Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện
Thu hút đầu tư vào ngành Điện đang là vấn đề cấp bách. Luật Điện lực sửa đổi được kỳ vọng là một bước đột phá về chính sách để ngành Điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước.
Chậm trễ là tắc
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện khoảng 550-600 tỷ kWh.
Để đạt mục tiêu này, ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn trong khi dòng vốn nội sinh của nền kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu, cơ chế giá điện cần đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện phải được giải quyết những vướng mắc về chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro tỉ giá...
Trên thực tế hàng loạt dự án nguồn điện lớn dù có trong quy hoạch, đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng vì nhiều lý do đang gặp khó trong triển khai, dẫn đến khả năng chậm tiến độ. Nếu không có sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của các cơ quan liên quan, những vướng mắc đầu tư ngành điện có thể sẽ kéo dài và ngày càng phức tạp.
Theo các tính toán mới nhất của ngành điện cho thấy, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Sự chuyển dịch nhu cầu năng lượng trong thời gian tới sẽ diễn ra rất mạnh mẽ ở Việt Nam khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện Cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26.
Dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD.
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, con số dự kiến này là rất lớn nên cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Thực tế cho thấy các nhà đầu tư tư nhân và việc cấp vốn từ các tổ chức tín dụng đều được xem xét đánh giá rất kỹ về yếu tố lợi nhuận nên đã ảnh hưởng lớn đến thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vào các dự án điện.
Việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh (giá điện minh bạch) là cần thiết nhằm tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch; Hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; Điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...
Sửa đổi Luật Điện lực là đòn bẩy
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, xây dựng mục tiêu với ngành Điện. Theo đó với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7%, để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt khoảng 12-13%. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan, trong giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, nhất định không để thiếu điện từ nay đến năm 2030, vừa bảo đảm cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh.
Để giải quyết tình trạng thiếu điện, giải pháp căn cơ nhất là phát triển nguồn cung nhưng việc này đang gặp phải những rào cản lớn, nhất là về cơ chế, chính sách. Luật Điện lực 2004 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành Điện trong tình hình mới.
Đó cũng là nguyên nhân khiến hầu hết dự án phát triển nguồn điện bị chậm tiến độ, không thu hút được đầu tư, đặc biệt là các dự án nguồn điện mới như điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi, trong khi các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, điện than không còn dư địa. Đơn cử như trong 13 dự án điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII, chỉ có Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 đang triển khai, các dự án khác đều gặp khó khăn khi cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện, vướng mắc kéo dài trong cam kết mua điện, chính sách chuyển ngang giá khí sang giá điện và các điều kiện bảo đảm đầu tư khác để nhà đầu tư có thể vay vốn, thu hồi chi phí đầu tư… Bởi vì chỉ có các doanh nghiệp nhà nước đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, làm nhiệm vụ chính trị còn các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài sẽ không đầu tư nếu không thấy được hiệu quả kinh tế.
Ngày 30/11/2024 Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 81 điều (Hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025), có nhiều thay đổi so với Luật Điện lực 2004, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhiều thay đổi tích cực đối với ngành điện. Theo đó một số điểm nổi bật của Luật Điện lực sửa đổi là: Ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, tiến tới giảm thiểu và xóa bỏ bù chéo giữa các khối khách hàng và vùng miền; Bổ sung các dự án điện khẩn cấp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt giai đoạn 2026 trở đi; Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các đường dây truyền tải từ cấp cao áp (220kV) trở xuống; Khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) theo nghị định 80/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo có thể vận hành theo cơ chế đấu thầu và đàm phán giá điện, theo Nghị định 115/2024/NĐ-CP; Tạo cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi; Ban hành cơ chế sản lượng hợp đồng dài hạn với điện khí LNG và điện gió ngoài khơi phát điện lên hệ thống điện quốc gia; Bổ sung cơ chế xuất khẩu điện quốc gia; Năng lượng nguyên tử được tái khởi động đầu tư.
Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương thúc đẩy triển khai các dự án điện, triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có công suất lớn, đặc biệt là ở miền Bắc như: Triển khai sớm các dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn - Thanh Hóa (1.500MW), LNG Quỳnh Lập - Nghệ An (1.500MW); Phấn đấu khởi công trong quý 2 năm 2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các dự án đã có chủ đầu tư: LNG Quảng Ninh (1.500MW), LNG Thái Bình (1.500MW); Khẩn trương hoàn thành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Quảng Trạch I (EVN - 1403MW).../.