Truyền thông

Kinh tế số khu vực ASEAN: Nắm chắc thời cơ để bứt phá

P.V 06:20 01/08/2023

Kinh tế số của một số nước trong khu vực ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Singapore được dự đoán sẽ tăng trưởng 6%/năm... Tuy nhiên, sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn cho đến trình độ hiểu biết về kỹ thuật số thấp, khu vực này sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức có thể kìm hãm sự tăng trưởng đó.

Nền kinh tế số ASEAN có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030

Kinh tế số gồm những lĩnh vực kinh doanh cơ bản: Thương mại điện tử (e-commerce); dịch vụ du lịch trực tuyến (online travel services); dịch vụ gọi xe online (online car call services); dịch vụ viễn thông (telecommunication services); dịch vụ thanh toán trực tuyến (online payment services); y tế kỹ thuật số (health tech); giáo dục kỹ thuật số (Ed. tech)... Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Năm 2019, kinh tế số của ASEAN lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2016-2019. Trong đó, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có mức tăng trưởng kinh tế số đạt trung bình 20 - 30%/năm. Hai quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số hơn 40%/năm.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 mới nhất do Google, Temasek và Bain&Company vừa phát hành, dự đoán thị trường kinh tế số của khu vực ASEAN có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

6_chuyen_01-1632975628160.jpg
Theo dự đoán, thị trường kinh tế số của khu vực ASEAN có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Tiềm năng phát triển kinh tế số của các nước ASEAN được giới chuyên gia đánh giá là rất lớn khi khu vực này hiện có khoảng 400 triệu người dùng Internet và riêng trong năm 2020, có thêm 40 triệu người dùng mới. Các cơ hội kinh doanh trong những lĩnh vực mới như kỹ thuật công nghệ tài chính, kỹ thuật công nghệ y tế và kỹ thuật công nghệ giáo dục... đang rộng mở và được các nhà đầu tư quan tâm.

Theo kết quả Điều tra của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) kết hợp với Google tháng 12/2022, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN bắt đầu bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trong hai năm qua. Ngay cả đối với các doanh nghiệp đã có nền tảng bán hàng trực tuyến thì COVIS-19 cũng buộc phải nâng cấp nền tảng nhằm mở rộng phạm vi và quy mô bán hàng. Trước đại dịch thì chỉ có 6% doanh nghiệp có 50% doanh thu bán hàng trực tuyến và con số này sau đại dịch là 15%.

Mặc dù được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ song báo cáo của Phòng thương mại Quốc tế (ICC) cho biết  phát triển kinh tế số vẫn còn rất nhiều rào cản. Điều đầu tiên đến từ khó khăn trong cách tiếp cận chuyển đổi sang kinh tế số, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các quy định mới về thương mại điện tử tại ASEAN liên quan đến thuế, cấp phép và đăng ký tác động đến mục tiêu số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ảnh hưởng đến triển vọng của nền kinh tế số đang phát triển mạnh ở khu vực ASEAN.

Ngoài ra còn có sự phân chia kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn trong mỗi quốc gia. Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Brunei, các quốc gia ASEAN khác có hơn 40% dân số sống ở khu vực nông thôn, dựa trên ước tính năm 2021 của Ngân hàng Thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số làm tăng nguy cơ khiến một số cộng đồng nông thôn bị bỏ lại phía sau.

Anthony Toh, nhà phân tích nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết: “Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đang mở rộng, nhưng vẫn có khoảng cách kỹ thuật số. Singapore là thành viên ASEAN số hóa cao nhất. Đối với Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan và Việt Nam, các nước này có xu hướng thiếu một số chỉ số trong khi Myanmar, Lào và Campuchia thiếu triển vọng số hóa”.

Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số một cách toàn diện trong  khu vực

Trước xu thế phát triển của thời đại, từ năm 2021, ASEAN khẳng định một tầm nhìn mới về kinh tế số được nêu tại Kế hoạch Kinh tế Số Tổng thể (Digital Master Plan 2025) do Hội nghị Bộ trưởng về Kinh tế số (ADGMIN) thông qua. Theo đó hướng đến xây dựng “ASEAN là một cộng đồng và nền kinh tế số hàng đầu được vận hành bởi các dịch vụ, công nghệ và hệ sinh thái số an toàn và chuyển đổi”.

tin-tuc-kinh-te-ngay-2710-viet-nam-dat-tang-truong-kinh-te-so-cao-nhat-asean.jpg
Các nước ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ bắt đầu đàm phán Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) vào Quý III năm nay.

Để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số một cách toàn diện, vào tháng 10/2021, Lộ trình Chuyển đổi số Bandar Seri Begawan (BSBR) của ASEAN đã được thông qua tại Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 20. Theo đó, thiết lập nền tảng cho hội nhập số khu vực thông qua tiến hành xây dựng Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) vào năm 2025 là một trong những mục tiêu chính của BSBR.

Trong Hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 2/2023 tại Jakarta, các thành viên đã tái khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy cụ thể DEFA. DEFA sẽ đóng vai trò là khuôn khổ bao trùm của ASEAN cho một hệ sinh thái thương mại kỹ thuật số liền mạch trên khắp Đông Nam Á.

Các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng thể hiện cam kết đối với một nền kinh tế kỹ thuật số hội nhập. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên cũng đang đơn phương củng cố các khuôn khổ quy định dữ liệu của riêng từng nước. Đơn cử, năm 2022, Singapore đã ký kết quan hệ đối tác kỹ thuật số toàn diện, đặc biệt là với Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Hay Philippines đã tuyên bố hỗ trợ thành lập một diễn đàn về quy tắc bảo mật xuyên biên giới để cải thiện các luồng dữ liệu xuyên biên giới. Indonesia và Việt Nam đã tích cực củng cố luật nội địa hóa dữ liệu với nhiều chính sách khác nhau.

Trên thực tế, quy định dữ liệu xuyên biên giới mạch lạc là mạch máu của một nền kinh tế kỹ thuật số chức năng. Vì vậy, các nhóm nghiên cứu được ủy quyền của ASEAN về DEFA sẽ phân tích việc thành lập một cơ quan quản lý, tương tự như Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng, để giám sát việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn quy định dữ liệu giữa các quốc gia thành viên. Các nhóm nghiên cứu này sẽ phân biệt những nguyên tắc liên quan nào có thể được áp dụng lại cho quy định dữ liệu xuyên biên giới.

Dự kiến, DEFA sẽ hướng tới việc xây dựng một không gian, môi trường an toàn, lành mạnh cho kinh tế số phát triển, đồng thời thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… Nó được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số phát triển hàng đầu trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto mới đây cho biết, các nước ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ bắt đầu đàm phán Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) vào Quý III năm nay.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số khu vực ASEAN: Nắm chắc thời cơ để bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO