"Không chỉ vượt qua mà dừng lại trước ranh giới cũng cần sự dũng cảm"

Tuấn Hưng| 02/11/2021 09:43
Theo dõi ICTVietnam trên

50 phút của bộ phim “Ranh Giới” (phát sóng trên VTV1 ngày 8/9) đã mang đến những cảm xúc nghẹt thở cho người xem về cuộc vật lộn để giành giật sự sống cho các sản phụ bị nhiễm COVID-19 nặng của các y, bác sỹ nơi tuyến đầu. Nhưng bên cạnh đó cũng dấy lên cuộc tranh luận xung quanh quyền riêng tư của người bệnh.

Tạp chí TT&TT đã có cuộc phỏng vấn với nhà báo Vĩnh Quyên, nguyên Phó TGĐ truyền hình Quốc hội về khía cạnh "nghề nghiệp" trong bộ phim này.

Tháng 9/2021, khi "Ranh Giới" – phim tài liệu của VTV về cuộc chiến giành giật sự sống của các bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Hùng Vương (TP. HCM) được phát trên truyền hình đã gây cảm xúc mạnh với người xem. Ở khía cạnh nghề nghiệp, bà có nhận xét gì về bộ phim và những người thực hiện

Nhà báo Vĩnh Quyên: Trước hết phải khẳng định "Ranh Giới" là một bộ phim tài liệu rất thành công. Không chỉ đáp ứng tính thời sự nóng hổi mà bộ phim còn ghi nhận sự dấn thân, dũng cảm của nhóm làm phim.

Nhà báo Vĩnh Quyên – Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội: Không chỉ vượt qua mà dừng lại trước ranh giới cũng cần sự dũng cả - Ảnh 1.

Nhà báo Vĩnh Quyên – Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội.

Theo các thông tin trên báo chí thì bộ phim được ê kíp thực hiện vào tháng 7-2021, thời điểm mà TP. HCM bắt đầu rơi vào tâm dịch COVID-19 với con số người mắc tăng lên chóng mặt từng ngày, kèm theo con số tử vong đã bắt đầu vượt khỏi sự kiểm soát. Lúc này chỉ có các bác sỹ và các tình nguyện viên là có mặt ở tuyến đầu, ngay báo chí vào giữa tâm dịch để phản ánh hiện thực cũng rất hạn chế vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim đã tác nghiệp trong 21 ngày phần lớn tại khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Đây là khu vực đặc biệt, nơi tiếp nhận và điều trị các sản phụ là bệnh nhân COVID-19 nặng ở tầng cuối cùng. Sự căng thẳng còn nhân lên nhiều lần bởi đây là nơi cấp cứu các sản phụ là bệnh nhân COVID-19 nặng ở tầng cuối cùng.

Tại sao phải nói kỹ về bối cảnh tác nghiệp, vì không phải đồng nghiệp nào cũng đủ dũng cảm để vào những chỗ như thế này tác nghiệp. Bởi có gì chắc chắn là sẽ không bị lây nhiễm khi ở trong một môi trường đậm đặc COVID như vậy.

Thứ hai, sự khôn ngoan khi lựa chọn đề tài và cách thể hiện của nhóm tác giả. Tác chiến "thời chiến" không có nhiều lựa chọn. Bối cảnh duy nhất chỉ có khoanh vùng chính ở khu K1 nên đạo diễn đã chọn cả bệnh nhân và bác sỹ làm nhân vật của mình. Ở đây, thay vì đọc lời bình và phỏng vấn dài dòng như rất nhiều phim tài liệu khác của Việt Nam, đạo diễn đã sử dụng thủ pháp phi hư cấu: không lời bình, dùng hình ảnh, lời nói, âm thanh ghi trực tiếp từ hiện trường bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật; đưa người xem đến phòng mổ, phòng cấp cứu, ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của bệnh nhân, của bác sỹ.

"Tôi làm "Ranh Giới" khá hồi hộp, có những đoạn bí bách, tạo cảm giác như đưa người xem đứng ở trong đấy và chứng kiến tất cả. Mục đích là làm sao cho người xem cảm thấy sợ, để lo cho mình, nghĩ đến mình. Nhưng sợ thế nào chỉ vừa phải và đúng độ thôi. Nếu quá, sẽ có những người sợ mà… tắt đi không xem nữa. Chính vì thế, những điều đó được chúng tôi cân nhắc khá kĩ khi làm hậu kì. Quan trọng nhất, mình đóng góp được một sản phẩm đưa nó vào công cuộc tuyên truyền để chống sự tàn phá của COVID-19".

Đạo diễn TẠ QUỲNH TƯ (Doanh nghiệp và Tiếp thị ngày 11/09/2021)

Với thủ pháp như vậy, trong một bối cảnh "đặc biệt" như vậy, nên khi bộ phim lên sóng VTV1 tối 8/9, đã ngay lập tức nhận được những phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả. Lần đầu tiên khán giả được xem một bức tranh khá đầy đủ về sự nguy hiểm khủng khiếp của SARS-CoV-2, thấy được rõ nét hơn những vất vả, khó nhọc, những hy sinh vô bờ bến của các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

Tôi phải nói là khá đầy đủ và rõ nét hơn vì thực ra trong các phóng sự thời sự nhỏ lẻ, trong các clip người nhà bệnh nhân đưa lên, những lời cầu cứu trên các status trong các hội nhóm cũng đủ khiến chúng ta rùng mình kinh hãi vì sự khủng khiếp của COVID-19, cũng như cảm phục sự hy sinh của những y bác sỹ, những tình nguyện viên. Và khi những sự thực ấy, sự khủng khiếp đấy được thực hiện thành một bộ phim dài và phát sóng trong một thời điểm "vàng" như vậy thì chắc chắn việc cảm xúc của người xem được đẩy lên đỉnh điểm là đương nhiên.

"Ranh Giới" đã khiến cả xã hội bùng nổ cảm xúc - đấy là thành công của bộ phim. Và dù còn nhiều tranh cãi nhưng chắc chắn "Ranh Giới" là một dấu mốc chứng minh với công chúng về chất lượng phim tài liệu của Việt Nam.

Nhà báo Vĩnh Quyên – Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội: Không chỉ vượt qua mà dừng lại trước ranh giới cũng cần sự dũng cả - Ảnh 3.

Bộ phim cho thấy hậu quả tàn khốc của đại dịch COVID-19, tinh thần hy sinh của y bác sĩ, sức chiến đấu của chính các bệnh nhân, nhưng nó cũng làm dấy lên những tranh luận về "ranh giới giữa những bí mật đời tư, quyền nhân thân của bệnh nhân". Bà suy nghĩ gì về điều này?

Nhà báo Vĩnh Quyên: Tranh luận cũng là điều dễ hiểu và xét về một khía cạnh nào đấy thì đó cũng là một thành công của phim. Một bộ phim sẽ thất bại khi xem xong không ai có ý kiến gì (cười), mà chúng ta có khá nhiều bộ phim như thế đấy.

Quay trở lại vì sao dấy lên tranh cãi? Bởi trong "Ranh Giới" có những cảnh, những đoạn thoại, những chi tiết liên quan tới bệnh nhân trong những tình huống khá riêng tư. Mặc dù bộ phim đã có dòng đề từ "bộ phim đã được sự đồng ý của các nhân vật" nhưng khá nhiều người xem vẫn băn khoăn, đặc biệt là một trường đoạn rất dài cận cảnh về hành trình cận tử của một sản phụ, từ lúc chuyển nặng, cấp cứu và không qua khỏi, cho tới cảnh bố của bệnh nhân tới làm thủ tục hậu sự, hay đoạn hội thoại giữa một người chồng vì hoảng loạn cứ hỏi liên tục "em có khỏe không" trong khi vợ thì đang nguy kịch thều thào nói không ra hơi, hay chi tiết hỏi người thân bệnh nhân bỏ thai để cứu mẹ...

Trước những chi tiết này người xem có quyền đặt câu hỏi liệu những bệnh nhân nặng trước cái chết cận kề về mặt lý thuyết họ có đủ minh mẫn và tỉnh táo để quyết định là đồng ý lên hình không che mặt không?

Ngay cả trong các trường hợp có sự đồng ý của nhân vật thì sự đồng ý đấy không chỉ đơn giản ở cái gật đầu, ở câu có/không bằng miệng mà còn phải có chữ ký đầy đủ bằng văn bản, vì lời nói gió bay không có gì làm bằng chứng. Và các nhân vật ấy có được giải thích kỹ càng về những hình ảnh gì của họ sẽ được đưa lên màn ảnh cũng như các hậu quả kéo theo là gì không bởi chắc chắn họ chưa lường được việc lên hình sẽ tác động đến họ và những người thân của họ như thế nào sau khi phim phát sóng.

Đặc biệt trong trả lời báo chí (Tuổi Trẻ online ngày 9/9/2021), đạo diễn Quỳnh Tư nói rằng, êkip đã trao đổi cùng các y bác sĩ và nhận được ý kiến của đa số là không cần che mặt các bệnh nhân. Đọc chỗ này tôi hơi ngạc nhiên là tại sao y bác sỹ lại có quyền can dự vào việc che hay không che mặt bệnh nhân? Bởi, dù bất kỳ vì lý do gì tốt đẹp đến mấy, y bác sỹ cũng không có quyền ấy.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được bảo vệ theo quy định Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 32, Điều 38 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Đặc biệt đối với bệnh nhân thì vấn đề quyền riêng tư còn được bảo vệ bởi Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Theo Điều 8, cá nhân có quyền được tôn trọng bí mật riêng tư. Theo đó, bệnh viện phải giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án. Trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật cho cơ quan điều tra hoặc luật sư.

Nhà báo Vĩnh Quyên – Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội: Không chỉ vượt qua mà dừng lại trước ranh giới cũng cần sự dũng cả - Ảnh 4.

Hậu trường tác nghiệp phim Ranh Giới.

Việc tiếp cận sự kiện khách quan luôn là mong mỏi đồng thời là trách nhiệm của nhà báo. Song, việc tiếp cận ở góc độ nào, khai thác thông tin như thế nào để đúng với mục đích "sử dụng thông tin nhằm phục vụ lợi ích của công chúng" mà không vi phạm đời tư của nhân vật, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ là một "ranh giới" khá nhạy cảm và dễ gây tranh cãi.

Nếu là người thực hiện bộ phim, thì bà sẽ chọn việc "làm mờ" hay để "lộ mặt" các nhân chứng?

Nhà báo Vĩnh Quyên: Tôi sẽ chọn cách "làm mờ" hoặc chọn các góc quay khác, hoặc dùng thủ pháp khác, không nhất thiết phải làm "lộ mặt" họ.

Và lý do tại sao?

Nhà báo Vĩnh Quyên: Có thể vì tôi là phụ nữ nên có một góc nhìn khác Quỳnh Tư chăng? Tôi muốn quyền riêng tư của bệnh nhân và gia đình họ cần được tôn trọng cho dù họ đồng ý lên hình. Họ có thể không biết cặn kẽ họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu để "lộ mặt" trên sóng trước hàng triệu người, nhưng tôi thì biết.

Cùng là phụ nữ, tôi muốn bảo vệ họ. Các cụ đã nói "chửa là cửa mả" huống hồ đã chửa lại còn bị COVID thì kinh khủng thế nào. Là phụ nữ không ai muốn lộ hình ảnh xấu xí, hoảng loạn của mình trước công chúng. Hình ảnh những thai phụ đang đau khổ, hoảng sợ tột cùng bởi nỗi đơn độc không có người thân bên cạnh, bởi cái chết cận kề cần được bảo vệ.

Tôi không muốn dùng những hình ảnh bi kịch của họ để làm công chúng xúc động. Bởi thực tế, đám đông đúng là xúc động và khóc hết nước mắt vì câu chuyện nhưng nỗi đau đó không phải là của họ. Xem xong cho dù còn thương cảm nhưng họ sẽ đi làm việc khác, sẽ lại có những cảm xúc khác. Nhưng bạn biết đấy, những hình ảnh, những khuôn hình sẽ còn mãi trên Youtube và nhân vật trong phim cùng với những người thân sẽ sống mãi trong một tình trạng đau khổ tột bậc mà chắc không ai muốn thấy mình trong cảnh đó.

Sự dằn vặt sẽ ám ảnh họ trong khi ai cũng muốn để lại quá khứ để bước tiếp.

Việc khắc họa chân thực sự nguy hiểm của một con người với mục đích cảnh tỉnh có nên là sự lựa chọn cho những trường hợp như COVID-19 hay không?

Nhà báo Vĩnh Quyên: Bây giờ là thời bình, không phải chiến tranh, chúng ta không nên biện minh rằng để phục vụ tuyên truyền, phục vụ lợi ích cộng cộng đồng nên sẵn sàng bước qua số phận của cá nhân. Bởi tin tức sẽ qua đi nhưng nhân vật thì ở lại.

Những người làm báo hẳn không quên những bức ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử giới báo chí quốc tế: "Kền kền chờ đợi" của Kevin Carter, Bức "Hỏa hoạn trên phố Marlborough" của Stanley Forman, ảnh chụp vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 của Thomas Hoepker. Bức ảnh chụp cô bé Omayra Sanchez hồi năm 1985 của Frank Fournier… Những bức ảnh đấy đều đoạt giải báo chí nhưng đã dấy lên những sự tranh luận về số phận, về quyền riêng tư của nhân vật, về đạo đức báo chí.

Mặc dù sứ mệnh là đưa tin chân thực nhưng không có nghĩa là tất cả những gì mắt thấy, tai nghe đều có thể đưa lên báo. Sự chân thực ấy cần được kể bằng những hình thức khác, không nhất thiết phải phơi bày những hình ảnh quá riêng tư, dù đã có sự đồng ý của các nhân vật. Một tác phẩm được thực hiện với một dụng ý tốt đẹp rất không nên là nguồn cơn gây nên bi kịch cho những cá nhân khác.

Cũng không nên sử dụng thủ pháp dùng cái khốn cùng của người này để cảnh báo người khác, dùng cái tàn khốc của những chết chóc để cảnh tỉnh, kể cả trong trường hợp như COVID-19. Ý định đó tôi nghĩ thể loại khác sẽ làm tốt hơn.

Hãy nhớ đến một số bộ phim xuất sắc về các loại đại dịch như phim "Đại dịch cúm" của Hàn Quốc, phim "Chuyến tàu tới Bussan 1" (Chuyến tàu sinh tử) của Hàn Quốc, "Nỗi sợ hãi mang tên Virus Coronna" của Canada, "Điểm nóng" của Mỹ, "Cách ly" của Mỹ,...

Có những phim làm khá lâu rồi khi COVID chưa xuất hiện mà xem phim xong tôi kinh ngạc bởi như đang nói về hiện tại của chúng ta. Đó chính là giá trị của nghệ thuật thứ Bảy.

Đâu là lời khuyên mà bà đưa ra cho các trường hợp tương tự?

Nhà báo Vĩnh Quyên: Thực ra nói lời khuyên thì không đúng lắm vì mỗi tác giả khi thực hiện tác phẩm đều có dụng ý, có quan điểm riêng của họ. Các cụ có câu "văn mình" mà (cười).

Tôi chỉ nghĩ thế này, việc lựa chọn những gì để đưa vào tác phẩm của mình không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là những chi tiết mà biết chắc nếu đưa vào sẽ rất hấp dẫn người xem, dễ lấy cảm xúc của người xem. Cho nên, đôi khi có những vấn đề, những tình huống rất khó đưa ra quyết định "trắng-đen" ngay mà nó đòi hỏi cần phải cân nhắc để quyết định bước qua hay dừng lại trước các "ranh giới": Ranh giới đạo đức, ranh giới luật pháp và ranh giới tuyên truyền.

Lâu nay chúng ta hay ca ngợi việc bước qua "ranh giới" là dũng cảm. Nhưng thiết nghĩ, đôi khi quyết định dừng lại trước "ranh giới" cũng cần sự dũng cảm không kém. Quyết định không khai thác một nhân vật có số phận rất hấp dẫn, quyết định không đưa lên khuôn hình một chi tiết, một hình ảnh "độc, lạ" dễ lấy nước mắt của công chúng luôn là một quyết định không dễ dàng!./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Không chỉ vượt qua mà dừng lại trước ranh giới cũng cần sự dũng cảm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO