Truyền thông

Kiên Giang: Tổ chức Diễn tập vận hành cơ chế Tìm kiếm cứu nạn hàng không năm 2023 (SAREX 2023)

Hà Linh 30/11/2023 16:18

Ngày 30/11/2023 tại Đài Kiểm soát không lưu Phú Quốc, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn tập vận hành cơ chế Tìm kiếm cứu nạn hàng không năm 2023 (SAREX 2023).

Đây là cuộc diễn tập vận hành cơ chế tại các vị trí giả định, thể hiện công tác chỉ huy, phối hợp hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) mô phỏng theo một số vị trí tác nghiệp thực tế tại các cơ quan, đơn vị liên quan trong khu vực Đài Kiểm soát không lưu Phú Quốc.

Cuộc diễn tập với tình huống giả định xảy ra đối với một tàu bay từ Indonesia đến Campuchia qua Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh, tàu bay bị trục trặc động cơ xin giảm độ cao để hạ cánh sân bay Phú Quốc, sau đó tàu bay mất tín hiệu trên màn hình rada và kiểm soát viên không lưu không liên lạc được với tàu bay. Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tìm kiếm, xác định vị trí tàu bay lâm nạn và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn gồm các lực lượng thuộc hệ thống phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang chủ trì; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực III tham gia.

433-202312091851111.jpg

Phát biểu khai mạc diễn tập, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết “Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động hàng không trong nước và quốc tế, bên cạnh việc tăng cường nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ không lưu, thông tin dẫn đường giám sát, thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không thì việc củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GTVT, Cục HKVN luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của ngành hàng không Việt Nam, thực hiện các quy định của luật pháp, đồng thời đảm bảo các cam kết với cộng đồng hàng không quốc tế”.

Với tần suất hoạt động ngày càng cao, việc không ngừng nâng cao tính chủ động nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra liên quan đến hoạt động bay đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp hiệp đồng với các lực lượng của địa phương trong công tác TKCN HK là vấn đề cần thiết. Khi có các tình huống lâm nguy, tai nạn hàng không xảy ra thì không chỉ có các lực lượng thuộc ngành HK tìm kiếm và cứu nạn mà còn có sự tham gia phối hợp của các cơ quan ban ngành và các lực lượng địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập, ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang cho biết “Đối với tỉnh Kiên Gian, đây là năm đầu tiên UBND tỉnh phối hợp cùng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiến hành diễn tập, thông qua diễn tập này không chỉ trang bị thêm kiến thức, kỹ năng mà còn phát hiện những hạn chế, tồn tại trong tổ chức hợp đồng phối hợp chỉ huy điều hành công tác TKCN hàng không, đảm bảo không bị động, lúng túng khi có tình huống xảy ra”.

SAREX 2023 được vận hành theo Quy chế Phối hợp TKCN hàng không dân dụng ban hành theo Quyết định 33/2012/QĐ-TTg ngày 6/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích của cuộc diễn tập nhằm rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR HCM); Kiểm tra năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và điều hành công tác TKCN hàng không của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; đồng thời rà soát hoàn thiện các quy định, kế hoạch, phương án về công tác TKCN hàng không; Thực hành kỹ năng xác định khu vực ưu tiên tìm kiếm, xây dựng và triển khai phương án TKCN và kế hoạch bay TKCN theo tình huống giả định. Bên cạnh đó, diễn tập cũng nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các cán bộ, nhân viên của Tổng công ty và các tổ chức, cơ quan liên quan biết được thực tế của hoạt động TKCN và trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động TKCN hàng không.

phu-quoc-01.jpg

Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng kết nối với các nước Đông Nam Á đặc biệt là Campuchia và Thái Lan bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, Kiên Giang ngày càng trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Những năm gần đây, số lượng chuyến bay đến sân bay quốc tế Phú Quốc ngày càng tăng, trung bình 100 lần chuyến/ ngày, vào mùa du lịch có thời điểm lên đến 150 chuyến cất và hạ cánh/ngày. Ngoài ra các hoạt động bay quá cảnh qua vùng trời khu vực sân bay Phú Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ các hoạt động bay tại khu vực này, hiện nay, Tổng công ty QLB VN đã và đang triển khai các giải pháp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trang thiết bị và xây dựng các phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay cho khu vực sân bay Phú Quốc. Việc phối hợp với tỉnh Kiên Giang để tổ chức diễn tập TKCN HK năm nay cũng là một trong số các hoạt động nằm trong kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm bảo hoạt động bay của Tổng công ty.

Lực lượng trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ TKCN của Tổng công ty quản lý bay hoạt động 24/24h gồm:

- Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng không thuộc Tổng công ty: Là cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tổng công ty, tham mưu, chỉ đạo công tác chuyên môn TKCN, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin về TKCN và phối hợp hiệp đồng với 03 Trung tâm Hiệp đồng TKCN tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực thi nhiệm vụ TKCN.

- Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc.

- Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không thuộc Công ty Quản lý bay miền Trung.

- Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tổ chức Diễn tập vận hành cơ chế Tìm kiếm cứu nạn hàng không năm 2023 (SAREX 2023)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO