việc khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực phải tiếp tục chống chọi với các làn sóng khác nhau của đại dịch Covid-19 kể cả khi đại dịch này bắt đầu lắng xuống nhờ có sự xuất hiện của vaccine.
Mặc dù điều này không thể tránh khỏi sẽ ảnh hưởng đến lộ trình tuyển dụng của các doanh nghiệp ở đa ngành, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy những điều tích cực khi giới trẻ của chúng ta đã nhận ra những thách thức phía trước, song vẫn lạc quan về sở trường và năng lực của bản thân để đảm bảo tìm một công việc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục".
Nghiên cứu cho thấy gần 90% thanh niên Việt Nam trả lời là "lo lắng" hoặc "rất lo lắng" về khả năng tìm việc làm của mình, trong số này gần 98% thừa nhận rằng dịch bệnh đang ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm việc làm của họ. Mặc dù vậy, những thanh niên châu Á này vẫn có cảm giác tự tin và lạc quan: 88% trong số họ tin rằng họ sẵn sàng tham gia thị trường việc làm, trong đó 70% cho biết rằng họ mong đợi tìm được một công việc trong khoảng thời gian là dưới sáu tháng sau khi học xong.
Khi đánh giá về một lời mời làm việc, những cân nhắc thực dụng như đảm bảo việc làm và tiền lương đã được nhấn mạnh trong số những người trẻ tuổi được khảo sát. Nhưng phần lớn, 23% đã chọn cơ hội học hỏi và được thử thách là yếu tố quan trọng nhất được xem xét cho công việc đầu tiên của họ.
Đặc biệt, đối với các kênh tiếp cận việc làm, báo cáo cho thấy khoảng 38% thanh niên (tại Việt Nam và trong khu vực) coi các phương pháp truyền thống như thực tập là rất hữu ích để tìm được việc làm, trong khi đó, giới thiệu hoặc đề xuất từ người hướng dẫn thực tập và giáo viên cũng được coi là những yếu tố quan trọng.
Các cổng thông tin việc làm trực tuyến mặc dù khá phổ biến nhưng lại chưa phát huy được hiệu quả của mình và được coi là kênh kém hữu ích nhất với chỉ 3%. Đơn giản là do những kênh này thiếu sự kết nối cá nhân từ việc thực tập hoặc sự phê duyệt, xác nhận của người liên hệ, chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao.
Trong kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, các kênh thông tin việc làm cần cải thiện hơn nữa về dịch vụ, kết nối, liên thông… để có thể trở thành một trong những kênh hiệu quả nhất cho người tìm việc làm, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại Internet.
Khởi nghiệp là lựa chọn ưu tiên của thanh niên Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Khởi nghiệp là lựa chọn ưu tiên của thanh niên Việt Nam
Trong bối cảnh đại dịch, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng có những ngành nghề cũng đã phát huy tối đa được hiệu quả. Tại Việt Nam, hơn 250 thanh niên cho rằng công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như y tá hoặc bác sĩ là công việc chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do họ là những người ở tuyến đầu đóng vai trò quan trọng trong đại dịch Covid-19. Trong khi đó, những nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hoặc thuộc chính quyền lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Điều thú vị là khi được hỏi sở thích chọn công việc đầu tiên của họ là gì, hơn 50% thanh niên ở Việt Nam đã chọn khởi nghiệp. Nhìn chung, các công việc liên quan đến khởi nghiệp, giáo dục và khách sạn/du lịch được đánh giá thuộc ba lĩnh vực được giới trẻ ưa thích nhất trong khu vực.
Susanne Novotny, Giám đốc Hợp tác Doanh nghiệp tại Làng trẻ em SOS, nhận xét: "Những người trẻ mới tham gia lực lượng lao động đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng chưa từng có, ảnh hưởng đến quan điểm của họ về môi trường làm việc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết đều cảm thấy rằng ngành chăm sóc sức khỏe ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhưng nói một cách công bằng, hầu hết những người trẻ tuổi đều thích khởi nghiệp kinh doanh hơn để kiểm soát tốt hơn cuộc sống, sự nghiệp và số phận của mình".
"Nhìn chung, chúng tôi thấy tinh thần dám nghĩ dám làm của những người trẻ tuổi rất đáng khích lệ, bên cạnh đó họ còn được hỗ trợ tích cực bởi chương trình đào tạo khởi nghiệp của GoTeach về cách bắt đầu và điều hành kinh doanh", Susanne Novotny cho biết thêm.
Kỹ năng công nghệ - một trong những kỹ năng quan trọng để đảm bảo việc làm
Trong vòng chưa đầy 4 năm nữa, Thế hệ Z dự kiến sẽ chiếm 27% lực lượng lao động toàn cầu. Để cải thiện triển vọng việc làm của mình và tiến sâu vào lực lượng lao động, nhiều thanh niên vẫn đang lên kế hoạch trước cho sự nghiệp của mình, hy vọng tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng nhanh chóng để theo đuổi công việc tốt hơn.
Bên cạnh kỹ năng về kỹ thuật và tay nghề, hơn 60% người được hỏi ở Việt Nam cho rằng kỹ năng giao tiếp là chìa khóa của họ, trong khi 27% trả lời rằng kỹ năng ngôn ngữ phù hợp với khả năng là yếu tố đảm bảo tìm được một công việc. Những người được hỏi khác trong khu vực cũng coi những kỹ năng này là những kỹ năng quan trọng nhất sẽ hỗ trợ họ trong hành trình tìm việc.
Bên cạnh đó, 10% những người được hỏi cho biết kỹ năng công nghệ cũng được coi là một trong những kỹ năng quan trọng không thể thiếu để có thể hòa nhập tốt hơn vào môi trường làm việc kỹ thuật số đang ngày càng phát triển trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0.
Tiếp thêm sức mạnh cho những thanh niên yếu thế
Khi thanh niên tiếp tục tìm kiếm việc làm trong môi trường kinh tế khó khăn, cần có nhiều hỗ trợ hơn để giảm bớt gánh nặng và tiếp thêm sức mạnh cho thanh niên trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Với sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) có từ năm 2009, GoTeach đang tìm cách để cải thiện cơ hội tìm được việc làm của người trẻ, đặc biệt là những người trẻ có xuất phát điểm bất lợi về kinh tế - xã hội.
Trong thập kỷ qua, chương trình DPDHL GoTeach đã cung cấp dịch vụ cố vấn, đào tạo kỹ năng việc làm, viết sơ yếu lý lịch, thực tập và tổ chức trại thanh niên cho gần 2.500 thanh niên trên toàn khu vực, hỗ trợ nhiều thanh niên có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn.
Tập đoàn DPDHL gần đây đã đánh dấu kỷ niệm năm thứ 10 thành lập chương trình GoTeach ở Việt Nam, và cam kết tiếp tục hợp tác với Làng trẻ em SOS, tổ chức phi chính phủ lớn nhất tập trung vào việc hỗ trợ trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hoặc gia đình gặp biến cố.
Ngày Kỹ năng Thanh niên thế giới từ khi được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định vào năm 2014, đã trở thành cơ hội cho người trẻ, cho các tổ chức giáo dục và đào tạo kỹ thuật - dạy nghề (technical and vocational education and training - TVET) cũng như các bên có liên quan trong nền kinh tế công - tư, để thừa nhận và tôn vinh tầm quan trọng của việc trang bị cho những người trẻ các kỹ năng để làm việc, có được việc làm bền vững và cơ hội khởi nghiệp. Chủ đề của năm nay là "Kỹ năng cho một thanh niên kiên cường" (Skills for a resilient youth)./.