Không nên trốn trong nhà vệ sinh khi có cháy
Khi có cháy, nhiều người nghĩ ngay tới chuyện tìm nơi có nước, vì nghĩ rằng lửa sẽ tắt khi gặp nước.
Năm 2017, tại thủ đô London của nước Anh xảy ra vụ hỏa hoạn khủng khiếp làm cháy tòa chung cư 24 tầng tên là Grenfell, là khu chung cư dành cho những đối tượng xã hội. Một năm sau, giới chức Anh công bố nguyên nhân vụ cháy là do trong quá trình tu sửa tòa chung cư, nhà thầu đã sử dụng các vật liệu dễ bắt lửa. Theo con số được công bố chính thức, 71 người đã thiệt mạng trong vụ cháy này, nhưng nhiều người tin rằng con số thực sự lớn hơn thế.
Trong vụ cháy tòa nhà Grenfell, theo Telegraph, đã xảy ra một sự việc hy hữu. Một bà mẹ sống tại tầng 11 của tòa chung cư đã cứu cả nhà thoát chết nhờ xả nước trong nhà tắm để làm mát trong lúc chờ cứu hộ. Người phụ nữ này sau đó được ca ngợi như người hùng. Thông tin này cũng làm nhiều người cho rằng khi nhà bị cháy, nên chạy vào nhà tắm vì nơi đó có nước. Ở đâu có nước thì ở đó lửa sẽ không thể lan tới. Ở Việt Nam cũng đã có những người chạy trốn vào nhà vệ sinh khi bị lửa vây trong đám cháy. Nhưng những người này hầu như đã trở thành nạn nhân của hỏa hoạn. Nhà vệ sinh không thể cứu được họ.
Các chuyên gia phòng cháy chữa cháy cho rằng gia đình ở London kia đã gặp may vì lính cứu hỏa kịp tìm thấy họ sớm. Nếu họ kẹt trong nhà vệ sinh lâu hơn, họ có thể không còn sống để được ca ngợi và làm nhiều người tin vào kiến thức sai lệch trong việc tìm lối thoát an toàn khi nhà bị cháy.
Theo chuyên gia về hỏa hoạn Ben Urwin, trong 1 vụ cháy, những người chết do bị lửa thiêu chỉ chiếm khoảng từ 10-15%. 85-90% nạn nhân thiệt mạng trong đám cháy là do hít phải khói chứa đầy khí độc, dẫn tới ngạt thở, hôn mê rồi tử vong; hoặc bị tổn thương phổi do hít phải luồng khí cực kỳ nóng phát ra từ ngọn lửa. Trong những đám cháy lớn, việc xả nước ra sàn chỉ có tác dụng giảm nhiệt trong một thời gian ngắn. Đó là chưa kể việc xả nước có thể làm chập điện, gây cháy nổ hoặc giật điện những người tiếp xúc với nước
Trong tình thế hoảng loạn, không ít người, thay vì tìm đường thoát ra ngoài thì chạy ngược vào nhà vệ sinh để trốn, mở vòi xả nước với suy nghĩ đơn giản rằng nước sẽ ngăn lửa lan tới. Nhưng thực tế, trong đám cháy, người tử vong vì bị cháy ít hơn nhiều so với người tử vong vì ngạt khói. Kể cả với những người được cứu thoát hay tự thoát khỏi đám cháy thì số người bị thương vì bỏng lửa thấp hơn nhiều số người bị thương vì ngạt khói, bỏng đường hô hấp.
Trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương hồi tháng 9 năm ngoái làm 32 người chết, lực lượng cứu nạn phát hiện nhiều người tử vong trong nhà vệ sinh. Phân tích vụ cháy, chuyên gia cho rằng, trong cơn hoảng loạn, nhiều người không còn sáng suốt nên đã chạy vào nhà vệ sinh vì tin rằng nước sẽ giúp mình không bị cháy. Họ mất đi sự sáng suốt, có thể nguyên nhân là do đã có bia, rượu trong người, không còn tỉnh táo.
Tại sao nhà vệ sinh lại là nơi nguy hiểm khi nhà bị cháy?
Nhà vệ sinh thường được bố trí ở góc nhà, góc phòng, là một không gian nhỏ và kín, không có lối thoát nào khác ngoài cửa nhà vệ sinh thông với không gian phòng bên ngoài. Khi đóng cửa nhà vệ sinh, lối thông khí với bên ngoài duy nhất là qua cửa quạt thông gió (nếu có). Không gian nhà vệ sinh nhỏ nên lượng không khí thở được trong đó là rất ít. Khói độc, khí độc sinh ra trong đám cháy sẽ len vào, dần dần xâm chiếm không gian của dưỡng khí. Khi đó, người trốn trong nhà vệ sinh dễ dàng và nhanh chóng bị ngạt khói, dẫn tới hôn mê và tử vong. Người bị ngạt khí độc sẽ tử vong vì ngộ độc trước khi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ của lửa.
Suy nghĩ tìm tới nhà vệ sinh để trốn lửa vì nhà vệ sinh có nước là suy nghĩ ngây thơ, vì khi nhà bị cháy, nhiệt độ đám cháy có thể lên đến 1.000 độ C. Ở nhiệt độ này, đường ống dẫn nước sẽ bị phá hủy. Lượng nước có sẵn sẽ nhanh chóng bị lửa hun nóng. Khi đó, thay vì làm mát, nước lại trở nên nguy hiểm với người tiếp xúc.
Mặt khác, trốn trong nhà vệ sinh, người trốn không thể biết đám cháy đang diễn tiến như thế nào, thụ động ngồi chờ cứu hộ. Nhà vệ sinh thường ở vị trí kín đáo, góc khuất, nên lực lượng cứu hộ khó tìm thấy trong quá trình tìm kiếm người bị kẹt trong đám cháy, nếu có phát hiện ra người kẹt trong nhà vệ sinh thì cũng mất nhiều thời gian tiếp cận và sơ tán. Vì vậy, cơ hội sống sót của người trốn trong nhà vệ sinh gần như không có nếu đám cháy chậm được dập tắt.
Từng có người trốn trong nhà vệ sinh và thoát nạn, nhưng trường hợp này là rất may mắn vì đám cháy nhanh chóng được dập tắt, khí độc chưa xâm lấn quá nhiều vào không gian nhà vệ sinh. Nếu đám cháy bùng phát lớn và kéo dài lâu thì nhà vệ sinh là khu vực cực kỳ nguy hiểm.
Sau khi nhiều nạn nhân hỏa hoạn được phát hiện đã tử vong trong nhà vệ sinh, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân không được trốn trong nhà vệ sinh, trong tủ quần áo hay dưới gầm giường… khi có cháy. Thay vì vậy, ưu tiên hàng đầu khi không may ở trong đám cháy là nhanh chóng tìm lối thoát ra. Nếu không thể thoát ra khỏi đám cháy thì phải nhanh chóng tìm nơi có dưỡng khí.
Nếu đang ở trong phòng, không thể thoát ra, thì cần bịt mọi đường có thể đưa khói vào phòng, như dùng băng dính dán kín các kẽ hở, hoặc nhúng ướt vải chèn vào những chỗ hở. Nếu nguồn nước vẫn an toàn thì xả nước tràn ra phòng để làm giảm nhiệt độ trong phòng và làm chậm quá trình lửa xâm lấn vào phòng. Với tình huống đám cháy đang lan từ tầng dưới lên tầng trên, nên xả nước để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống để ngăn đám cháy lan nhanh. Nhưng khi xả nước thì phải cắt điện ngôi nhà, đề phòng nước tràn làm các thiết bị điện chập cháy, rò điện, sẽ gây giật điện.
Nếu nhà có ban công, thì cần ra ban công, nơi có nguồn dưỡng khí, để có thể cầm cự lâu hơn trong khi chờ được giải cứu. Khi đó, tìm ngay một vật có thể tạo thành vách ngăn, như tấm đệm giường, gác một đầu lên thành ban công, một đầu tựa vào chân tường, hoặc tạo thành một hình tam giác rồi chui vào đó để tránh khói. Khói từ trong phòng lùa ra ngoài sẽ trượt qua tấm đệm hướng lên cao. Người trốn bên dưới đệm sẽ được che chắn khỏi khói độc.
Nếu phòng không có ban công, phải tìm cách mở cửa sổ hướng ra đường. Nhưng trong trường hợp này, người mở cửa sổ phải thận trọng vì tay nắm cửa có thể bị nung nóng, gây bỏng. Hoặc, mở cửa sổ đột ngột có thể dẫn đến chênh lệch áp suất giữa bên ngoài và trong phòng, khiến khí độc tràn vào phòng.
Theo đại tá Trần Văn Bảy, Trung tâm đào tạo huấn luyện Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an Thành phố Hồ Chí Minh), khi bị kẹt trong một đám cháy lớn bao trùm cả tòa nhà thì dù bạn có nhảy xuống bể bơi hoặc cố thủ trong nhà vệ sinh thì cũng dễ bị ngạt mà chết. Cách thông minh nhất là tìm mọi cách để sang khu vực khác không bị cháy.
Khi thoát ra khỏi đám cháy, cần dùng vải thấm nước che kín mũi, miệng, cúi thấp người để không bị hít phải khói độc. Nếu có chăn hoặc tấm vải lớn thì nhúng ướt nước rồi trùm lên người để không bị bỏng khi thoát ra ngoài. Khi chạy trốn đám cháy, không được đi chân trần vì có thể bị bỏng nặng bàn chân, giảm cơ hội thoát thân.
Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho hay về mặt khoa học, cách chui vào không gian kín như nhà vệ sinh không phải là tối ưu, thậm chí là phản khoa học. “Trong phòng kín, dù có xả nước lạnh hay quạt thông gió thì dưỡng khí sẽ mất dần sau khi bị các loại khí độc như CO, HCN, CO2... len vào, xâm chiếm không gian của dưỡng khí", bác sĩ Hoàng cho biết./.