Kinh tế số

Điểm sáng của Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế số

Hoàng Linh 11:42 31/08/2023

Các địa phương, trong đó có Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số (KTS) đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

3 mũi nhọn phát triển KTS của Hải Phòng

Tại phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển KTS ngành, lĩnh vực” của Uỷ ban CĐS quốc gia mới đây, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết Hải Phòng đang xác định ba mũi nhọn thúc đẩy CĐS, phát triển KTS gồm: công nghiệp chế biến - chế tạo, logistics và du lịch. “Hải Phòng coi đây là các thế mạnh từ trước tới nay của Thành phố và phải thúc đẩy CĐS, KTS trong lĩnh vực này”.

Ông Hoàng Minh Cường cũng chia sẻ Hải Phòng cũng như các địa phương khác đang gặp phải vấn đề về đo đạc, đánh giá chi tiết về các cấu thành của KTS bởi phải đo đạc được mới xác định được điểm mạnh, điểm yếu và lập kế hoạch khắc phục các yếu tố khó khăn cũng như thúc đẩy phát triển KTS. Do đó, thời gian vừa qua, Hải Phòng tập trung cho việc thực hiện các thống kê số liệu, có các tính toán và phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số (KTS-XHS) - Bộ TT&TT để thực hiện một số đề án mang tính nghiên cứu khoa học. Đây là việc rất quan trọng.

Cũng theo ông Hoàng Minh Cường, Bộ TT&TT đã đánh giá công nghiệp ICT đang chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển KTS và là cấu thành đầu tiên của KTS. Hải Phòng đang có các tập đoàn FDI lớn về CNTT-TT (ICT) từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay VinGroup… đầu tư. Các DN này có hàm lượng sản xuất ICT cao, là cấu thành quan trọng trong phát triển KTS.

Để phát triển KTS, Hải Phòng đang thu hút các DN lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, thương mại dịch vụ có hàm lượng sản xuất công nghệ, ICT cao đến đầu tư, mở rộng các cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh, tái tạo cũng như các DN phát triển R&D, đổi mới sáng tạo.

pegatron.jpeg
nhà máy thông minh Pegatron (Ảnh: congnghieptieudung.vn)

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng cho biết thời gian qua, Hải Phòng cũng phối hợp với các DN viễn thông thí điểm 5G vào hai cảng biển là Tân Vũ và Đình Vũ và mới đây là đưa 5G vào nhà máy thông minh Pegatron. “Hải Phòng xác định hạ tầng số là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển KTS và kế hoạch 5G không chỉ là thương mại mà cả ở sản xuất công nghiệp và đưa 5G vào cảng biển, các DN chế tạo sẽ góp phần tạo ra các động lực mới để phát triển”.

Liên quan đến CĐS ngành, lĩnh vực, cảng thông minh, Phó Chủ tịch UBND Hoàng Minh Cường cũng thông tin Hải Phòng cũng đang đẩy mạnh. Hiện nay, ở Hải Phòng cũng có nhiều cảng đã đạt đến cảng thông minh. Hải Phòng nhất trí là triển khai cảng thông minh ở tất cả các cảng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết nếu chỉ thúc đẩy đưa nền tảng CĐS vào các cảng riêng rẽ thì sẽ đạt được 100% các cảng thông minh nhưng vẫn thiếu một mảnh ghép việc liên kết giữa các hệ thống cảng này với cả các DN logistics khác, hệ thống kho bãi, các cơ quan nhà nước (CQNN) liên quan như cảng vụ, giao thông vận tải, thuế, hải quan.

Theo đó, Phó Chủ tịch Hải Phòng cho rằng CĐS, triển khai cảng biển thông minh phải đạt liên kết hai chiều để CQNN cũng được hưởng lợi, như về dữ liệu từ thuế, cảng vụ cần được chia sẻ chung… Hải Phòng cũng đang triển khai CSDL về logistics để kết nối các CQNN liên quan đến logistics để chia sẻ dữ liệu chung.

Hải Phòng đang tập trung CĐS 5 lĩnh vực trọng tâm gồm y tế, giáo dục, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải. Theo đó, việc xây dựng CSDL để chia sẻ dữ liệu của 5 lĩnh vực này sẽ thúc đẩy được KTS của Thành phố.

Trong quá trình triển khai CĐS, phát triển KTS, ông Hoàng Minh Cường cũng cho biết cần một hệ thống số liệu đo đạc thời gian thực liên tục và phân tích sâu để từ đó các ngành, địa phương có thể lựa chọn được các chính sách, chiến lược thúc đẩy. Hải Phòng sẵn sàng phối hợp để tiên phong tính toán chi tiết và lập kế hoạch để khắc phục từng chỉ số KTS.

hai-phong.jpeg
Hình ảnh TP. Hải Phòng (Nguồn: thanhphohaiphong.gov.vn)

Về phát triển hạ tầng số, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết còn rất nhiều khó khăn. Hải Phòng hiện là hub logistics trong thế giới thực và mong muốn trở thành hub trong thế giới ảo. Để làm được việc đó cần đầu tư rất nhiều vào hạ tầng số như các đường truyền, trong đó có cả đường trục quốc tế hay là xây dựng các trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây (ĐTĐM). Hải Phòng đang trải thảm đỏ, mở cửa cho các DN viễn thông - CNTT Việt Nam đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn đang hạn chế.

Về công bố nền tảng số quốc gia, đề nghị Bộ TT&TT có một kế hoạch công bố các nền tảng CĐS Quốc gia một cách nhanh nhất có thể. Địa phương băn khoăn là đang làm nền tảng mà các Bộ, ngành mới công bố các nền tảng quốc gia.

Có những việc địa phương muốn tiên phong đi đầu, triển khai phê duyệt kế hoạch nền tảng thì một ngày nào đó Bộ, ngành công bố sẽ triển khai 1 nền tảng và các công việc sẽ bị dừng lại. Bộ TT&TT nên có thông báo sớm về các nền tảng số quốc gia và nên có nguyên tắc chung về nền tảng mở có thể kết nối các CSDL vào nền tảng của các địa phương hoặc giao hoặc cung cấp, uỷ quyền cho các địa phương để làm dữ liệu để tránh việc chồng chéo lên nhau”, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường kiến nghị.

TP. HCM: Tỷ trọng kinh tế số ngày càng tăng

Chia sẻ về phát triển KTS tại TP. HCM, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM thông tin Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM phát triển KTS đến năm 2025 phải chiếm 25% GRDP và đến 2030 phải chiếm 40% GRDP. Nghị quyết 31/NQ-TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP. HCM đã giao chỉ tiêu cho TP. HCM đến năm 2030, KTS phải chiếm 40% GRPD của Thành phố. “Mức này cao hơn mức bình quân của cả nước từ 5-10%”.

Trong thời gian qua, Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cho biết KTS còn là mới nhưng TP. HCM đã cố gắng thực hiện các giải pháp phát triển KTS. Thứ nhất là TP. HCM đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển KTS trong tất cả chương trình, nghị quyết của Đảng bộ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Thành phố để thực hiện chỉ tiêu KTS này.

Ông Lâm Đình Thắng cũng cho biết Chương trình CĐS TP. HCM trong thời gian qua đều nhắm đến việc nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức của TP và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trên địa bàn thành phố hoạt động tốt hơn. Năm 2021, TP. HCM đã chủ động việc tổ chức, đo lường, đánh giá chỉ số KTS trên địa bàn TP. HCM bằng phương pháp nghiên cứu khoa học và Sở TT&TT đã phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển thành phố xây dựng phương pháp đánh giá và đánh giá KTS năm 2021 của TP. HCM đạt tỷ trọng 15,48%.

ha-tang-so-hcm.jpeg
Ảnh minh họa (nguồn: SGGP)

Trong thời gian vừa qua, TP. HCM cũng đã tập trung phát triển các hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhờ vậy, trong năm 2022, KTS TP. HCM tăng 4% so với năm 2021 và đạt tỷ trọng khoảng 18,66%.

TP. HCM cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ SME CĐS. Các nguồn lực và các cơ chế từ CQNN của Thành phố hỗ trợ cho các DN này vẫn còn khiêm tốn nên trong thời gian vừa qua và thời gian tới. TP, HCM cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ Bộ TT&TT, Vụ KTS-XHS, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đặc biệt là sơ kết nủa nhiệm kỳ, các đơn vị hỗ trợ nhiệt tình cho đánh giá chỉ số này.

Cũng như Hải Phòng và các địa phương, ông Lâm Đình Thắng cho biết TP. HCM đang gặp khó về công cụ và phương pháp đánh giá KTS-XHS thống nhất từ trung ương với địa phương. Theo đó, đề nghị Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Tổng cục Thống kê, các bộ ngành trung ương thống nhất ban hành khung bộ chỉ số đánh giá CĐS và phương pháp đánh giá KTS một cách thống nhất và chủ động. Nếu được, nên có kết quả hàng quý để các địa phương điều chỉnh kịp thời và có biện pháp thực hiện kịp thời trong suốt thời gian 1 năm.

Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cũng đề xuất Bộ TT&TT tiếp tục định hướng những giải pháp để thúc đẩy phát triển KTS ở các địa phương bởi đây lĩnh vực mới và đặc biệt Bộ TT&TT nên có chương trình lớn huy động sự tham gia tổng hợp, phối hợp với tất cả các lực lượng của các Bộ ngành, địa phương, DN để tạo một hiệu quả lớn cho các thị trường này.

Trước các trao đổi, đề xuất của hai địa phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã ghi nhận. Theo Thứ trưởng, nền tảng tích hợp theo chiều ngang kết nối cảng với các CQNN theo đề xuất của Hải Phòng trong phạm vi nội địa rất là cần. Bộ TT&TT hoan nghênh Hải Phòng triển khai. Về công bố nền tảng số quốc gia, đã có 8 nền tảng số quốc gia được công bố. Các nền tảng do Bộ TT&TT quản lý đã công bố và còn lại nhiều nền tảng của các Bộ ngành. Tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ có cuộc họp với các trưởng ngành để đẩy nhanh tiến độ các nền tảng số quốc gia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng của Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO