Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ý kiến chuyên gia

Kinh tế số đi con đường Việt Nam: Tập trung công nghiệp ICT và kinh tế số Ngành

Bộ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN MẠNH HÙNG 14/09/2023 05:00

Ngày 30/8/2023, tại trụ sở Bộ TT&TT, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Đây là phiên họp chuyên đề thứ hai mà Bộ TT&TT là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về CĐS tổ chức trong năm nay để thúc đẩy phát triển kinh tế số (KTS) ngành và đo lường KTS.

bo-truong-30082023_2.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững

Tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng như của cả thế giới đang chững lại. Chúng ta sẽ bàn về các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh KTS phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số (KTS-XHS) đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt tối thiểu 20%, và đến năm 2030 đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ trọng trong từng ngành, từng lĩnh vực đến năm 2025 phải đạt tối thiểu 10% và đến năm 2030, tỷ trọng KTS trong từng ngành, từng lĩnh vực phải đạt tối thiểu 20%. Để đạt mục tiêu KTS chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như chiến lược đề ra, KTS phải tăng trưởng gấp khoảng 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng trên 20%/năm. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức và cần phải có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Kinh tế số muốn phát triển phải có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số năng động, xông xáo

Con đường phát triển KTS Việt Nam giai đoạn tới là gì và Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy phát triển KTS. KTS cơ bản gồm hai thành phần chính: thứ nhất là Công nghiệp ICT và thứ hai là KTS từng ngành, lĩnh vực. Công nghiệp ICT chúng ta đã làm cách đây nhiều chục năm, đã biết khá rõ. Và công nghiệp ICT của chúng ta hàng chục năm vừa qua đều đạt tốc độ tăng trưởng xung quanh 15%.

KTS cơ bản gồm hai thành phần chính: thứ nhất là Công nghiệp ICT và thứ hai là KTS từng ngành, lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, về cơ bản phát triển KTS là phải phát triển kinh tế của từng ngành, lĩnh vực. Không gian phát triển KTS Việt Nam nằm ở các ngành, các lĩnh vực là chính. Và đến năm 2030, KTS ngành phải chiếm ít nhất 70% KTS, so với hiện tại là khoảng 40%. KTS muốn phát triển phải có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) công nghệ số năng động, xông xáo.

KTS muốn phát triển thì phải dựa vào DN công nghệ số. DN công nghệ số muốn phát triển thì cũng phải dựa vào sự phát triển của KTS, thông qua phát triển KTS mà phát triển các DN công nghệ số.

Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực hãy viết câu chuyện mẫu, điển hình về phát triển kinh tế số của mình

Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực hãy viết nên câu chuyện mẫu, điển hình về phát triển KTS của mình. Muốn thúc đẩy, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực hãy viết nên câu chuyện mẫu, điển hình về phát triển KTS của mình thì phải đo lường được. Không chỉ đo lường KTS quốc gia mà còn là đo lường mỗi ngành, mỗi lĩnh vực hãy viết nên câu chuyện mẫu, điển hình về phát triển KTS của mình theo từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực. Kinh tế truyền thống thì đo lường có độ trễ cao, và vì vậy, các chính sách điều tiết, quản lý, thúc đẩy cũng có độ trễ cao nên không phát huy được hiện quả như mong muốn. KTS phải giải quyết được việc này. Chỉ có đo lường được mức độ phát triển KTS với độ trễ thấp, thấp nhất có thể, tức là theo tháng, theo quý thì mới có dữ liệu để phát triển KTS.

Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực hãy viết nên câu
chuyện mẫu, điển hình về phát triển kinh tế số của
mình.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Phát triển KTS phải đi con đường Việt Nam, bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển kinh tế số ngành

KTS đã và đang đóng vai trò ngày một quan trọng và trở thành động lực chính để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong và sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra.

Phát triển KTS bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển KTS ngành. Về lâu dài, KTS ngành sẽ là chính. Việt Nam cần thúc đẩy CĐS để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.

CĐS, phát triển KTS là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu. Bởi vậy, đặc điểm dân tộc, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành là yếu tố quyết định. Bài toán Việt Nam thì tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam.

bo-truong-nguyen-manh-hung-30082023.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu xây dựng một lý luận về CĐS, phát triển kinh tế số Việt Nam

Việt Nam phải đi con đường Việt Nam và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác, chúng ta sẽ mãi là người theo sau.

Một lý luận về CĐS, phát triển KTS Việt Nam là có ý nghĩa quyết định. Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.

Nói ý này để có niềm tin là Việt Nam có giá trị Việt Nam. Còn nếu như nghĩ rằng chúng ta cũng làm những việc như người khác làm, nước khác làm, mà mình lại là người theo sau thì giá trị thường là không nhiều.

Nói câu chuyện này để nói đến việc ứng dụng vào ngữ cảnh Việt Nam là điều quan trọng. Khi nói về công nghệ mới, có hai giai đoạn, nhất là những công nghệ có tính đột phá. Giai đoạn đầu là nghiên cứu, khám phá. Giai đoạn này có mấy đặc điểm: Một là cần giới tinh hoa. Hai là cũng phải vài chục năm bỏ công bỏ sức thì may ra mới có 1 phát hiện đột phá. AI đến giờ phút này cũng đã mấy chục năm thì bây giờ nó mới tạo ra đột phá. Và đặc điểm thứ ba là nó không có ngữ cảnh, cũng không có bối cảnh quốc gia. Và đến nay, cơ bản vẫn là Mỹ và một số nước phát triển đóng vai chính trong giai đoạn này.

Nhưng đến lúc đi vào giai đoạn ứng dụng, không cần nhiều đến giới tinh hoa, chỉ cần các kỹ sư ở mức ứng dụng. Giá trị tạo ra của những công nghệ đột phá chủ yếu đến trong giai đoạn ứng dụng. Quốc gia nào, ai nhanh chân trong chuyện ứng dụng thì người đó được hưởng lợi nhiều nhất.

Cho nên, bài toán Việt Nam chính là sự giàu có Việt Nam. Chúng ta trước đây thường hay sợ bài toán, sợ vấn đề nhưng một khi đã có vũ khí, có công cụ, công nghệ, đến giai đoạn ứng dụng, thực hành thì người nào có nhiều vấn đề, nhiều bài toán, người đó sẽ được hưởng lợi chính. Và giá trị của Việt Nam trong giai đoạn này là rất quan trọng.

Hình dung về kinh tế số

Để phát triển KTS, nên có một hình dung về nó. KTS theo nghĩa rộng là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được nâng cao đáng kể bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Tại sao chúng ta lại đề cập đến định nghĩa rộng? Đề cập đến định nghĩa rộng là để cho ai cũng làm được.

Ở Việt Nam, muốn thành công cái gì thì phải cách mạng toàn dân. Sức mạnh lớn nhất của người Việt Nam là sức mạnh toàn dân. Cho nên Việt Nam mới có chiến tranh nhân dân, rất độc đáo. Chính chiến tranh nhân dân đó đã giúp Việt Nam thắng bất kỳ kẻ thù nào. Muốn như thế, phải có hình dung mang nghĩa rộng, để ai cũng có thể làm được.

Chúng ta dùng một sản phẩm số là đã góp phần tạo nên KTS. Chúng ta mua sắm online là đã tham gia KTS. Chúng ta sử dụng hạ tầng mạng viễn thông trong làm ăn, công việc là tham gia KTS. Chúng ta sử dụng thể chế số để thay đổi việc vận hành trong nội bộ DN, đấy là làm KTS. Chúng ta có kỹ năng số để chúng ta sử dụng các phần mềm số trong công việc, trong học tập, đấy là KTS.

Hiện nay Bộ TT&TT đang hướng đo KTS theo hướng nó chiếm bao nhiêu %, thì bấy nhiêu % là KTS của hoạt động đó.

KTS được đặc trưng bởi giao dịch online, thế giới ảo không giấy tờ, không tiền mặt, mọi DN đều sử dụng thương mại điện tử (TMĐT), công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra công việc mới. Mọi giao dịch đều là điện tử, tích hợp, liên thông, an toàn từ đăng ký kinh doanh đến tuyển dụng lao động đến báo cáo, marketing, bán hàng, banking... Người lao động có kỹ năng số để tự tin sáng tạo công nghệ số. Mọi người dân tự tin và an toàn sử dụng dịch vụ số. Chính phủ cung cấp dịch vụ công “online” dễ dùng, an toàn, sử dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu cá thể hóa. Chính sách của chính phủ thì thông minh và tạo ra môi trường số an toàn, tạo ra niềm tin số. Đó là hình dung về KTS.

Phát triển kinh tế số Việt Nam cơ bản phải dựa trên đổi mới sáng tạo số

Muốn tăng trưởng nhanh, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, và cần động lực mới. Không gian mới là KTS, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số và yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo (ĐMST) số.

Hãy chú ý là có ĐMST số. ĐMST thì trong nhiều lĩnh vực, nhưng ĐMST số thì bây giờ ở đâu đó 80% trong tất cả các ĐMST, thậm chí có nhiều người nói là 90%. Các công ty kỳ lân công nghệ, 85% là các công ty công nghệ số. Tức là, ĐMST tập trung trong lĩnh vực này là rất lớn, cho nên chúng ta nói đến ĐMST số.

Phát triển KTS Việt Nam cơ bản phải dựa trên ĐMST số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp KTS vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Nhân tài số nhiều khi cũng nghĩ Việt Nam chắc khó. Nhưng có hai ý tôi muốn nói về nhân tài, cứ làm nhiều là thành tài. Người Trung Quốc có phát hiện rất quan trọng về AI, họ đưa ra thành một tuyên bố: Một kỹ sư AI bình thường nhưng có nhiều dữ liệu thì tạo ra một sản phẩm xuất sắc hơn một kỹ sư AI xuất sắc nhưng có ít dữ liệu. Dữ liệu thì không cần nhân tài, dữ liệu cần chính xác. Trung Quốc có nhiều dữ liệu nhất, vì nhà nước tham gia vào quá trình tạo dữ liệu.

Cái thứ hai, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến những việc, tạo ra những giá trị 1.000 USD thì chúng ta chắc chắn thuê nhân tài với giá dưới 1.000 USD và tôi tin với giá này sẽ rất khó thuê nhân tài. Nhưng nếu chúng ta nghĩ ra những việc mà giá trị mang lại là 100.000 USD và chúng ta có tới 50.000 USD để đi thuê thì chắc sẽ thuê được nhân tài. Cho nên, không phải là có tiền hay không có tiền mà là có nghĩ đến việc có tiền không. Có dám nghĩ đến những việc có nhiều tiền không. Đấy là quyết định. Còn với 50.000, 60.000, 70.000 USD/tháng, thì tôi nghĩ mình có thể thu hút được nhân tài toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Nhân lực thiếu hay không là do mình, do người lãnh đạo DN, tổ chức có nghĩ ra việc có giá trị cao hay không. Còn giờ đi thuê nhân tài để họ vào làm những việc giá trị 1.000 USD thì khó.

Một số thành tố của kinh tế số

Về công nghiệp ICT, ở Việt Nam, cũng có lúc gọi là công nghiệp số, có lúc gọi là công nghiệp công nghệ số, và sắp tới sẽ đưa vào văn bản là công nghiệp công nghệ số với Luật Công nghiệp công nghệ số. Công nghiệp công nghệ số bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ CNTT, phần cứng, Internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây). Công nghiệp công nghệ số dẫn dắt sự phát triển KTS, vì cung cấp công nghệ số, sản phẩm số, dịch vụ số, giải pháp số để phát triển KTS. Cái này vẫn là nền móng. Những cái này chủ yếu là DN, cho nên các DN công nghệ số phải nhận lấy sứ mệnh, trách nhiệm làm hạ tầng, công cụ để phát triển KTS.

Trung Quốc họ nói mạnh hơn, muốn phát triển tất cả những gì có chữ số, nếu không có sự xông xáo, năng động của các DN công nghệ số thì sẽ không có.

Chúng ta vẫn chưa chú ý hết đến tầm quan trọng của những DN công nghệ số. Những DN công nghệ số lớn hiện nay đang có rào cản lớn là giàu, nhiều tiền nên không máu me. Có chăng thì DN công nghệ số 1.000 - 2000 người. Nhưng nếu chỉ có những DN này, không có những DN đầu đàn lớn đứng ra làm những cái mang tính nền tảng, ví dụ như xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, thì phải cỡ Viettel, VNPT, FPT. Cho nên, những DN lớn phải coi như sứ mệnh quốc gia, đứng ra xây dựng những nền móng để tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Khi DN làm ra những nền tảng được mọi người dùng như điện, nước thì DN cũng thu được lợi ích lớn.

Về KTS ngành hay còn gọi là số hóa các lĩnh vực kinh tế truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tức là ứng dụng công nghệ số vào các ngành truyền thống để tạo đầu ra mới. Đầu ra mới này đóng góp vào KTS. KTS không đứng riêng, mà là một nền kinh tế tích hợp đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh tế thực và làm cho nền kinh tế thực chất lượng và hiệu quả hơn. Cho nên bây giờ người ta hay nói đến “online to offline” là vì thế. Tức là trong hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khâu, một số khâu online được, có những khâu vẫn phải offline, vẫn phải vật chất, vật lý. Nhưng ở phần đưa lên online lại kích phần offline.

Tốc độ của nền kinh tế

Nền kinh tế của chúng ta đã đạt đến một trình độ mà ở đó các hoạt động vật lý đã nhanh hơn các hoạt động phi vật lý. Trước đây mình nghĩ nhanh hơn nhưng sản xuất chậm hơn nên các hoạt động vật lý chậm hơn.

Tốc độ của nền kinh tế bây giờ phụ thuộc vào tốc độ của các hoạt động phi vật lý vì các hoạt động vật lý đã nhanh hơn rất nhiều. Bây giờ cái nhanh ngày xưa lại trở thành cái chậm. Nó là hoạt động liên quan đến suy nghĩ, thiết kế, quyết định mua hàng, quyết định sản xuất. Các hoạt động vật lý, phi vật lý bây giờ lại có thể đưa lên online dễ dàng hơn và khi đưa lên online thì tốc độ của nó sẽ tăng lên đáng kể và vì thế mà làm cho tốc độ của toàn bộ nền kinh tế cũng tăng lên đáng kể. Sản xuất, tiêu thụ thì vẫn vật chất nhưng nhiều quyết định về sản xuất và tiêu thụ có thể lên online.

Ví dụ quyết định mua hàng trên sàn TMĐT là online, giao hàng vẫn là offline nhưng tốc độ tiêu dùng tăng lên đáng kể. Bởi vậy, KTS là chuyển nhanh một số khâu của nó sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc các khâu còn lại. Bất kỳ một khâu nào của hoạt động kinh tế được online là đã tạo ra một hệ số nhân cho nền kinh tế tăng trưởng và nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này thì sẽ thấy một thay đổi nhỏ có thể tạo nên một kết quả lớn.

Khâu nào, phần nào có khi nhỏ mà chúng ta chuyển lên online được thì sẽ trở thành cấp số nhân.

Về quản trị số, có thể coi đây như là quan hệ sản xuất. Quản trị số để đảm bảo cho sự phát triển KTS được nhanh, được bền vững, là thành phần quan trọng của hiện đại hoá quản trị quốc gia, là mô hình quản trị quốc gia mới, sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công, hệ thống giám sát, ra quyết định dựa trên dữ liệu và năng lực thực thi.

Quản trị số bao gồm mô hình đổi mới quản trị, dùng công nghệ số để nâng cao chất lượng hệ thống quản trị, năng lực quản trị ở tất cả các cấp. Trợ lý ảo cho các cán bộ công chức là một ví dụ. Năm nay, Bộ TT&TT đặt ra 1 nhiệm vụ lớn đã báo cáo Chủ tịch nước về 3 nền tảng:

Thứ nhất là trợ lý ảo cho tất cả các cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong hệ thống Nhà nước có mấy triệu người.

Thứ hai là xây dựng một phần mềm để phát hiện sự mâu thuẫn của các luật và mâu thuẫn của luật với nghị định và mâu thuẫn của luật với thông tư, giữa các thông tư.

Thứ ba xây dựng trợ lý ảo cho tất cả người dân Việt Nam tư vấn về vấn đề pháp lý để nâng cao tri thức của người dân, từ đó nâng cao tri thức của CBCCVC.

Bộ TT&TT cũng đang xây dựng hệ thống tri thức của các tổ chức để tri thức không mất đi. Một người làm việc cho tổ chức đó mà ra đi thì tri thức đó còn lại. Một người đến sau ngồi trên một hệ tri thức của hàng chục, hàng trăm thế hệ trước. Làm được hệ thống tri thức như thế thì đất nước, dân tộc mình chỉ có đi lên.

Về dữ liệu (DL), DL là yếu tố sản xuất mới, tạo ra giá trị từ DL là quan trọng nhất. Tạo ra giá trị từ DL bao gồm thu thập, chuẩn DL, xác định quyền DL, chú giải DL, định giá DL, trao đổi DL, tạo ra thị trường DL và bảo vệ DL. Trong DL, có một cái quan trọng nhất là tạo ra DL, tạo ra giá trị từ DL.

Ví dụ, hiện nay người nhiều DL nhất mà chưa được khai thác chính là nhà mạng viễn thông nhưng tạo ra giá trị thì rất ít nhưng chứa thì rất nhiều, vô cùng nhiều. Một đơn cử khá hơn là ngân hàng, có dùng dữ liệu để tạo ra giá trị khi ngân hàng phát triển ngân hàng số thì dựa trên giá trị DL rất nhiều. Nhưng hiện nay rất nhiều tổ chức, cơ quan đã lưu trữ DL có cấu trúc từ nhiều năm nay mà chưa biết dùng như thế nào, chưa biết tạo ra giá trị. Hãy biến AI thành dịch vụ để mọi người có thể dùng được như dịch vụ. Hãy mang DL để thử và chạy các mô hình để tìm ra giá trị. Việc này rất dễ làm. Nước ngoài gọi là AI kinh doanh là vì DL có sẵn rồi.

Tổ chức nào cũng có DL nhưng không có công cụ, không biết cách làm cho nên giờ biến AI thành dịch vụ điện thoại là như thế.

AI đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế số, cần ứng dụng mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực

AI nhất là học sâu (deep learning) đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu và đã bước vào giai đoạn ứng dụng. Nghiên cứu, khám phá thì cần giới tinh hoa, bỏ ra công sức vài chục năm mới có một đột phá. Mỹ và một số nước phát triển vẫn đang là người đóng vai chính trong giai đoạn nghiên cứu, khám phá. Việt Nam thì chưa tham gia được nhiều trong giai đoạn này nhưng giai đoạn ứng dụng thì chỉ cần mức kỹ sư, cần nhiều kỹ sư mức ứng dụng. Ai nhanh chân ứng dụng thì được hưởng lợi nhiều nhất. AI đã trở thành như điện của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 2, trở thành động cơ hơi nước của cuộc CMCN lần thứ nhất. AI cần phải được phổ cập trong mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi chốn, mọi công việc hàng ngày, mọi người, mọi DN, tổ chức. Nhanh chóng phổ cập hoá AI nhưng phải là AI do chúng ta phát triển.

AI cần phải được phổ cập trong mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi chốn, mọi công việc hàng ngày, mọi người, mọi DN, tổ chức.Nhanh chóng phổ cập hoá AI nhưng phải là AI do chúng ta phát triển.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Để AI phát triển thì chính phủ cũng sẽ sớm ban hành bộ quy tắc ứng dụng AI bởi vì AI được coi là tạo ra nguy cơ còn lớn hơn cả năng lượng hạt nhân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hạn chế sử dụng AI mà ngược lại đẩy nhanh ứng dụng mặt tích cực của nó. Bộ TT&TT cũng sẽ trình Chính phủ 1 chương trình ứng dụng AI trong CĐS, chính phủ số, KTS, XHS. AI sẽ tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và tạo ra giá trị mới. AI đóng vai trò chính trong phát triển KTS.

Coi trọng đo lường kinh tế số

Muốn quản lý được cái gì thì phải đo lường được cái đó. Bộ TT&TT đặc biệt coi trọng đo lường KTS, không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở mức các địa phương, các ngành, không chỉ hàng năm mà hàng tháng, hàng quý, không phải bằng tay mà tự động. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia đi đầu về đo lường KTS. Hãy cứ làm đi và sẽ trở thành dẫn đầu. Đi sau thì học người đi trước, đi đầu thì do tưởng tượng.

Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các kinh nghiệm hay về phát triển KTS của các tỉnh, các ngành, các nước để chia sẻ và bản tin này sẽ là hàng tháng.

Cái khó nhất của CĐS, kinh tế số là đặt câu hỏi đúng và đi hỏi

CĐS là thời thay đổi. Thời thay đổi thì sức mạnh là “Tôi không biết”. Bởi vậy mà xuất hiện sức mạnh của câu nói, của việc nói “Tôi không biết”. Nói “Tôi không biết” thì não ta mới mở ra. Nói “Tôi biết” là não đóng lại. Nói “Tôi biết” thì người đối diện sẽ không nói gì cả. Nói “Tôi không biết” thì người khác sẵn sàng chia sẻ và khi đó chúng ta tiếp cận được hàng triệu kho tri thức. Bởi vậy, chúng ta phải thay đổi. Thay vì tự hào nói “Tôi biết” thì hãy nhìn thấy cái hay, cái hiệu quả, giá trị của câu “tôi không biết”.

Thời CĐS, ĐMST này nói “Tôi không biết” là một sức mạnh. Hãy mang cái không biết của mình đi hỏi. Câu hỏi đúng về vấn đề của mình là 70% cho lời giải cho vấn đề của mình. Vấn đề với ta thì khó nhưng với người khác ở ngoài kia thì lại không khó mà có thể là rất dễ. Vậy, hãy mang đi hỏi, nhưng phải biết chính xác câu hỏi đúng của mình, xác định được đúng vấn đề và hỏi đúng câu hỏi là việc quan trọng nhất.

Cái khó nhất của CĐS, KTS là làm một việc rất đơn giản là đặt câu hỏi đúng và mang đi hỏi. Mọi câu hỏi dù khó nhất thì cũng có ai đó ngoài kia giải quyết được. Hãy có niềm tin vào việcnày. Nhưng để hỏi được thì đầu tiên là bắt đầu từ làm. Vậy hãy bắt đầu bằng sử dụng công nghệ số để làm việc của mình khác đi.

*Tiêu đề do Tạp chí Thông tin và Truyền thông đặt

(Trích các bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” ngày 30/8/2023)

Xem thêm
Bài khác
Kinh tế số đi con đường Việt Nam: Tập trung công nghiệp ICT và kinh tế số Ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO