Có mặt tại Việt Nam, quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á, đồng thời bắt tay với đối tác am hiểu địa phương sẽ giúp Mambu có được “miếng bánh” trên thị trường chuyển đổi số.
Sự kiện lớn với thị trường chuyển đổi số
Nền tảng dịch vụ công nghệ phần mềm (SAAS) trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu Mambu (Đức) vừa bắt tay với KMS Solutions để nhảy vào thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam.
Trước khi công bố thương vụ này, KMS Solutions có những động thái đẩy mạnh xây dựng và cải tiến Bộ giải pháp đặc thù cho khối BFSI (ngân hàng - tài chính) có tên gọi BankTech.
Cuối tháng 4/2021, KMS Solutions liên tục cho ra mắt các giải pháp số hóa tiên tiến như định danh khách hàng điện tử (eKYC), Mobile Banking, Online Banking, phân tích dữ liệu nghiệp vụ (Banking Analytics), hay dịch vụ kiểm định chất lượng chuyển đổi số (Digital Testing).
Trong khi đó, hồi đầu năm nay, Mambu bổ nhiệm ông Phạm Quang Minh làm Tổng giám đốc tại Việt Nam, cho thấy tham vọng tham gia miếng bánh thị trường chuyển đổi số đầy màu mỡ. Ông Minh từng là Giám đốc ngân hàng số TMRW - một ngân hàng trực tuyến của Tập đoàn UOB (Singapore).
Cùng thời điểm đó, Mambu cũng gọi vốn thành công 110 triệu euro, trở thành “kỳ lân công nghệ” mới của Đức, với định giá khoảng 1,7 tỷ euro.
Vòng gọi vốn mới được dẫn đầu bởi TCV - nhà đầu tư của Netflix, RELEX, Spotify và WorldRemit, cùng với sự tham gia của Tiger Group, Arena Holdings và các nhà đầu tư hiện hữu Bessemer Venture Partners, Runa Capital và Acton Capital Partners. FT Partners là cố vấn tài chính độc quyền về giao dịch này.
Mambu đang tiếp tục mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu nền tảng của mình và đang có kế hoạch tăng gấp đôi đội ngũ lên hơn 1.000 người vào năm 2022.
Ông Eugene Danilkis, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Mambu từng chia sẻ, khi Mambu ra mắt vào năm 2011 tại Đức, ông cùng các cộng sự tin rằng, tương lai của ngành ngân hàng sẽ phải xây dựng trên nền tảng siêu công nghệ.
Gần một thập kỷ sau, điều này đúng hơn bao giờ hết, đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính trong những năm qua.
Mambu đang thúc đẩy việc tham gia thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Mambu có mặt tại thị trường đông dân thứ hai ở Đông Nam Á với những lãnh đạo am hiểu địa phương được cho là sự kiện lớn đối với thị trường chuyển đổi số Việt Nam.
Cú hích kế tiếp
Tổng giám đốc Mambu Việt Nam Phạm Quang Minh cho rằng, sai lầm lớn nhất mà bất kỳ một ngân hàng nào cũng có thể mắc phải vào thời điểm này, đó là thờ ơ với xu hướng. Họ cần hoạt động như fintech, nhanh nhẹn, nhạy bén và linh hoạt để tăng khả năng tồn tại và cạnh tranh. Ngân hàng số sẽ thay đổi cách sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận và cải thiện thêm dịch vụ của ngân hàng.
Làn sóng số hóa ngân hàng trong nước diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam kể từ tháng 8/2018, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025. Cú hích tiếp theo khi tháng 5/2021, Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Là công ty hàng đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây cho ngân hàng, Mambu đang tham gia vào thị trường công nghệ ngân hàng toàn cầu trị giá 250 tỷ USD và phục vụ khoảng 180 khách hàng với trên 33 triệu người dùng cuối tại 26 quốc gia trên thế giới.
Danh sách khách hàng của Mambu đã mở rộng từ các công ty khởi nghiệp fintech, công ty viễn thông và các ngân hàng cấp cao nhất, bao gồm ABN AMRO, N26 và OakNorth, Globe Telecom và Orange... Do đó, dựa vào kiến trúc Composable Banking trên nền tảng đám mây của Mambu, KMS Solutions tự tin xây dựng và cung cấp các giải pháp ngân hàng số hiện đại cho ngành dịch vụ tài chính ngân hàng.
Ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó tổng giám đốc KMS Solutions tiết lộ, hai bên đang ấp ủ một nền tảng ngân hàng số toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp khối ngân hàng.
Theo ông Elliot Limb, Tổng giám đốc Thương mại của Mambu, hiện trên thế giới có hơn 1,7 tỷ người trưởng thành chưa sử dụng ngân hàng. Nguyên nhân là do họ sinh sống ở những thị trường mới nổi, khả năng tiếp cận dịch vụ hạn chế.
Ông Elliot Limb cho rằng, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi bởi những đối thủ mới, các ngân hàng phải tìm cách cá nhân hóa dịch vụ. Đó chính là chìa khoá quan trọng đối với ngân hàng, vì chính họ là những đơn vị có khả năng cung cấp nhiều giải pháp toàn diện và cho phép khách hàng quyền tiếp cận nhiều hơn tới các tính năng.
“Tận dụng các công nghệ sẵn có để nắm rõ thói quen của người tiêu dùng, từ đó dự đoán những nhu cầu của họ để đưa ra đề xuất và dịch vụ siêu cá nhân hóa là việc ngân hàng cần làm”, ông Elliot Limb nói.